Theo Chỉ thị số 02 ban hàng ngày 16/04/2018, Nhân hàng Nhà nước Việt Nam đã yêu cầu các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ có liên quan tới tiền điện tử cũng như các tổ chức, cá nhân có giao dịch mua bán, trao đổi tiền điện tử.
Bên cạnh đó, ngoài các đối tượng trên, các tổ chức có hoạt động xử lý giao dịch mua bán, trao đổi tiền ảo cũng nằm trong số các đối tượng được các ngân hàng rà soát và có biện pháp xử lý nhằm đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và quản lý ngoại hối.
Trước đấy, vào ngày 28/10/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết theo khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, thì kể từ ngày 01/01/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền số tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 150 – 200 triệu đồng.
Còn trong phiên chất vấn thứ 5 Quốc hội Khoá XIV diễn ra vào ngày 27/06, trả lời thắc mắc của nhiều đại biểu, Phó Thủ tướng Trương Đình Huệ cho biết “Bitcoin và tiền điện tử là hiện tượng tài chính tiền tệ rất mới, chúng ta không thể xem thường mà cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng”.
Nhìn chung thì tổng quan pháp lý của lĩnh vực tiền điện tử/tiền kỹ thuật số tại Việt Nam trong năm 2018 này không có nhiều tiến triển mới, khi Nhà nước tiếp tục không thừa nhận tính hợp pháp của dạng tiền tệ này song cũng không đưa ra bất kỳ quy định hay chế tài nào để quản lý hoạt động mua bán giao dịch Bitcoin và altcoin.