logo
  • Tin tức
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
ads

Thuế quan (Tariff) là gì? Tại sao Tổng thống Mỹ Donald Trump lại áp thuế lên toàn thế giới?

-16/04/2025

Trong cuộc sống hàng ngày, “thuế” có thể là một từ khiến nhiều người lắc đầu ngán ngẩm. Nhưng đằng sau những con số ấy là cả một câu chuyện phức tạp về quyền lực, thương mại và địa chính trị toàn cầu. Gần đây, cái tên "thuế đối ứng" lại một lần nữa trở thành tâm điểm, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra những chính sách thuế mới làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu. Vậy thuế quan là gì? Thuế đối ứng là gì? Hãy cùng Coin68 tìm hiểu về thuế và tại sao Tổng thống Mỹ Donald Trump lại áp thuế lên các nước trên thế giới qua bài viết dưới đây nhé!


Thuế quan (Tariff) là gì? Tại sao Tổng thống Mỹ Donald Trump lại áp thuế lên toàn thế giới?

Thuế quan (Tariff) là gì?

Thuế quan (tiếng Anh: Tariff) là một loại thuế do chính phủ áp dụng đối với hàng hóa được nhập khẩu hoặc xuất khẩu qua biên giới quốc gia. Mục đích chính của thuế quan là để tăng nguồn thu ngân sách, bảo vệ ngành sản xuất trong nước khỏi sự cạnh tranh từ hàng hóa ngoại nhập, hoặc tác động đến quan hệ thương mại với các quốc gia khác.


Trump công bố thuế quan đối ứng vào ngày 02/04/2025 (giờ Mỹ)

Thuế quan có thể được tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá trị hàng hóa (gọi là thuế suất ad valorem) hoặc theo một khoản cố định trên mỗi đơn vị hàng hóa (gọi là thuế suất cụ thể). Khi thuế quan được áp dụng, hàng nhập khẩu thường trở nên đắt hơn, từ đó ảnh hưởng đến giá cả trên thị trường và hành vi tiêu dùng.

Thuế đối ứng (Reciprocal Tariff)

Thuế đối ứng (tiếng Anh: Reciprocal Tariff) là một loại thuế quan đặc biệt được áp dụng nhằm đáp trả hoặc cân bằng chính sách thương mại của các quốc gia khác. Khái niệm này được Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh như một cách để chống lại sự "bất công" trong thương mại, đặc biệt là khi Mỹ nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu với một quốc gia nào đó (gọi là thâm hụt thương mại). 


Thuế suất đối ứng mới được Mỹ tính lên các đối tác thương mại (cột phải) so với thuế nhập khẩu Mỹ đang phải chịu (cột trái). Nguồn: Nhà Trắng

Thay vì dựa vào mức thuế thật mà nước đó đang áp lên hàng Mỹ, cách tính thuế đối ứng dưới thời Trump chủ yếu dựa trên thâm hụt thương mại song phương: lấy phần thâm hụt chia cho tổng hàng hóa nước đó xuất sang Mỹ, rồi chia đôi để ra mức thuế đối ứng. 

Ví dụ, nếu Việt Nam bán sang Mỹ 136,6 tỷ USD hàng hóa nhưng chỉ nhập 13,1 tỷ USD từ Mỹ, mức thuế đối ứng mà Mỹ áp có thể lên đến khoảng 46%. Chính sách này gây nhiều tranh cãi vì đơn giản hóa quá mức bản chất của thương mại quốc tế, nhưng được chính quyền Trump sử dụng như một công cụ gây áp lực lên các đối tác thương mại.

Yếu tố

Thuế quan

Thuế đối ứng

Định nghĩa

Thuế đánh lên hàng hóa xuất nhập khẩu.

Một kiểu thuế quan đặc biệt do Trump đề xuất, dùng để đáp trả các nước có thâm hụt.

Mục đích

Rất nhiều: tăng thu, bảo hộ sản xuất, hạn chế nhập khẩu…

Chủ yếu để giảm thâm hụt thương mại và gây áp lực thương mại.

Cách tính

Dựa trên giá trị hoặc số lượng hàng.

Dựa trên thâm hụt thương mại và chia đôi – cách tính gây tranh cãi.

Phạm vi áp dụng

Tùy tình huống, từng ngành, từng nước.

Áp lên hơn 180 nước, ưu tiên các nước (hơn 60) mà nước Mỹ có thâm hụt thương mại lớn.

Thuế quan của Mỹ từ lúc Donald Trump lên nhậm chức

Tại sao Donald Trump lại áp thuế lên các nước trên thế giới?

Từ nhiệm kỳ đầu (2017–2020) đến nay (2025 - 2028), Donald Trump đã áp thuế lên nhiều quốc gia thông qua chính sách thuế đối ứng và thuế nhập khẩu cơ bản. Ông cho rằng Mỹ đang bị thiệt trong thương mại quốc tế vì nhập khẩu quá nhiều so với xuất khẩu và các nước như Trung Quốc, Việt Nam hay EU đang “lợi dụng” Mỹ bằng cách dựng rào cản với hàng hóa Mỹ. 

Để khắc phục, Trump tăng thuế nhập khẩu để hàng nước ngoài đắt hơn, từ đó khuyến khích người dân mua hàng Mỹ, bảo vệ sản xuất và việc làm trong nước. Ông cũng dùng thuế như "quân bài" đàm phán để ép các nước nhượng bộ trong thương mại. Với tư tưởng “Nước Mỹ trên hết”, Trump muốn đảo ngược toàn cầu hóa, ưu tiên lợi ích trong nước và tăng nguồn thu cho ngân sách.

Kể cả đồng minh như EU hay Canada cũng không ngoại lệ nếu ông thấy họ không công bằng. Từ 5/4/2025, Mỹ áp thuế nhập khẩu 10% với tất cả quốc gia. Dù nhiều chuyên gia phản đối vì lo ngại giá cả tăng và hiệu quả hạn chế, Trump vẫn theo đuổi vì đây là chính sách được cử tri ủng hộ mạnh.

Trước ngày 02/04/2025: Các mức thuế đã được áp dụng

Trước khi công bố các chính sách thuế quan mới vào ngày 02/04/2025, chính quyền Trump đã thực hiện một loạt biện pháp thuế lên các quốc gia láng giềng và đối tác thương mại lớn nhằm bảo hộ nền kinh tế Mỹ. Các mức thuế cụ thể bao gồm:

  • 25% thuế lên tất cả nhôm thép nhập khẩu vào Mỹ.

  • 25% thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Canada, kèm theo 10% thuế lên năng lượng từ Canada.

  • 25% thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Mexico.

  • 20% thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

  • 25% thuế lên ô tô nhập khẩu vào Mỹ.

  • 25% thuế nhập khẩu lên các quốc gia mua dầu mỏ từ Venezuela.

Ngoài ra, chỉ trong 3 tháng dưới thời Trump, thuế nhập khẩu trung bình vào Mỹ đã tăng mạnh từ 2,4% trong năm 2024 lên 22%. Điều này phản ánh chiến lược cứng rắn của chính quyền nhằm giảm phụ thuộc vào hàng hóa nước ngoài và thúc đẩy sản xuất nội địa.

Ngày 02/04/2025: Công bố các mức thuế mới

Vào ngày 02/04/2025, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra một loạt chính sách thuế quan mới, đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ thương mại toàn cầu. Các biện pháp bao gồm:

Thuế nhập khẩu tiêu chuẩn 10% áp dụng lên tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, có hiệu lực từ ngày 05/04/2025.

Thuế suất đối ứng mới được áp đặt lên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, có hiệu lực từ ngày 09/04/2025. Các mức thuế này được thiết kế để đối phó với chính sách thuế nhập khẩu mà các quốc gia khác áp lên hàng hóa Mỹ. Một số mức thuế đối ứng cụ thể bao gồm:

Quốc gia/Vùng lãnh thổ

Thuế đối ứng mới (từ 09/04)

Trung Quốc

Tăng từ 20% → 34% → 104% → 125%

Việt Nam

46%

EU

20%

Campuchia

49%

Thái Lan

36%

Ấn Độ

26%

Đài Loan

32%

Hàn Quốc

25%

Nhật Bản

24%

Anh

10% (thuế cơ bản)

Trump cũng ký lệnh chấm dứt chính sách miễn thuế cho các hàng hóa giá trị nhỏ dưới 800 USD nhập khẩu từ Trung Quốc và Hong Kong, có hiệu lực từ ngày 02/05/2025. Các mặt hàng này sẽ chịu mức thuế 90% hoặc 75 USD/món và sau ngày 01/06/2025, mức thuế tăng lên 150 USD/món.

Ngày 09/04/2025: Tạm hoãn thuế đối ứng

Đêm 09/04/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tạm hoãn áp dụng thuế đối ứng trong vòng 90 ngày đối với hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, chỉ giữ lại mức thuế nhập khẩu tiêu chuẩn 10% có hiệu lực từ 05/04. Động thái này nhằm tạo thời gian để các nước tiến hành đàm phán với Mỹ về các vấn đề liên quan đến thâm hụt thương mại, thuế quan và hàng rào phi thuế.

Tuyên bố hoãn thuế đến trong thời điểm nhạy cảm, đúng ngày Mỹ bắt đầu thực thi thuế đối ứng được công bố từ ngày 02/04. Ông Trump cho biết đã có hơn 75 quốc gia liên hệ đề nghị đàm phán, và Mỹ muốn thể hiện thiện chí với các đối tác bằng cách tạm ngưng áp lực thuế quan – ít nhất là trong 3 tháng tới.

Tuy nhiên, Trung Quốc là ngoại lệ duy nhất: vẫn bị Mỹ tăng thuế lên 125%, do căng thẳng trả đũa leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ông Trump chỉ trích Bắc Kinh không có thiện chí hợp tác, và cho biết Trung Quốc sẽ không được hưởng lợi từ việc trì hoãn này.

Cộng với mức thuế 20% đã công bố hồi tháng 3, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ sẽ phải chịu thuế suất thực tế lên đến 145%.

Chính sách của các nước

Canada coi thuế quan là “vô lý và bất công”, đồng thời công bố hỗ trợ ngành ô tô và đe dọa trả đũa.

- Mexico phản ứng gay gắt với phát ngôn của Trump, tuyên bố trả đũa và bảo vệ quyền lợi kinh tế song phương.

- EU chuẩn bị gói đối phó trị giá 28,4 tỷ USD, cân nhắc hạn chế công ty Mỹ tiếp cận thị trường châu Âu.

- Nhật Bản và Hàn Quốc đang cân nhắc hành động phối hợp, trong đó Hàn Quốc lên kế hoạch hỗ trợ khẩn cấp cho ngành ô tô.

- Việt Nam dù chưa phản ứng công khai, nhưng đứng trước nguy cơ bị áp tổng thuế nhập khẩu tới 56% do thâm hụt thương mại lớn và có thể chịu tác động nặng nề đến xuất khẩu.


Ông Bình và ông Trung đang tìm hiểu về nhau

Đặc biệt, trước loạt thuế quan dồn dập từ Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, Trung Quốc đã nhanh chóng đáp trả bằng cách áp thuế đối ứng lên hàng hóa Mỹ, cho thấy lập trường cứng rắn trong bảo vệ lợi ích quốc gia. Cụ thể, kể từ ngày 10/04/2025, Trung Quốc nâng tổng thuế lên hàng nhập khẩu từ Mỹ lên mức 84%, bao gồm thuế 34% ban đầu và thêm 50% sau khi Mỹ nâng thuế lên 125%.

Không chỉ dừng ở thuế quan, Bắc Kinh còn triển khai hàng loạt biện pháp phi thuế như đưa các công ty Mỹ vào "danh sách không đáng tin cậy", hạn chế xuất khẩu đất hiếm và điều tra chống bán phá giá một số sản phẩm công nghệ y tế từ Mỹ. Những động thái này cho thấy Trung Quốc không chỉ phản ứng về kinh tế, mà còn gửi đi thông điệp địa chính trị mạnh mẽ rằng họ sẵn sàng “chiến đấu đến cùng” trong cuộc chiến thương mại nếu Mỹ tiếp tục gia tăng áp lực.

Công thức tính thuế quan của Hoa Kỳ năm 2025

Công thức tính tính thuế quan của Hoa Kỳ

Trong công thức này

  • x là kim ngạch xuất khẩu

  • m là kim ngạch nhập khẩu

  • ε là mức độ biến động về nhập khẩu nếu giá sản phẩm thay đổi

  • φ là mức độ ảnh hưởng lên giá của thuế nhập khẩu.

Vai trò của ε và ϕ:

- ε: Mức độ biến động về nhập khẩu nếu giá sản phẩm thay đổi, tức là độ co giãn giá cầu nhập khẩu. Trong kinh tế học, ε được định nghĩa là ε=(% thay đổi lượng nhập khẩu)/ (% thay đổi giá) thường âm do cầu giảm khi giá tăng.

- ϕ: Mức độ ảnh hưởng lên giá của thuế nhập khẩu, tức là tỷ lệ truyền tải thuế vào giá bán, thường nằm trong khoảng 0 đến 1. Nếu ϕ=1 thuế được truyền tải hoàn toàn vào giá; nếu ϕ=0 toàn bộ thuế do nhà nhập khẩu chịu.

Nhìn chung, chính sách thuế mới của ông Trump từ năm 2025 chủ yếu dựa trên một nguyên tắc đơn giản: nếu Mỹ mua hàng của nước khác nhiều hơn so với lượng hàng mà nước đó mua từ Mỹ, thì Mỹ sẽ đánh thuế cao lên hàng nhập khẩu từ nước đó. 

Ví dụ: với Việt Nam vào năm 2024:

  • m =136,6 tỷ USD (giá trị hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ).
  • x = 13,1 tỷ USD (giá trị hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam).
  • ε = 4 (dựa theo số liệu của Mỹ tại đây)
  • ϕ = 0,25 (dựa theo số liệu của Mỹ tại đây)

- Bước 1: Tính thâm hụt thương mại: 

m - x = 136,6 − 13,1 = 123,5 tỷ USD

- Bước 2: Tính tỷ lệ thâm hụt: 

((m - x)/ε*ϕ* m) * 100% = (123,5 / 4*0,25*136,6 ) = 90,41%

- Bước 3: Dựa trên chính trị và chiến lược thương mại của Trump, ông chia đôi để tránh mức thuế quá cao ngay lập tức, thể hiện sự "tử tế".

90,41% / 2 = 45,2% (làm tròn thành 46%)

Do đó, mức thuế đối ứng Mỹ có thể áp lên hàng hóa nhập từ Việt Nam là khoảng 45% nhưng được làm tròn thành 46%, dựa trên logic "cân bằng thương mại" chứ không phải mức thuế thực tế mà Việt Nam đang áp lên hàng hóa Mỹ. Đây là lý do khiến phương pháp này bị nhiều chuyên gia chỉ trích vì đơn giản hóa và không phản ánh đúng thực tế thương mại quốc tế.

Ảnh hưởng của thuế quan lên kinh tế Mỹ, thị trường tài chính và crypto

Tác động lên kinh tế Mỹ


Ảnh hưởng của thuế quan theo phân tích của Tax Foundation

Thuế quan, bao gồm mức thuế cơ bản 10% và thuế đối ứng dựa trên thâm hụt thương mại, sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu, dẫn đến giá hàng hóa cao hơn cho người tiêu dùng. Điều này có thể gây lạm phát và giảm sức mua, đặc biệt ảnh hưởng đến các hộ gia đình thu nhập thấp và trung bình. Nghiên cứu từ Tax Foundation ước tính GDP Mỹ có thể giảm 0,8% dài hạn trước khi có đáp trả và 0,9% nếu có đáp trả. Thu nhập sau thuế trung bình có thể giảm 1,5%, với mỗi hộ gia đình chịu thêm thuế khoảng 1.500 USD vào năm 2025.

Tác động của thuế lên thị trường tài chính


Tác động của thuế lên thị trường tài chính

Thị trường tài chính đã phản ứng tiêu cực, với S&P 500 giảm từ mức cao nhất 6.147,43 vào ngày 19/2/2025 xuống khoảng 5.456,89 vào ngày 10/4/2025, theo Yahoo Finance. Biến động tăng cao, đặc biệt sau thông báo thuế quan, với lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu. Các ngành phụ thuộc vào nhập khẩu, như ô tô và công nghệ, có thể chịu thiệt hại, trong khi USD mạnh lên có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Tác động của thuế lên thị trường crypto


Tác động của thuế lên thị trường crypto

Trong giai đoạn này Bitcoin đã trải qua biến động ngắn hạn, với giá giảm sau thông báo thuế quan nhưng sau đó phục hồi, hiện ở mức khoảng 82.000 USD vào ngày 10/4/2025. Đối với các nhà đầu tư crypto, những biến động này là do bị ảnh hưởng bởi tâm lý tránh rủi ro, nhưng dài hạn, nếu kinh tế bất ổn, Bitcoin có thể được xem là nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, thuế quan lên linh kiện nhập khẩu có thể làm tăng chi phí khai thác, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các thợ đào.

Chính sách của Việt Nam để đối ứng với mức thuế của Trump

Tính đến ngày 10/04/2025, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp đối phó với chính sách thuế đối ứng của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cụ thể, theo công thức tính dựa trên thâm hụt thương mại song phương, Trump công bố mức thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, cộng với mức thuế cơ bản 10%, nâng tổng mức thuế lên tới 56%. Quy định này được thông báo vào ngày 02/04/2025 và dự kiến có hiệu lực từ ngày 09/04/2025. Tuy nhiên, Trump sau đó tuyên bố tạm hoãn 90 ngày và giảm tạm thời mức thuế xuống còn 10%, ngoại trừ Trung Quốc vẫn chịu mức thuế 125%. Việt Nam, với thặng dư thương mại khoảng 123,5 tỷ USD với Mỹ trong năm 2024 và tỷ lệ xuất khẩu sang Mỹ chiếm gần 30% GDP, trở thành một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ chính sách này.

Trước áp lực đó, Việt Nam đã hành động nhanh chóng để giảm thiểu tác động tiêu cực và tranh thủ cơ hội đàm phán. Đầu tiên, Việt Nam đề xuất giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ về 0% nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Mỹ vào Việt Nam, qua đó góp phần giảm thâm hụt thương mại song phương. Đề xuất này được Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi với Trump qua điện thoại vào ngày 04/04/2025, và được xác nhận trên cả nền tảng Truth Social của Trump lẫn cổng thông tin Chính phủ Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cam kết tăng nhập khẩu các mặt hàng chiến lược từ Mỹ như máy bay Boeing, nông sản, và thiết bị quốc phòng. Điển hình là việc VietJet và Vietnam Airlines xem xét mở rộng đơn hàng với Boeing, đồng thời Việt Nam đang xúc tiến mua máy bay vận tải quân sự từ Lockheed Martin.

Một trong những bước đi chiến lược quan trọng là việc cử Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sang Mỹ từ ngày 06 đến 16/04/2025 để đối thoại trực tiếp với các cơ quan chức năng của Mỹ. Bên cạnh đó, Việt Nam đề xuất một cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Trump tại Washington vào cuối tháng 5, với kỳ vọng đạt được thỏa thuận trước khi giai đoạn hoãn thuế 90 ngày kết thúc (tức trước ngày 08/07/2025). Việt Nam cũng chủ động cam kết giảm các rào cản phi thuế quan – điều từng bị Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) chỉ trích – để thể hiện thiện chí cải thiện môi trường thương mại công bằng và minh bạch. Song song, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã linh hoạt điều chỉnh tỷ giá theo hướng làm yếu đồng VND so với USD trong biên độ cho phép nhằm hỗ trợ xuất khẩu mà không vi phạm các tiêu chí thao túng tiền tệ, một cáo buộc từng được Trump đưa ra vào năm 2020.

Cuối cùng, Việt Nam đẩy mạnh hợp tác chiến lược với Mỹ trên nhiều lĩnh vực như quốc phòng, khắc phục hậu quả chiến tranh, và công nghệ. Đặc biệt, Việt Nam đã cho phép SpaceX triển khai thử nghiệm dịch vụ Starlink, một động thái phá vỡ thông lệ về giới hạn sở hữu nước ngoài trong ngành viễn thông. Điều này không chỉ giúp tăng cường quan hệ song phương mà còn tận dụng mối quan hệ cá nhân giữa Trump và các nhân vật ảnh hưởng như Elon Musk để tác động ngược lại chính sách thuế.

Dù đã đạt được bước đầu trong việc tạm hoãn và giảm mức thuế từ 56% xuống 10% trong 90 ngày, thách thức vẫn còn rất lớn. Các cố vấn của Trump như Peter Navarro tiếp tục giữ lập trường cứng rắn, chỉ trích Việt Nam là “điển hình của gian lận phi thuế quan”. Thêm vào đó, với thâm hụt thương mại lớn như hiện nay, việc giảm thuế và tăng nhập khẩu khó có thể bù đắp kịp thời, khiến nguy cơ Mỹ quay lại áp mức thuế 46% là rất thực tế. Nếu không đạt được thỏa thuận trong 90 ngày tới, GDP Việt Nam có thể sụt giảm khoảng 5,5% theo ước tính của ING, buộc Việt Nam phải tính đến kịch bản đa dạng hóa thị trường xuất khẩu như EU hoặc Nhật Bản để giảm dần phụ thuộc vào Mỹ.

Tổng kết

Chính sách thuế quan mới của Donald Trump không chỉ là một bước đi quyết liệt nhằm tái cân bằng thương mại và bảo hộ ngành sản xuất nội địa Mỹ, mà còn là mồi lửa cho làn sóng phản ứng dây chuyền trên toàn cầu. Khi các nền kinh tế lớn đồng loạt lên tiếng và chuẩn bị các biện pháp đáp trả, thế giới có thể đang bước vào một giai đoạn căng thẳng thương mại mới. Trong bối cảnh này, sự linh hoạt trong chính sách, nỗ lực đối thoại và khả năng thích ứng với biến động địa chính trị sẽ là yếu tố sống còn đối với cả các chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết không được xem là lời khuyên đầu tư, Coin68 không chịu trách nhiệm với bất kỳ quyết định nào của các bạn.
-16/04/2025
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là nơi cung cấp cái nhìn tổng quan nhanh và chính xác nhất về tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68