logo
  • Tin tức
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn

Central Bank Digital Currency (CBDC) là gì? Tìm hiểu về Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung Ương

-31/05/2021

Tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC) là gì?

Tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương

Tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC) là định dạng kỹ thuật số của các loại tiền tệ pháp định (fiat) do các ngân hàng trung ương của quốc gia phát hành. Nó mang đặc điểm của cả hai loại tiền điện tử và tiền pháp định. Một mặt nó được phát hành bởi các ngân hàng trung ương, một mặt nó lại được sử dụng các thuật toán tương tự như các loại tiền điện tử. Để dễ hình dung thì tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương nó sẽ gần giống như USDT (Tether), nhưng khác là được phát hành bởi các ngân hàng trung ương của các quốc gia chứ không phải công ty tư nhân.

Hoàn cảnh ra đời của CBDC

Kể từ năm 2009 cho tới nay, sự ra đời của Bitcoin đã tạo ra sự bùng nổ của hơn 10.000 đồng tiền điện tử khác nhau, kéo theo nó là sự quan tâm ngày càng tăng của công chúng tới công nghệ Blockchain. Tuy nhiên do bản chất phi tập trung và sự khó quản lý của tiền điện tử đã tạo điều kiện cho các hoạt động tội phạm như rửa tiền, buôn bán các chất cấm hay tống tiền. Chính phủ cũng nghi ngại các loại tiền điện tử sẽ trở thành mối nguy hại cho các loại tiền pháp định do ngân hàng phát hành. Trước tình hình trên, nhiều ngân hàng trung ương hàng đầu trên thế giới đã bắt đầu tìm hiểu công nghệ Blockchain để tạo ra các loại tiền kỹ thuật số cho riêng mình, chúng được gọi là Central Bank Digital Currency (CBDC). Hiện nay phần lớn các CBDC vẫn chỉ đang trong quá trình thử nghiệm chứ chưa có CBDC nào được chính thức phát hành.

Cuộc đua Tiền kỹ thuật số 2.0 của các ngân hàng

Chetan Ahya, nhà kinh tế học tại Morgan Stanley, cho biết trong một báo cáo nói rằng: “Một động thái giới thiệu tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) có thể phá vỡ hệ thống tài chính. “
Báo cáo này cũng chỉ ra các ngân hàng trung ương đang nỗ lực tìm hiểu về Blockchain, Theo khảo sát, có tới 86% ngân hàng trung ương trên thế giới đang tìm hiểu các loại tiền kỹ thuật số”. Một cuộc khảo sát khác năm 2020 từ Bank for International Settlements chỉ ra hầu hết ngân hàng trung ương trên thế giới đã nghiên cứu về tiền kỹ thuật số, mặc dù chỉ có 14% số ngân hàng đã thực sự thử nghiệm hoặc đang trong quá trình phát triển.

Dẫn đầu về cuộc đua CBDC là đồng nhân dân tệ kỹ thuật số (Digital RMB) của Trung Quốc khi đã bắt đầu thử nghiệm phân phát CBDC cho người dân. Trung Quốc cũng là nền kinh tế lớn đầu tiên phát hành tiền điện tử.

Ngân hàng Trung ương Anh đã từng có một cuộc thảo luận về một đồng tiền ngân hàng blockchain trong bài phát biểu tháng 9 năm 2015 bởi nhà kinh tế học Andrew G. Haldane, về cách thức có thể thực hiện lãi suất âm. Một bài phát biểu khác vào tháng 3 năm 2016 của Ben Broadbent, Phó thống đốc chính sách tiền tệ, lần đầu tiên sử dụng cụm từ “tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương” có nguồn cảm hứng trực tiếp từ Bitcoin.

Các ngân hàng trung ương Thụy Điển đã thiết kế thuật toán đồng thuận “e-krona” trong tháng 11 năm 2016 và  bắt đầu thử nghiệm chúng trong năm 2020. 

Tháng 11 năm 2017, ngân hàng trung ương của Uruguay đã  thử nghiệm phát hành đồng peso kỹ thuật số.

Cựu thống đốc Miguel Angel Fernandez Ordoñez của Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha đã kêu gọi giới thiệu đồng euro kỹ thuật số, nhưng Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cho đến nay vẫn bác bỏ. Tuy nhiên, vào tháng 12 năm 2019, Ngân hàng Trung ương Châu Âu tuyên bố rằng “ECB cũng sẽ tiếp tục đánh giá chi phí và lợi ích của việc phát hành tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC).
Vào ngày 2 tháng 10 năm 2020, Ngân hàng Trung ương Châu Âu vẫn xuất bản một báo cáo về đồng euro kỹ thuật số được đề xuất và bắt đầu thử nghiệm để xem xét giá trị của việc đúc ra một loại tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương. Dựa trên kết quả thử nghiệm, ECB sẽ quyết định theo đuổi hay từ bỏ kế hoạch phát hành đồng euro kỹ thuật số vào giữa năm 2021.

Vào tháng 5 năm 2021, Dự án Đô la kỹ thuật số đã lên kế hoạch khởi động năm chương trình thử nghiệm, thử nghiệm khả năng sử dụng tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương ở Hoa Kỳ.

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế đã công bố một báo cáo vào tháng 12 năm 2020  cho rằng đến tháng 4 năm 2021, sẽ có ít nhất 80 ngân hàng trung ương trên khắp thế giới xem xét khả năng tạo ra một loại tiền kỹ thuật số.

Cách thức hoạt động của CBDC

Tùy theo nhu cầu của mỗi nước mà CBDC sẽ được thiết kế có những thuật toán và đặc điểm khác nhau, Tuy vậy cách thức hoạt động của chúng sẽ tương tự như hình dưới.
Đây vẫn chỉ là suy đoán do chưa có CBDC nào chính thức đi vào hoạt động.

Cách thức hoạt động của CBDC

Cách hoạt động chung của CBDC

Đặc điểm

Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC) mặc dù cũng là một loại tiền điện tử, nhưng nó sẽ không có tính chất phi tập trung của các loại tiền điện tử thông thường mà được triển khai bởi các cơ sở dữ liệu của ngân hàng trung ương, chính phủ hoặc các công ty tư nhân điều hành.

Đặc điểm

CBDC được kết hợp giữa tiền điện tử và tiền pháp định

CBDC sẽ được kiểm soát tập trung ngay cả khi chúng nằm trên một Blockchain và được phân tán trên các nút khác nhau. Do đó công nghệ Blockchain hay sổ cái không phải là điều cần thiết đối với các CBDC. Tuy nhiên một thuật toán đồng thuận vẫn là cần thiết để bảo mật hệ thống.

Lợi ích của CBDC đối với người dân, chính phủ và nền kinh tế

Mặc dù nhìn chung hầu hết các chính phủ đều tỏ thái độ nghi ngờ về tiền điện tử. Nhưng lợi ích mà chúng đem lại khi áp dụng để tạo ra CBDC  có thể vô cùng to lớn, bao gồm tăng trưởng kinh tế, hiệu quả về mặt tài chính, giao dịch và phát triển công nghệ. Sau đây là các lợi ích chính:

Giao dịch hiệu quả: Việc thanh toán sẽ được giao dịch trực tiếp từ người nhận tới người gửi mà không phải thông qua các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính trung gian. Qua đó giảm bớt chi phí và nhân lực cần thiết. Giảm số giao dịch lỗi và giúp giao dịch xuyên biên giới trở nên nhanh và rẻ hơn.

Bán lẻ dễ dàng: Do không có các mệnh giá tiền như tiền giấy thông thường, các giao dịch bán lẻ sử dụng CBDC sẽ không gặp các vấn đề rắc rối về tiền thừa. Các giao dịch CBDC qua quét mã QR hay chuyển khoản sẽ an toàn hơn hẳn.

Tác động tới tài chính: CBDC khiến cho người dân thường dễ dàng tiếp cận và giảm bớt chi phí với các công cụ tài chính. Nó cũng khiến cho các tổ chức tài chính hoạt động hiệu quả hơn khi tự động hóa rất nhiều công đoạn mà không phụ thuộc vào nhân lực (DeFi).

Ngăn chặn tội phạm: Khi chủ động thiết kế ra CBDC, chính phủ sẽ dễ dàng theo dõi được hoạt động của dòng tiền do khiến mọi giao dịch trở nên minh bạch. Từ đó giúp ngăn chặn hay đảo ngược các hoạt động phạm tội như trốn thuế, rửa tiền, trộm cắp hay mua bán chất cấm. Hơn nữa khi kiểm soát được DBDC, việc trả lại tiền cho nạn nhân bị mất tiền sẽ trở nên đơn giản.

Giảm bớt thiệt hại do thất lạc: Khác với các loại tiền điện tử khác, các giao dịch của CBDC hoàn toàn có thể thu hồi lại, CBDC cũng không thể thất lạc hay hư hỏng về mặt vật lý như fiat.

Tăng cường niềm tin của người dân với hệ thống ngân hàng: Do sự minh bạch trong các giao dịch, người dân hoàn toàn có thể kiểm tra bao nhiêu tiền đã được in ấn và được sử dụng vào mục đích gì, loại bỏ sự nghi ngờ đối với chính phủ.

Truyền tải chính sách tiền tệ dễ dàng: Việc phát hành trực tiếp tiền tới người dân khiến cho các ngân hàng trung ương có thể trực tiếp điều chỉnh nguồn cung thay vì điều khiển gián tiếp thông qua các chính sách kinh tế như tăng giảm lãi suất.

Thái độ của chính phủ các nước với CBDC

Mỹ: Lo ngại về vấn đề quản lý CBDC

Jerome Powell, ứng cử viên của ghế chủ tịch FED, nói vẫn còn vướng mắc nhiều vấn đề kỹ thuật liên quan tới công nghệ của CBDC và “việc điều hành cũng như quản lý rủi ro” . Ông cũng nói vẫn còn nhiều thách thức trong việc có nên phát hành một đồng tiền ảo do ngân hàng trung ương Mỹ hay không, trong đó quan trọng nhất là vấn đề bảo mật riêng tư. Tuy nhiên FED cũng đang nỗ lực phát triển tiền tệ kỹ thuật số của riêng mình. Trong một tuyên bố khác, ông Jerome Powell cũng nói FED sẽ “theo dõi cẩn thận và thích ứng” với tiền kỹ thuật số.

Trung Quốc: Ủng hộ phát hành CBDC do chính phủ quản lý

Thái độ của Trung Quốc rất rõ ràng, họ sẽ sở hữu CBDC và cũng toàn quyền kiểm soát các loại tiền điện tử. Trung Quốc đã có một nhóm nghiên cứu CBDC từ năm 2014 và đã triển khai phát CBDC cho người dân vào năm ngoái. Họ tuyên bố sẽ là nước đầu tiên phát hành CBDC trên thế giới. Tuy nhiên Trung Quốc sẽ ngăn chặn bất kỳ tổ chức trong nước nào có ý định phát hành các loại tiền điện tử tương tự CBDC và mua bán các loại tiền điện tử khác.

Nhật Bản: Vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu

Trong một bài phát biểu vào năm 2017, thống đốc ngân hàng Nhật Bản cho biết họ chưa có ý định phát hành CBDC cho Nhật Bản mặc dù vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về tiền điện tử.

Đức: Quan ngại rủi ro nhưng vẫn nghiên cứu công nghệ Blockchain.

Đức là một quốc gia mà đa số dân chúng ưa thích dùng tiền mặt nên có trở ngại rất lớn trong việc nghiên cứu và phát hành CBDC. Bundesbank, ngân hàng trung ương của Đức tỏ thái độ quan ngại rõ ràng về tiền điện tử, coi đây giống như một canh bạc hơn là phương tiện giao dịch, tuy vậy họ vẫn đang nghiên cứu công nghệ Blockchain để tích hợp thanh toán.

Lời kết

Tiền tệ là một công cụ đắc lực của chính phủ dùng để quản lý người dân. Rất khó có khả năng chính phủ sẽ thả nổi hay từ bỏ quyền kiểm soát tiền tệ. Cuộc cách mạng Blockchain đã buộc họ phải nhanh chóng thích ứng với tiền điện tử, tạo ra các CBDC cạnh tranh để giành lại quyền kiểm soát. Nói dễ hiểu hơn, việc phát hành các CBDC bây giờ chỉ còn là vấn đề thời gian.

-31/05/2021
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là nơi cung cấp cái nhìn tổng quan nhanh và chính xác nhất về tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68