Hiện tại trên thị trường, nhiều anh em chắc hẳn sẽ bắt gặp rất nhiều thuật ngữ khó hiểu khi nghiên cứu các mô hình tokenomic. Những tên gọi này thường lất dài, loằng ngoằng và rất khó nhớ. Thôi thì cách tốt nhất để ghi nhớ các tên gọi, chính là hiểu bản chất của mô hình token đó và giờ thì chúng ta sẽ vào việc luôn với từng mô hình cụ thể nhé!
Khái quát các mô hình
Với các tokenomic có hình thức staking hiện tại, mình tạm chia ra làm 3 dạng token đó là:
- Token thường: các dự án ví dụ như CAKE, AAVE, SNX,..
- xToken: ví dụ thường thấy là SUSHI, QUICK, MKR,…
- veToken: Curve, SOLID, PTP,…
Token thường
Thật ra mình không biết tên gọi cụ thể của mô hình này, nhưng do nó bình thường nền mình sẽ gọi là “Token Thường”. Mô hình này vẫn sẽ có cơ chế stake (tức tạm khoá token lại trong pool). Tuy nhiên, dự án sẽ KHÔNG định nghĩa sự rõ ràng giữa token trong pool và ngoài pool. Do đó, kể cả khi đã stake token, tên gọi của token bạn đã stake và chưa stake vẫn là giống nhau.
Uhm, đoạn này giải thích hơi khó hiểu, nên mình sẽ lấy ví dụ là CAKE. Nếu anh em để CAKE trong ví, nó vẫn có tên gọi là CAKE. Và khi stake CAKE vào pool, thì token đó về tên gọi và công dụng, vẫn sẽ chỉ là CAKE.
Sự khác nhau duy nhất, đó là bạn được hưởng lãi 1 phần từ doanh thu của dự án chia lại cho những ai đã stake token vào pool.
Điểm lợi
- Dễ dàng nhận thấy là mô hình này rất đơn giản. Đội ngũ khi triển khai thì không cần deploy thêm một contract riêng cho một định dạng token khác, từ đó tối ưu được khía cạnh kỹ thuật bên dưới.
- Về phía người dùng, họ cũng sẽ không bị rối khi tham gia thao tác trên sản phẩm.
- Thanh khoản luân chuyển tốt hơn, ý này mình sẽ làm rõ hơn sau khi đi qua các model khác để anh em tiện so sánh.
Điểm bất cập
- Phân phối giá trị không đồng đều: Ví dụ nếu dự án triển khai việc Buy back và burn token (tức dùng doanh thu để mua lại và huỷ khỏi lưu thông một lượng token nhất định), giá trị của hoạt động burn này sẽ được phân bổ đến toàn bộ người nắm token. Người nắm giữ token ngắn hạn ngoài pool cũng sẽ hưởng được lợi ích từ việc nguồn cung giảm đi.
- Không có một yêu cầu cam kết lâu dài: Các pool thường không có kì hạn khi rút tiền, do đó người dùng có thể tự chọn nạp rút bất cứ lúc nào.
- Quyền vote ngang nhau giữa tay chơi ngắn hạn và tay chơi dài hạn.
xToken
Tiếp đến là xToken hay một số dự án gọi là stkToken (stakeToken). Khi người dùng lock token vào pool, hệ thống sẽ trả ra một định dạng token khác là xToken. Đây dạng như một chứng chỉ để tách biệt người đã cam kết stake và người không stake.
Vậy xToken này có chức năng gì? Phiếu bầu của người nắm token dạng này sẽ có tỷ trọng cao hơn (hiểu nôm na là nó có tiếng nói hơn token thường). Ngoài ra họ cũng hưởng được lợi nhuận đặc biệt từ việc buy back của dự án.
Lấy ví dụ từ Sushi, khi nền tảng dùng doanh thu để mua lại Sushi trên thị trường, họ sẽ trích một phần ra để dành riêng cho pool xSUSHI. Thoạt ban đầu khi stake token vào thì tỷ lệ Sushi và xSushi sẽ là 1:1. Nhưng sau khi Sushi được thả thêm vào pool, lúc này 1 xSushi sẽ đổi lại được nhiều Sushi hơn, thay vì 1:1 như trước.
Ưu điểm
- Như đã nói ở trên, việc phân phối lại phiếu bầu sẽ đồng đều hơn, ưu tiên cho những ai cam kết stake token vào nền tảng, thay vì xem mọi đồng token trên thị trường đều có quyền vote và hưởng lãi như nhau.
Nói về việc phiếu bầu từ hodler có cam kết dài hạn ảnh hưởng thế nào, anh em có thể tham khảo case Study giữa Justin Sụn và Compound. Theo đó, Justin Sụn đã tạm vay một lượng lớn COMP, từ đó biểu quyết những phần thưởng lớn cho TUSD (đồng stablecoin của hệ TRON).
- Giảm tải áp lực bán, vì khi rút Token khỏi pool, người dùng sẽ phải chờ một thời gian nhất định thì token mới về ví.
- Tái sử dụng (linh hoạt vốn): Khi nhận về đồng xToken, người dùng có thể tiếp tục thế chấp tài sản này trên các nền tảng lending để tiếp tục thanh khoản dòng vốn. Ví dụ, nếu stake CAKE vào pool, tài sản này sẽ làm đóng băng dòng tiền của mình ở Pancakeswap. Tuy nhiên, khi stake SUSHI và nhận về xSUSHI, mình có thể cầm xSUSHI này đi thế chấp hoặc cho vay trên Aave để tận dụng dòng vốn.
Nhược điểm
- Dù xToken có thể được giao dịch trên thị trường, tuy nhiên các pool giao dịch vẫn khá hạn chế, thanh khoản không ổn định cùng tỷ giá có thể bị trồi sụt.
- Người dùng không có nhiều thời gian để tìm hiểu sẽ không hiểu được vai trò của đồng xToken này. Từ đó biến việc triển khai mô hình mới sẽ không quá hiệu quả như dự kiến.
- xToken chưa giải quyết được bài toán phân phối giá trị khi có hoạt động burn token mà mình đã đề cập ở phần của mô hình “Token Thường” phía trên.
veToken
Chắc là nhiều anh em cũng tò mò về mô hình này, đặc biệt là sau khi rất nhiều cuộc chiến diễn ra xoay quanh từ khoá “ve”. Vậy veToken là gì?
veToken (vote-escrow Token) là token đại diện, được trả về khi người dùng khoá token dự án vào gauge (nghe nó khác chứ thật ra bản chất nó là pool).
veToken khác với xToken ở chỗ là người dùng được quyền quyết định thời hạn lock, từ đó quy định lượng phiếu bầu mình sẽ hưởng và tỷ lệ boost (hiểu nôm na là lock càng lâu, càng nhiều, thì sẽ có mức nhân càng cao cho phần thưởng trong các pool mình farm thanh khoản).
Điểm mạnh
- Giúp thúc đẩy được nhu cầu mua để lock token. Tạo ra sân chơi hấp dẫn để các dự án tranh đua nhằm chiếm quyền biểu quyết và phân bổ doanh thu trên nền tảng.
- Đảm bảo được giá trị cho những ai cam kết khoá token trong dài hạn. Người dùng lock veToken sẽ được hưởng mức thưởng cao hơn ở các hoạt động trên sản phẩm (ví dụ như stake token, farm thanh khoản,…).
- “Răn đe” những tay chơi ngắn hạn: Có một điều ít người để ý, đó là veToken thường có % yield và emmision cao, điều này sẽ vô tình pha loãng giá trị của những người chơi không stake token vào nền tảng. Đây có thể coi là giải pháp cho vấn đề phân phối giá trị khi burn token và giảm Supply ở trên.
Điểm yếu
- Thanh khoản kém: Ví dụ như khi lock token vào Gauge, thì token này gần như là chết cứng trong pool. Vẫn có giải pháp để người dùng mua lại, trao đổi các veToken này, nhưng về bản chất nó chỉ là giao dịch phái sinh cho các veToken này.
- Kén dự án: rất ít dự án có thể thành công với mô hình này. Vì nó yêu cầu tính phi tập trung và độ fomo cao của toàn cộng đồng. Nếu sản phẩm không tạo được niềm tin về độ phi tập trung, việc yêu cầu stake token trong thời gian dài vô tình lại là rào cản, là con dao hai lưỡi đối với token của dự án.
- Quá phức tạp: ý này thì chắc mình không cần giải thích thêm.
Nhận định cá nhân
Mỗi mô hình thiết kế staking sẽ phù hợp cho định hướng của một dự án cụ thể. Giống như mình có đề cập ở trên, veToken không phải mô hình dành cho mọi dự án. Ngược lại, với những dự án thích độ thanh khoản cao cho token của họ thì nên cân nhắc sử dụng các mô hình đơn giản hơn. Chưa kể là sẽ có những biến thể, là sự kết hợp lẫn nhau giữa các mô hình nói trên.
Tuy nhiên, cá nhân mình thì nghĩ rằng veToken sẽ trở nên phổ biến hơn trong thời gian tới vì một vài lí do sau:
- Nhiều dự án gây tiếng vang -> tạo động lực cho người dùng tìm hiểu thêm về mô hình này. Giảm được rào cản về vấn đề giải thích, truyền tải đến người dùng.
- Các hệ sinh thái đang hướng đến cơ chế phát triển Composability – Hiểu nôm na là DApp A phát triển trên nền của DApp B. Do đó, việc có một sản phẩm làm lớp nền (Base Layer) là vô cùng cần thiết. Và với các sản phẩm nền này, veToken là mô hình phù hợp, vì họ sẽ thu hút rất nhiều các lớp sản phẩm phía trên tham gia và tạo ra các War về thanh khoản.
- Đây là bước đi giúp các DApp tiến gần hơn đến mô hình phi tập trung.
Tạm kết
Vậy thôi, đó là những gì chúng ta có cho bài viết hôm nay. Hi vọng là những chia sẻ trên đây mang lại nhiều thông tin hữu ích cho anh em. Đừng quên, như thường lệ, mình KHÔNG phải là “Cố vấn Tài chính” hay “Chuyên viên vẽ chart tỉa nến”. Do đó, mọi nội dung trên đây chỉ mang tính chất thông tin và không được xem là lời khuyên đầu tư!
Coin68 tổng hợp
Có thể bạn quan tâm: