logo
  • Tin tức
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn

Token là gì? Sự khác nhau giữa Token và Coin trong tiền điện tử

-09/02/2021

Đối với hầu hết các nhà giao dịch bình thường thì sự khác biệt giữa coin và token là không đáng kể; nhưng về mặt kỹ thuật chúng rất khác biệt, rất nhiều người đã gặp rắc rối vì không phân biệt được sự khác biệt giữa token coin, vậy chúng khác nhau thế nào?

Token là gì? Sự khác nhau giữa Token và Coin trong tiền điện tử.
Token là gì? Sự khác nhau giữa Token và Coin trong tiền điện tử.

Token là gì?

Token là khái niệm chỉ những loại tài sản kỹ thuật số hoạt động dựa trên Blockchain của các dự án khác mà không sở hữu Blockchain riêng. Ví dụ như các token LINK, CRV, SUSHI…chạy trên Blockchain của Ethereum.

Token và coin khác nhau như thế nào?

Token thường hoạt động dựa trên các Blockchain khác

Đây là sự khác biệt lớn nhất giữa coin và token. Nhiều dự án nếu không cần thiết phải tạo lập một Blockchain mới thì họ sẽ phát hành một loại token dựa trên Blockchain nào đó có sẵn để tiết kiệm chi phí cũng như hưởng lợi từ hệ sinh thái của Blockchain đó. Ví dụ như các hệ sinh thái Ethereum, EOS, Polka DOT…

Tuy nhiên vì để đồng bộ với tiêu chuẩn của các token cùng hệ sinh thái mà một số dự án thiết kế coin gốc như một token để tiện cho việc trao đổi với các token khác. Ví dụ như Solana, Terra… Blockchain của Ethereum không có chức năng này nên một số người đã tạo ra token wETH để đại diện cho Ethereum trong hệ sinh thái của chính nó, thật kỳ la phải không?

Token có nhiều tiêu chuẩn khác nhau

Các coin chạy trên Blockchain riêng không cần có một tiêu chuẩn nào do chúng là độc nhất trong Blockchain của chính nó nhưng token thì khác; token có nhiều loại tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu khác nhau của các dự án. Nổi tiếng nhất là các tiêu chuẩn ERC-20 , ERC-223 và tiêu chuẩn ERC-721 của Blockchain Ethereum. Các token phải được chuẩn hóa với các tiêu chuẩn chung; dễ dàng chạy các hợp đồng thông minh và giao dịch qua lại.

Ba tiêu chuẩn phổ biến nhất của token Ethereum
Ba tiêu chuẩn phổ biến nhất của token Ethereum

Nguồn cung của token là có sẵn

Hầu hết các token được tạo ra với tổng cung cố định và có sẵn ngay từ đầu khi dự án bắt đầu khởi chạy. Ví dụ như ChainLink có nguồn cung là 1 triệu token ngay từ ban đầu; và được sở hữu toàn bộ bởi chủ dự án, còn các coin khi được tạo ra thì thường có nguồn cung bằng không rồi được đào ra dần theo thời gian.

Điều này khiến cho các dự án gọi vốn bằng token có mức rủi ro cao hơn do chủ sở hữu dự án có thể bán tháo toàn bộ token bất kỳ lúc nào. Tất nhiên họ có thể khóa token trong hợp đồng thông minh để đảm bảo phát triển dự án lâu dài.

UTrust token có sẵn nguồn cung 500 triệu token mà không cần phải đào
UTrust token có sẵn nguồn cung 500 triệu token mà không cần phải đào

Lưu ý là các dự án có thể giảm tổng cung bằng cách “đốt” token, thường là gửi token tới các địa chỉ genesis không bao giờ có thể rút ra được, đối với Blockchain Ethereum thì địa chỉ này là:
0x000000000000000000000000000000000000000000

Việc tăng nguồn cung hiện tại của token là do chủ sở hữu token phân phối cho người khác bằng hợp đồng thông minh hay thủ công chứ thực chất nguồn cung đã có sẵn. Tuy nhiên điều này có thể thay đổi trong các dự án Blockchain trong tương lai để tránh gian lận và rủi ro cho các nhà đầu tư.

Token không nhất định phải dùng để trao đổi như coin

Không phải token nào cũng được sinh ra với chức năng giao dịch mà có thể có nhiều chức năng khác ví dụ như quản trị, bảo mật..đặc biệt các token NFT thì chúng chỉ có thể coi là hàng hóa chứ không phải một loại tiền.

Token không có địa chỉ riêng

Tất cả các token trong một Blockchain đều chia sẻ chung địa chỉ ví với Blockchain gốc. Điều đó có nghĩa là bạn có thể dùng một địa chỉ Ethereum để chứa hàng loạt các token khác nhau như LINK, SUSHI, UNI, USDT… Lưu ý là các địa chỉ Ethereum trên các sàn giao dịch có thể không hỗ trợ token của bạn, bạn có thể mất toàn bộ số token của mình nếu gửi vào đó. Đây là một lỗi khá thường gặp của các nhà đầu tư không hiểu rõ bản chất của tiền điện tử.

Token có thể tồn tại trong nhiều Blockchain khác nhau

Đây có lẽ là đặc tính thú vị nhất của token, chúng không bắt buộc phải tồn tại trong bất kỳ Blockchain cụ thể nào, rất nhiều token có thể tồn tại trong 2 Blockchain trở lên, nổi tiếng nhất là USDT, token này tồn tại trên cả Blockchain của Bitcoin, Ethereum, Tronx… Tuy rằng tồn tại trên nhiều Blockchain nhưng đa số token không thể gửi chéo cho nhau. Nếu như bạn gửi USDT ở Binance Smart Chain vào một địa chỉ ETH, bạn sẽ mất toàn bộ số token USDT đã gửi

Giao dịch với token thường phải trả phí bằng coin của Blockchain gốc

Tất cả giao dịch token trên Ethereum đều phải trả phí bằng ETH
Tất cả giao dịch token trên Ethereum đều phải trả phí bằng ETH

Giao dịch Bitcoin phải trả phí bằng Bitcoin, giao dịch Litecoin phải trả phí bằng Litecoin, nhưng bạn không thể trả phí giao dịch token bằng chính token đó, tất cả các token chạy trên Ethereum phải trả phí bằng ETH, điều này tương tự với các token của SOL, DOT… Riêng các token của NEO thì phải trả phí bằng gas. Điều này giải thích cho tại sao nhiều người không thể chuyển các token ERC-2O khi họ không đủ ETH để trả phí giao dịch.

Ưu điểm của token so với coin

Không cần phải đào

Hành động đào để tạo ra coin mới gần như là việc bắt buộc đối với mỗi loại coin. Để đảm bảo nguồn cung được phát hành ổn định; xác thực giao dịch cũng như bảo mật hệ thống. Nhưng nếu sử dụng một token chạy trên Blockchain khác thì việc này hoàn toàn không cần thiết do đã có Blockchain đó đảm bảo. Việc sử dụng token thay thế cho coin sẽ giảm gánh nặng cho các dự án mới rất nhiều.

Phát hành đơn giản

Việc phát hành một loại token mới cực kỳ đơn giản. Bạn chỉ cần viết một hợp đồng thông minh là có thể nhanh chóng tạo ra token mới để ứng dụng công nghệ Blockchain vào dự án. Độ khó của việc này thấp hơn chế tạo một Blockchain mới rất nhiều; chúng có thể tốn vài năm làm việc của công ty bạn mà không có ưu điểm đáng kể.

Dễ dàng tương tác với các token trong cùng hệ sinh thái

Do các coin tồn tại độc lập với nhau nên bạn thường phải thông qua ứng dụng của một bên thứ ba để trao đổi coin. Nhưng với token bạn có thể tương tác trực tiếp trong Blockchain gốc để trao đổi loại token mà bạn muốn; điều này rất tiện lợi nếu bạn sử dụng nhiều ứng dụng trong cùng một hệ sinh thái.

Dễ dàng tương tác với các token trong cùng hệ sinh thái
Dễ dàng tương tác với các token trong cùng hệ sinh thái

Hưởng thụ hệ sinh thái sẵn có

Khi bạn tạo ra một token mới thì đồng nghĩa với việc bạn cũng gia nhập hệ sinh thái của Blockchain nền tảng chứa token của bạn. Bạn có thể tiếp cận ngay một lượng lớn người dùng cũng như lợi ích khác do hệ sinh thái mang lại. Còn nếu bạn tạo một loại coin mới? Rất tiếc bạn sẽ phải nỗ lực mọi thứ từ đầu.

DOT Ecosystem
DOT Ecosystem

Đa chức năng

Coin thường chỉ có hai chức năng là để trao đổi và trả phí giao dịch. Tuy nhiên token có thể có nhiều chức năng khác nhau như nhận lãi, staking, bỏ phiếu… Các chức năng này sẽ được giới thiệu ở phần cuối của bài viết.

Khó bị tấn công 51%

Logic rất đơn giản, bạn không thể bị tấn công 51% nếu bạn không thể sở hữu Blockchain riêng. Hacker chỉ có thể tấn công vào Blockchain gốc nếu muốn chiếm đoạt token của bạn; nhưng vì Blockchain gốc thường có quy mô rất lớn nên rất khó tấn công.

Các loại token thường gặp

Các loại token thường gặp
Các loại token thường gặp

Do token có thể có nhiều chức năng khác nhau nên người ta phân token ra nhiều loại để dễ dàng phân biệt. Sau đây là các loại token cơ bản:

Security token (token bảo mật)

Đây là loại token được dùng như vốn chủ sở hữu; có thể nhận được lợi nhuận từ dự án. Bạn có thể hiểu nó giống như một loại cổ phiếu trong thế giới tiền điện tử.

Transactional token (token giao dịch)

Tên của chúng đã nói rõ mục đích sử dụng; loại token này được dùng để giao dịch như tiền tệ trong hệ sinh thái của dự án. Nó chỉ khác biệt với coin ở mặt kỹ thuật chứ thực chất giống coin hoàn toàn về mặt kinh tế.

Utility token (token tiện ích)

Đây là loại token thường được dùng để sử dụng tính năng của một phần mềm hay chức năng đặc biệt nào đó trong hệ sinh thái. Ví dụ như giảm giá, mua những vật phẩm đặc biệt, staking…

Governance token (token quản trị)

Token loại này được dùng như các phiếu bầu để bỏ phiếu trong các quyết định ảnh hưởng tới dự án. Chúng thường đồng thời là loại Security tokens (giống như cổ phiếu trong công ty cũng thường có sẵn quyền biểu quyết).

Non-fungible token (NFT – token không thể thay thế)

Đây là loại token thú vị và đặc biệt nhất trong các loại token. Do đặc tính không thể thay thế của chúng; mỗi một Non-fungible token là một token riêng biệt không thể xếp chồng. Bạn hãy hình dung Non-fungible token giống như những bức tranh vậy; chúng khác nhau và có giá trị không đồng nhất. Bạn cũng không thể chỉ mua một nửa Non-fungible token bất kỳ vì chúng không thể chia nhỏ (một bức tranh không thể cắt làm đôi phải không?)

Các Non-fungible token giống như hàng hóa riêng biệt
Các Non-fungible token giống như hàng hóa riêng biệt

Nên đầu tư vào coin hay token?

Rất khó để nói đầu tư vào coin hay token bên nào tốt hơn; bởi chúng không nói lên bản chất của dự án; dù là dự án sử dụng token hay không vẫn có thể cực kỳ đáng giá để đầu tư. Mặc kệ bạn đầu tư vào token hay coin; chất lượng và tiềm năng nội lực đến từ dự án đó mới là thứ quan trọng nhất.

Tổng kết

Tuy rằng bạn không nhất thiết phải biết được sự khác biệt giữa token và coin; nhưng hiểu thêm về chúng để tránh mất mát tài sản thì không bao giờ là thừa. Trong ngành tiền điện tử, các giao dịch sai sót sẽ khiến bạn mất trắng tài sản. Vì các giao dịch tiền tệ này không thể hoàn lại như chuyển khoản ngân hàng. Tiếp tục theo dõi Coin68 trong những bài viết sắp tới để cập nhật thêm tin tức cũng như thông tin mới nhất trong ngành nhé!

-09/02/2021
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là nơi cung cấp cái nhìn tổng quan nhanh và chính xác nhất về tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68