logo
  • Tin tức
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
ads

Tiêu điểm tiền điện tử 2019 – Khi Bitcoin nỗ lực trở lại đỉnh cao

-28/12/2019

2008, thị trường tài chính Mỹ cũng như toàn cầu sôi sục với cuộc đại khủng hoảng tín dụng nhà đất. Tròn 1 thập kỷ sau đó, vào năm 2018, Bitcoin, một bong bóng dù có quy mô nhỏ hơn, nhưng lại được kích nổ với một mô-tuýp tương tự. Thiếu sự quản lý chặt chẽ, cơ chế tài chính phát triển quá nóng và mong muốn làm giàu nhanh chóng của nhiều người tham gia đã đẩy Bitcoin trở thành “cú lừa lớn” tiếp theo trong thập kỷ qua.

Tiêu điểm tiền điện tử 2019 - Khi Bitcoin nỗ lực trở lại đỉnh cao
Tiêu điểm tiền điện tử 2019 – Khi Bitcoin nỗ lực trở lại đỉnh cao

Một năm sau cú sốc này, thị trường tiền điện tử đang nỗ lực từng bước để hồi phục. Vậy năm 2019 vừa qua Bitcoin đã có những cột mốc gì và nhờ những mảnh ghép nào mà Bitcoin đã có một sự trở lại rất đáng khích lệ? Hãy cùng Coin68 điểm lại qua bài viết dưới đây nhé!!!

2019 – Bitcoin nỗ lực trở lại đỉnh cao

Nguồn: Trên đỉnh phố Wall, tác giả: Peter Lynch.
Nguồn: Trên đỉnh phố Wall, tác giả: Peter Lynch.

Có thể nói, trong một năm vô cùng đặc biệt, năm Bitcoin bước qua tuổi thứ 10, đồng tiền kỹ thuật số này đã đưa chúng ta đi qua rất nhiều cung bậc cảm xúc. Từ sự nghi ngờ, lo sợ với chuỗi 5 tháng giảm liên tiếp kéo dài từ cuối 2018 đến đầu 2019 với mức đáy thấp nhất ghi nhận là 3.349 USD vào tháng 01/2019. Đến niềm tin bùng nổ sau tuyên bố “Trung Quốc sẽ chú trọng phát triển công nghệ Blockchain” của chủ tịch Tập Cận Bình. Để rồi khi cơn sốt qua đi, những gì còn lại là một mùa đông cuối năm khá im ắng và mức đỉnh cao nhất được ghi nhận chỉ là 13.800 USD.

Dù cho không khí có phần ảm đạm vào cuối năm và nhiều khả năng Bitcoin không thể quay lại ngưỡng đỉnh kỉ lục, nhưng vẫn có nhiều thống kê tích cực đáng chú ý của đồng tiền số này cũng như toàn thị trường.

Vốn hoá là yếu tố khởi sắc đầu tiên, nếu đem so sánh với những gì thị trường tiền điện tử đã trải qua trong năm 2018.

Tổng quan vốn hoá thị trường tiền điện tử 2015-2019.
Tổng quan vốn hoá thị trường tiền điện tử 2015-2019.

Vào đầu năm 2019, giới đầu tư đã bắt đầu chuyển biến chậm rãi nhưng chắc chắn, các khung pháp lý được hình thành, các quốc gia đang bắt đầu công nhận tính cách mạng của Blockchain, vốn hóa đã lấy lại được đà tăng trưởng đều và đạt mức cao nhất 366 tỷ USD hồi tháng 7 năm nay. Hiện tại, vốn hóa của thị trường chỉ còn bằng một nửa so với mức cao nhất trong năm 2019, dao động quanh con số 192 tỷ USD, dù vậy đây vẫn là dấu hiệu khá tích cực so với cùng kì năm ngoái.

Tiếp sau đó là những chỉ số về ROI. Về mặt này, Bitcoin là loại tài sản có mức sinh lời tốt nhất trong năm 2019 so với nhiều tài sản truyền thống.

Dữ liệu so sánh ROI từ DataLight.
Dữ liệu so sánh ROI từ DataLight.

Tính đến thời điểm tháng 08/2019, theo dữ liệu từ DataLight, ROI của Bitcoin đã vượt xa các cổ phiếu lớn ở phố Wall như Microsoft hay Amazon.

Với 2019, thị trường trở nên sôi động khi có nhiều động thái dấn thân vào cuộc chơi tiền kỹ thuật số của nhiều tổ chức lớn như Bakkt, Fidelity, JPMorgan và điển hình là liên minh Libra với sự tham gia của ông lớn Facebook.

  • Ngày 08/11, hợp đồng tương lai Bitcoin của Bakkt chạm ngưỡng kỷ lục 1.756 hợp đồng mà sau đó kỉ lục đã được đẩy lên mức 2.728 hợp đồng vào ngày 22/11.
  • Động thái từ các tổ chức còn rõ ràng hơn khi quỹ Grayscale Bitcoin Trust (GBTC) ghi nhận khoản đầu tư tăng vọt. Grayscale cho biết đã có 171 triệu USD tiền đầu tư chảy vào và 75 triệu USD giá trị cổ phiếu đã được mua chỉ trong một ngày.

Có lẽ nếu như trước đây, chúng ta chỉ lo ngại về những cá voi, cá mập ẩn danh, thì hiện tại sẽ là lúc cuộc chơi ngày càng căng thẳng với nhiều dòng tiền lớn đổ về từ các tổ chức.

Bitcoin trong năm 2020 hứa hẹn sẽ còn thú vị hơn khi halving tới gần. Đây không chỉ là sự đấu trí giữa các trader với nhau, không còn chỉ là cuộc chơi của các tổ chức, mà còn là câu chuyện của các thợ đào. Cách mỗi người chơi phản ứng thế nào cũng sẽ quyết định việc Bitcoin tăng hay giảm. Hiện quan điểm về sự kiện trên vẫn là trái chiều khi người thì cho rằng Bitcoin sẽ tăng mạnh vì thợ đào tắt máy. Nhiều chuyên gia khác lại tin giá hiện tại là đã có tác động từ halving. Và tất nhiên, chỉ có tương lai mới có thể trả lời được câu hỏi này.

Đó là về đồng coin dẫn đầu thị trường, vậy các altcoin thì sao? Như thường lệ, thị trường altcoin năm nay cũng lại chứng kiến nhiều cung bậc trái ngược khiến các nhà đầu tư phải rất cẩn trọng trong cách đa dạng hoá danh mục của mình. Năm qua, đã từng xuất hiện nhiều thông tin xấu liên quan đến các đồng altcoin như việc nhiều sàn cùng tham gia huỷ niêm yết Bitcoin SV, Ethereum Classic (với nghi vấn tấn công 51%) hay MATIC (với đợt bump đột ngột và rớt giá 70% ngay sau đó). Tuy nhiên nhìn chung, thị trường altcoin vẫn nhờ lực kéo từ Bitcoin và có sự hồi phục so với 2018.

Vậy là thị trường tiền điện tử trong năm 2019 đã có sự hồi phục và niềm tin phần nào đã quay trở lại. Nhưng những mảnh ghép nào đã đóng góp vào sự hồi phục trên?

Mảnh ghép thứ nhất: Tài chính

Bản gốc: Ai che lưng cho bạn, tác giả: Keith Ferrazzi.
Bản gốc: Ai che lưng cho bạn, tác giả: Keith Ferrazzi.

Một thị trường muốn tồn tại cần phải có một dòng vốn lớn chảy vào và liên tục được duy trì.

Một điều dễ nhận thấy trong năm 2019 đó là ICO, hình thức huy động vốn từng mưa làm gió, đã không còn là xu hướng vì những điểm yếu về tính trung thực cũng như độ đảm bảo của các dự án. Nhà đầu tư từ đó mà cũng có nhu cầu một loại hình có đủ niềm tin và sức bật tốt hơn. Và câu trả lời cho năm 2019, không thể nào khác, đó chính là IEO. Trào lưu này mở ra một thời kì mới khi mà nhiều sàn giao dịch trở thành đơn vị đảm bảo cho niềm tin vào các đồng coin. Dẫn đầu cho trào lưu này là Binance Launchpad với những IEO “chưa bán đã hết” của mình. Bên cạnh đó, mô hình IEO cũng hỗ trợ các coin sàn tăng giá mạnh, điển hình là HT và BNB, khi người dùng cần phải sở hữu coin nội bộ sàn để có thể tham gia IEO.

Dưới đây là thống kê về ROI trung bình hiện tại và ROI trung bình so với mức đỉnh cao nhất (ATH) tính đến ngày 27/12/2019.

So sánh ROI của IEO trên các sàn trong năm 2019.
So sánh ROI của IEO trên các sàn trong năm 2019.

Dễ dàng nhận thấy, Binance với 11 IEO của mình luôn thu hút được sự chú ý với ROI trung bình hiện tại là 666% cùng ROI so với mức đỉnh ATH là 84%.

Giải pháp IEO đã xuất hiện từ trước đó, nhưng cái cách Binance tổ chức mô hình này mới chính là yếu tố giúp các đồng coin được chọn để niêm yết chắc chắn sẽ thu về quả ngọt và biến đây thành xu hướng. Dữ liệu từ Coinmarketcap cho thấy, từ khoảng thời gian tháng 2 đến tháng 8 năm nay, vốn hoá thị trường tiền điện tử tăng vọt đồng thời duy trì ở ngưỡng cao trên bình diện năm. Thật trùng hợp khi thời điểm trên cũng vừa đúng giai đoạn IEO đang thịnh hành và phát triển rực rỡ.

Vậy, câu hỏi đặt ra cho năm 2020, đó là ai sẽ bơm “niềm tin” cho bạn? Ai sẽ là người duy trì được dòng tiền chảy vào thị trường để giúp tiền điện tử không bị “mất máu” một cách trầm trọng như năm 2018. Tất nhiên một số dự án IEO nếu được thực hiện trên các sàn lớn vẫn sẽ có độ bump, nhưng xu hướng này nhiều khả năng cũng sẽ nguội lạnh. Thống kê từ BitMEX chỉ ra rằng, hầu hết các IEO đã giảm 80% so với mức giá được niêm yết ban đầu trên sàn. Đây là một dấu hỏi lớn về tiềm năng phát triển trong dài hạn của các dự án cũng như lựa chọn đầu tư này.

Thay vào đó, các công cụ phái sinh cũng như sản phẩm có tính đòn bẩy đã phát triển mạnh từ nửa sau năm 2019 và sẽ là lựa chọn để giúp nhiều nhà đầu tư thu về lợi nhuận lớn trong năm 2020. Nhiều sàn giao dịch đang đẩy mạnh hình thức này là BitMEX, Huobi DM hay Binance Futures với mức đòn bẩy tối đa lên đến 125x cho hợp đồng tương lai Bitcoin. Các giải pháp phái sinh này được kì vọng sẽ là cầu nối mang dòng tiền từ tổ chức tài chính lớn đến với thị trường nhiều hơn.

Trong năm 2020, có thể một số loại hình mới sẽ thu hút được nhiều sự chú ý. Đó là FTX với hợp đồng MOVE. Ngoài ra nếu nhà đầu tư dài hạn muốn hold coin thì có thể tham gia các hoạt động staking cũng như là lending. Nhìn chung, các sản phẩm tài chính từ năm 2019 đã có những bước nền tảng để phát triển mạnh trong năm sắp tới là 2020 với chất xúc tác là hoạt động mạnh mẽ từ các sàn giao dịch.

Đóng vai trò hạt nhân trong thị bức tranh tài chính của ngành tiền điện tử là vậy, nhưng các sàn giao dịch vẫn còn những điểm yếu chí mạng và là một trong những địa chỉ ghé thăm thường xuyên của hacker.

Bản gốc: Đừng bao giờ đi ăn một mình, tác giả: Keith Ferrazzi
Bản gốc: Đừng bao giờ đi ăn một mình, tác giả: Keith Ferrazzi

Nói về các sàn giao dịch mà không nói về các vụ hack trong năm 2019 thì quả là thiếu sót. Trong năm qua, đã có tổng cộng 7 vụ hack trải dài trên nhiều sàn giao dịch lớn bên cạnh đó là một số vụ ở các sàn quy mô nhỏ. Bất ngờ nhất là trường hợp của Binance với 2 lần bị tấn công. Một là vào đầu tháng 5 (với 7.000 BTC bị lấy cắp) và hai là vào tháng 8 (khi thông tin KYC người dùng bị tiết lộ). Ngoài ra, thị trường còn liên tục tiếp nhận thông tin UpBit cùng với Cryptopia bị hack và xen lẫn là scandal liên quan đến QuadrigaCX cũng như IDAX. Có lẽ, câu nói “Đừng bao giờ đặt hết vốn vào một sàn” chưa bao giờ đúng như vậy.

Trong giai đoạn 2017-2018, thị trường ghi nhận tổng giá trị bị hack trên các sàn là 882 triệu USD. Trong năm 2019, con số đó chỉ có 241 triệu USD. Dù lượng tiền thiệt hại đã có sự sụt giảm đáng kể, nhưng đây chưa phải là tiêu chuẩn an toàn mà nhiều nhà đầu tư tiền điện tử mong muốn.

Tổng kết các vụ hack sàn giao dịch trong năm 2019.
Tổng kết các vụ hack sàn giao dịch trong năm 2019.

Hầu hết các sàn xử lí vấn đề thiệt hại nhờ lượng tiền dự trữ của mình, nhưng điều này lại gợi nên một vấn đề về quản lí hoạt động cũng như biện pháp bảo vệ nhà đầu tư tiền điện tử.

Rõ ràng, đây không phải là vấn đề mà các định chế tài chính có thể hoàn toàn xử lí, để đảm bảo một nền tảng vững chắc hơn, thị trường tiền điện tử không chỉ cần dòng tiền từ các hoạt động tài chính mà còn là sự rõ ràng của chính sách.

Mảnh ghép thứ hai: Pháp lí

Bản gốc: Quốc gia khởi nghiệp, tác giả: Dan Senor & Saul Singer.
Bản gốc: Quốc gia khởi nghiệp, tác giả: Dan Senor & Saul Singer.

Không cần phải nói, 2019 hiển nhiên là năm liên tục bị khuấy động bởi những thông tin từ đất nước tỷ dân Trung Quốc. Chính sự úp mở về chính sách của quốc gia này cũng nhiều lần làm giá tiền điện tử lên xuống mạnh. Như đã đề cập ở trên, ngay sau tuyên bố từ chủ tịch Tập Cận Bình, Bitcoin “vô tình” nhảy vọt lên cột mốc 10.000 USD. Trong khi nhiều người thậm chí còn tin rằng đây là thời vàng của tiền điện tử nhờ nhận được sự ủng hộ từ chính phủ thì chỉ vài tuần sau, Trung Quốc tuyên bố họ chỉ ủng hộ “blockchain” chứ không phải là “Bitcoin”. Trung Quốc thậm chí còn đang có tham vọng tự thiết lập một đồng tiền điện tử riêng của ngân hàng Trung Ương (CBDC).

Quốc gia tỷ dân này còn là tác giả của thông tin “đột kích” văn phòng Binance tại Thượng Hải vào tháng 11, khơi mào cho cuộc tranh cãi nảy lửa giữa CZ và hãng tin TheBlock. Song song đó là tuyên bố sẽ cứng rắn với các sàn giao dịch khiến nhiều người không khỏi hoang mang. Điều này xét ở một số khía cạnh là hợp lí vì trong năm qua, các sàn giao dịch liên tục bị hack và chưa có một khung pháp lí nào cụ thể để bảo vệ nhà đầu tư nếu như có vấn đề thiệt hại liên quan đến tài sản kĩ thuật số. Một lí giải khác cho động thái “cợt nhả” này của Trung Quốc đó là họ không muốn thị trường phát triển một cách quá nóng giống năm 2017 và nhanh chóng giáng những đòn khẩn cấp để ngăn thị trường bùng nổ quá mạnh.

Nhiều người tham gia thị trường tiền điện tử cứ thắc mắc, các quốc gia còn lại, họ đi đâu vậy? Vâng, trong thời điểm đó, các quốc gia khác không ngừng nghiên cứu kĩ lưỡng cách tiếp cận hợp lý với tiền điện tử. Từ tháng 07/2019, Mỹ ráo riết đánh giá mọi rủi ro có thể xảy ra với dự án Libra của Facebook. Thông qua hay ngăn chặn, kiểm soát hay tự vận hành, đó vẫn là câu chuyện khá dài vì quy mô cũng như tầm ảnh hưởng của công ty này trên toàn cầu là vô cùng lớn. Uỷ ban SEC của Mỹ cũng từng có thời gian gây chú ý với vụ việc liên tục từ chối cũng như trì hoãn các đề xuất ETF và khởi kiện Telegram liên quan hoạt động bán token Gram.

Một số quốc gia khác như Ấn Độ hay Nga thì lại có động thái phản đối tiền điện tử. Quốc gia có động thái tích cực nhất với tiền điện tử có lẽ là Đức với thông tin cho phép ngân hàng lưu ký Bitcoin từ năm 2020.

Tuy nhiên, nếu đem lên bàn cân, thì các thông tin từ Trung Quốc dường như khiến thị trường 2019 lay động mạnh hơn những quốc gia còn lại. Và nếu như bạn đang đi tìm lời giải cho câu hỏi quốc gia nào sẽ tác động thị trường crypto mạnh mẽ nhất trong năm 2020, thì nhiều khả năng câu trả lời sẽ không mấy khác năm 2019. Nhìn ở khía cạnh tích cực, việc Bắc Kinh muốn đi đầu trong ngành tiền điện tử cũng như blockchain có thể sẽ tạo ra động lực kéo lớn, giúp thị trường có thể phát triển lên một nấc thang mới.

Về bối cảnh trong nước, Việt Nam chúng ta cũng đang có những xem xét vấn đề pháp lý cho tiền điện tử cũng như blockchain. Và rất nhiều chương trình đã được tổ chức để đất nước có thể thực sự nghiêm túc nhìn nhận cuộc cách mạng này như Hội thảo Khoa học Luật pháp vào tháng 6.

Mảnh ghép thứ ba: Công nghệ

Bản gốc: Mật mã Da Vinci, tác giả: Dan Brown
Bản gốc: Mật mã Da Vinci, tác giả: Dan Brown

Một trong những lý do khủng hoảng nhà đất bùng nổ và Bitcoin lao dốc năm 2017 đó là vì những giá trị đã bị thổi phồng.

Chính vì điều đó, 2019 là năm mà các dự án bắt đầu lui mình lại để tập trung phát triển nền tảng công nghệ nhằm tạo ra những giá trị cốt lõi giúp thị trường có nền tảng để không dễ đổ vỡ. Đây là năm ghi nhận cột mốc mạng lưới Ethereum có nhiều tiến triển như hard fork Constantinople, Istanbul dù cho nhiều lần phải dời hạn cột mốc này. Hai đợt hard fork trên là những bước tiến mới nữa của hệ thống trên con đường phát triển Ethereum 2.0 đồng thời chuyển đổi thành mạng lưới PoS. Nhà sáng lập Buterin tin rằng, đây sẽ là giao thức giúp Ethereum có sức cạnh tranh trong dài hạn hơn so với PoW của Bitcoin.

Mạng lưới Ethereum còn là tâm điểm của một xu hướng mới đó là DeFI với cái tên nổi bật MakerDao cùng đồng stablecoin Dai. Theo nhiều chuyên gia, đây có thể là một bước tiến mới giúp nền tài chính được phân quyền hơn trong thời gian sắp tới.

Dù vẫn có một số quan điểm trái chiều về việc nên hay không nên có quyền “đảo ngược giao dịch”, song Ethereum vẫn đang là một trong số mạng lưới blockchain được tin cậy nhất trước thách thức từ nhiều đối thủ khác như EOS hay Tron.

Nhắc đến nền tảng đối thủ Tron, người ta sẽ không thể quên được cái tên Justin Sun, người được nhắc đến nhiều bởi những thông tin ngoài lề hơn thay vì chuyên môn công nghệ. Từ bữa trưa với tỷ phú Buffett, những thông tin kích hoạt giá Tron (TRX) đến thông tin mua lại Poloniex, Sun thực sự là một điểm thu hút đáng chú ý của ngành blockchain năm qua.

Một dự án khác, trái ngược với Tron, có vẻ tỏ ra kín tiếng hơn và đã có nhiều bước tiến trong công nghệ là Cardano với testnet Shelly trong tháng 12/2019. Với cơ chế PoS (Proof-of-Stake), Cardano dự kiến cũng sẽ là một đối thủ đáng gờm trong năm 2020.

Chứng kiến đà bứt phá mạnh mẽ của Ethereum và các altcoin còn lại, mạng lưới blockchain lớn nhất là Bitcoin cũng không ngừng cải tiến để có thể tạo ra những ứng dụng mới. Đó là Lightning Network với giải pháp quy mô hóa mạng lưới. Dù giải pháp này đang có sự chậm lại trong tốc độ phát triển thời gian hiện tại, nhưng đây vẫn là một trong những công nghệ đáng chờ đợi trong năm tới.

Lời cảm ơn từ Coin68

Vậy là chúng ta đã đã cùng điểm qua bức tranh toàn cảnh và những mảnh ghép của thị trường tiền điện tử trong năm 2019. Thời khắc của năm cũ sắp đi qua, một thập kỉ mới đang đến. Coin68 không biết nói gì hơn là lời cảm ơn đến các bạn đọc, những người đã cùng đồng hành với Coin68 dù thị trường có đang thăng hoa hay đỏ lửa. Một lần nữa, xin chúc quý đọc giả một năm mới trade đâu thắng đó và chúc ngành công nghiệp tiền điện tử cũng như blockchain có những bước tiến vượt bậc trong thập kỉ tới.

-28/12/2019
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là nơi cung cấp cái nhìn tổng quan nhanh và chính xác nhất về tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68