SPAC là hình thức giúp các công ty niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán mà không phải trải qua giai đoạn IPO. Vậy SPAC có gì đặc biệt, các bạn hãy cùng Coin68 tìm hiểu thông qua bài viết này nhé!
SPAC là gì? Ảnh hưởng của SPAC tới thị trường crypto
SPAC là gì?
SPAC (viết tắt của Special Purpose Acquisition Companies) là công ty được thành lập để huy động vốn thông qua một đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), số tiền này sẽ được sử dụng với mục đích mua lại hoặc sáp nhập một công ty khác.
SPAC là gì?
SPAC còn được gọi là công ty séc trắng (Blank Check Company). Danh tính của các công ty nằm trong tầm ngắm của SPAC thường không rõ ràng đối với với các nhà đầu tư. Do đó, các nhà đầu tư đang phân bổ tiền để đầu tư vào một công ty không rõ ràng, tương tự như việc viết một tờ séc trống.
Ví dụ: Vào ngày 14/8/2023, công ty Vinfast của Việt Nam đã chính thức được niêm yết trên sàn NASDAQ thông qua quá trình sáp nhập với công ty SPAC mang tên Black Spade Acquisition.
Quy trình hoạt động của SPAC
Công bố thành lập SPAC
Trước khi xác định công ty mục tiêu, các nhà tài trợ sẽ phát triển một kế hoạch kinh doanh dành cho SPAC và đầu tư từ 1,5 đến 2 triệu USD cho chi phí hoạt động và công bố ban giám đốc.
Tập hợp đội ngũ nhà tài trợ và huy động vốn từ nhà đầu tư
Các nhà tài trợ sẽ bổ sung đội ngũ của họ với các nhà bảo lãnh. Sau đó, họ sẽ nộp hồ sơ chào bán S-1 và tham gia huy động vốn - thường từ 200 triệu đến 750 triệu USD - chủ yếu từ các nhà đầu tư công.
Đưa SPAC ra công chúng
Cổ phiếu của SPAC sẽ được phát hành ra công chúng lần đầu (IPO). Các nhà tài trợ phải trả cho các nhà bảo lãnh 2% số tiền huy động được dưới dạng phí IPO.
Xác định mục tiêu
Đội ngũ quản lý SPAC bắt đầu thảo luận với các công ty tiềm năng. SPAC có hai năm để đạt được thỏa thuận sáp nhập với một công ty khác; nếu không làm được điều đó, ban quản lý có thể tìm cách gia hạn hoặc trả lại tất cả số tiền cho các nhà đầu tư, lúc đó các nhà tài trợ ban đầu sẽ mất vốn đầu tư rủi ro của họ.
Huy động thêm vốn
Khi 2 bên đồng ý các điều khoản, SPAC bắt đầu xác thực định giá của công ty mục tiêu. Nếu SPAC cần thêm vốn để hoàn tất quá trình sáp nhập, SPAC có thể phát hành nợ hoặc cổ phiếu.
Đàm phán điều khoản, ký thỏa thuận và nộp ủy quyền
Các thỏa thuận sáp nhập sẽ được ký kết. SPAC và công ty mục tiêu phải nộp giấy ủy quyền, trong đó nêu rõ lịch sử tài chính của công ty mục tiêu cùng với các điều khoản và điều kiện sáp nhập.
Đặt ngày cho nhà đầu tư chấp thuận hoặc từ chối thỏa thuận
SPAC sẽ cho phép các cổ đông chọn 1 trong 3 lựa chọn:
-
Chấp thuận thỏa thuận và khoản đầu tư của họ được chuyển vào thực thể hợp nhất;
-
Chấp thuận thỏa thuận nhưng nhận lại số tiền đầu tư của họ với lãi
-
Từ chối thỏa thuận và nhận lại số tiền đầu tư của họ với lãi.
Nếu sáp nhập không thành công, SPAC sẽ bắt đầu lại với một mục tiêu khác. Nếu hết thời hạn hai năm mà vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra, SPAC sẽ phải hoàn trả lại vốn đầu tư và giải thể.
Hoàn tất sáp nhập
Nếu thỏa thuận được chấp thuận, quá trình sáp nhập sẽ được hoàn tất ngay sau đó. Số tiền còn lại sau khi trừ đi các chi phí khác sẽ được đầu tư vào công ty mục tiêu, ban quản trị của SPAC bị giải thể và cổ phiếu của công ty mục tiêu bắt đầu được giao dịch dưới tên và ký hiệu của riêng mình.
Lợi thế của SPAC
SPAC mang lại lợi thế lớn cho các công ty đang lên kế hoạch IPO, quy trình gọi vốn thông qua SPAC sẽ đơn giản hơn khá nhiều so với IPO. Con đường niêm yết bằng cách sử dụng SPAC có thể mất vài tháng, trong khi quá trình IPO thông thường có thể mất từ sáu tháng đến hơn một năm.
Ngoài ra, chủ sở hữu của công ty có thể thương lượng được giá cao hơn khi bán cho SPAC. Các công ty được mua lại hoặc sáp nhập với SPAC sẽ được điều hành bởi đội ngũ quản lý giàu kinh nghiệm.
Hạn chế của SPAC
Giống như bất kỳ khoản đầu tư nào, SPAC cũng đặt ra những rủi ro cho các nhà đầu tư. Một trong những rủi ro chính là năng lực của ban quản lý SPAC trong việc tìm kiếm công ty mục tiêu phù hợp. Thông thường, các nhóm quản lý SPAC sẽ bao gồm các chuyên gia và hầu hết họ đều có nền tảng đầu tư đáng tin cậy. Tuy nhiên, nếu ban quản lý SPAC thiếu chuyên môn về phân khúc thị trường của công ty mục tiêu, thì điều này có thể dẫn đến kết quả không như ý muốn cho công ty đó và các nhà đầu tư.
Một yếu tố khác cần quan tâm là nhà đầu tư thường sẽ thiếu thông tin về công ty mục tiêu. Các công ty này thường không bị bắt buộc phải báo cáo dữ liệu tài chính cho nhà đầu tư và có thể tìm cách che giấu các khoản nợ xấu. Công ty mục tiêu sẽ được yêu cầu công khai tình hình tài chính của mình khi trở thành một phần của SPAC, nhưng đến lúc đó có thể quá muộn đối với các nhà đầu tư ban đầu.
Những nhà đầu tư vào SPAC sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất chi phí cơ hội khi có thể phải chờ đợi trong khoảng thời gian lên đến 2 năm.
Ảnh hưởng của SPAC tới thị trường crypto
Sự xuất hiện của SPAC sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các công ty crypto như:
-
Truy cập nhanh vào thị trường chứng khoán: SPAC cung cấp một con đường nhanh hơn để các công ty crypto niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán, giúp huy động nguồn vốn lớn và tăng cường độ tin cậy.
-
Tăng cường thanh khoản: Khi niêm yết qua SPAC, cổ phiếu của các công ty crypto có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn thanh khoản dồi dào từ thị trường chứng khoán.
-
Truy cập vào mạng lưới các nhà đầu tư: Các nhà tài trợ SPAC thường có mối quan hệ rộng với các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân, giúp các công ty crypto mở rộng mạng lưới và tìm kiếm các đối tác chiến lược.
-
Hỗ trợ quản trị: Các nhà tài trợ SPAC thường có kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp và có thể cung cấp các lời khuyên quý báu để giúp các công ty crypto phát triển bền vững.
Tuy nhiên, để sáp nhập thành công với SPAC, các công ty crypto cũng cần vượt qua một số rào cản như:
-
Sự phức tạp của luật chứng khoán cũng như các quy định ngân hàng liên quan
-
Tăng cường quy định và yêu cầu tuân thủ từ các thực thể và tổ chức chính phủ
-
Vấn đề xác thực danh tính khách hàng (KYC)
-
Yêu cầu chống rửa tiền (AML)
Tổng kết
SPAC là các công ty được thành lập với mục tiêu mua lại hoặc sáp nhập với một công ty khác nhằm đưa nó lên sàn giao dịch chứng khoán. Thông qua bài viết này chắc các bạn đã phần nào nắm được những thông tin cơ bản về SPAC.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết không được xem là lời khuyên đầu tư. Coin68 không chịu trách nhiệm với bất kỳ quyết định đầu tư nào của các bạn.