logo
  • Tin tức
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
ads

Silicon Valley Bank là gì? Nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của SVB

-30/03/2023

Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank tại Mỹ là một trong những sự kiện kinh tế đáng chú ý nhất trong năm 2023. Vậy nguyên nhân mà ngân hàng này sụp đổ là gì, các bạn hãy cùng Coin68 tìm hiểu thông qua bài viết này nhé!

Silicon Valley Bank là gì? Nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của SVB

Silicon Valley Bank là gì?

Silicon Valley Bank (SVB), một công ty con của SVB Financial Group, là ngân hàng lớn thứ 16 tại Hoa Kỳ. Tại thời điểm tháng 12/2009, ngân hàng này có khối lượng tài sản lên đến 209 tỷ USD.

SVB chuyên cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các công ty khởi nghiệp và các công ty được hỗ trợ bởi quỹ đầu tư mạo hiểm. Theo trang web của Silicon Valley Bank, 44% các công ty thuộc lĩnh vực công nghệ và chăm sóc sức khỏe đã IPO năm 2022 là khách hàng của ngân hàng này.

Lịch sử hình thành

Silicon Valley Bank được thành lập vào năm 1983 bởi Bill Biggerstaff, giám đốc điều hành của Wells Fargo và giáo sư Robert Medearis của Đại học Stanford để tập trung vào nhu cầu của các công ty khởi nghiệp. Hai cựu quản lý của Bank of America và những người bạn quần vợt đã nảy ra ý tưởng này qua một ván bài poker ở Pajaro Dunes, California. Họ thuê Roger V. Smith, người trước đây từng đứng đầu bộ phận cho vay công nghệ cao tại Wells Fargo, làm Giám đốc điều hành và chủ tịch đầu tiên của ngân hàng. 

Ngân hàng ra mắt công chúng vào năm 1988 và vào năm 1989, chuyển đến Menlo Park trong nỗ lực củng cố sự hiện diện của mình trong thế giới đầu tư mạo hiểm.

SVB đã dần phát triển thành một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất nước Mỹ. Trong suốt giai đoạn đại dịch Covid diễn ra trên toàn cầu, ngân hàng này đã tăng gấp 3 lần khối lượng tài sản, trở thành ngân hàng thương lại lớn thứ 16 của Mỹ.

Nguyên nhân sụp đổ

Khi đại dịch Covid diễn ra, chính phủ Mỹ đã liên tục hạ lãi suất nhằm giải cứu nền kinh tế. Khi lãi suất ở Mỹ về gần 0%, số tiền gửi của khách hàng vào Silicon Valley Bank đã tăng vọt từ khoảng 60 tỷ USD vào năm 2020 lên đến hơn 180 tỷ USD vào năm 2022.

Lãi suất quỹ liên bang (Fed Funds Rate) trong giai đoạn 2019-2023 - Nguồn: Tradingeconomics.com

Tài sản của SVB trong giai đoạn 2018-2022 - Nguồn: FDIC

Thông thường các ngân hàng thương mại khi nhận tiền gửi của khách hàng sẽ đem số tiền đó cho vay để kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, với số lượng tiền gửi tăng đột biến như vậy, SVB không thể cho vay hết và ngân hàng này quyết định chọn một hình thức đầu tư ít rủi ro khi dùng tiền gửi khách hàng để mua trái phiếu dài hạn của chính phủ Mỹ. Điều này có thể hiểu đơn giản là người mua trái phiếu cho chính phủ Mỹ vay tiền, khi đáo hạn người mua trái phiếu sẽ nhận lại được cả tiền gốc và tiền lãi.

Tuy nhiên, khi FED bắt đầu tăng lãi suất để đối phó với lạm phát, khoản đầu tư vào trái phiếu của Silicon Valley Bank bắt đầu gặp rủi ro về tính thanh khoản. Lúc này, các nhà đầu tư có thể mua trái phiếu từ chính phủ Mỹ với mức lãi suất cao hơn so với số trái phiếu mà Silicon Valley Bank đã mua trước đó.

Lãi suất tăng cao trong nền kinh tế vô hình chung tạo sức ép lên các khách hàng của SVB buộc họ phải rút tiền gửi tại ngân hàng này để duy trì hoạt động kinh doanh. 

Silicon Valley Bank đã phải bán bớt trái phiếu nhằm đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng. Như đã đề cập ở trên, số lượng trái phiếu đang nắm giữ bởi SVB có lãi suất chỉ 1,79% thấp hơn rất nhiều so với mức lãi suất 3,9% của các trái phiếu cùng loại trên thị trường. Điều này khiến cho ngân hàng này phải chịu thiệt lại lên đến 1,8 tỷ USD, mặc dù chỉ mới bán khoảng 16% số lượng trái phiếu đang nắm giữ. Nếu quyết định bán tất cả số trái phiếu thì ngân hàng này sẽ phải chịu một khoảng lỗ khổng lồ lên đến hàng tỷ USD.

Kế hoạch huy động 2,25 tỷ USD của SVB cùng với thông tin về khoản lỗ 1,8 tỷ USD trước đó đã tạo ra hiệu ứng domino. Hàng loạt người dùng đến ngân hàng rút tiền làm cho Silicon Valley Bank mất thanh khoản và sụp đổ chỉ sau vài ngày ngắn ngủi. 

Diễn biến vụ sụp đổ

  • Ngày 8/3/2023: Silicon Valley Bank công bố khoản lỗ 1,8 tỷ USD đối với danh mục trái phiếu của mình, cùng với kế hoạch bán cả cổ phiếu phổ thông và cổ phiếu ưu đãi để huy động 2,25 tỷ USD. Sau thông báo này, Moody's đã hạ xếp hạng của SVB.

  • Ngày 9/3: Cổ phiếu của công ty mẹ của SVB, SVB Financial Group, đã giảm giá khi mở cửa thị trường. Các ngân hàng lớn khác cũng chứng kiến giá cổ phiếu của họ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, ngày càng nhiều khách hàng của SVB bắt đầu rút tiền, nâng tổng số tiền rút lên là 42 tỷ USD.

  • Ngày 10/3: Cổ phiếu SVB Financial Group tạm dừng giao dịch. Trước khi ngân hàng có thể mở cửa trong ngày, các cơ quan quản lý liên bang đã thông báo rằng họ sẽ tiếp quản ngân hàng này. Sau khi các cơ quan quản lý không thể tìm được người mua ngân hàng, tiền gửi của khách hàng được chuyển đến ngân hàng trung gian do Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Hoa Kỳ (FDIC) thành lập và điều hành, với lời hứa rằng tiền gửi sẽ được bảo hiểm.

  • Ngày 12/3: Cơ quan quản lý liên bang công bố các biện pháp khẩn cấp nhằm ứng phó với sự phá sản của Silicon Valley Bank, cho phép khách hàng lấy lại tất cả các khoản tiền, kể cả những khoản không có bảo hiểm.

  • Ngày 17/3: SVB Financial Group nộp đơn xin phá sản.

  • Ngày 26/3: Ngân hàng First Citizens mua toàn bộ SVB ngoại trừ 90 tỷ USD chứng khoán và các tài sản khác vẫn nằm trong quyền quản lý của FDIC.

Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank ảnh hưởng như thế nào đến khách hàng và nhà đầu tư?

Khách hàng

Theo quy định, FDIC sẽ chi trả khoản tiền bảo hiểm tối đa 250.000 USD cho mỗi tài khoản tiền gửi tại ngân hàng. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, đối tượng khách hàng chính của Silicon Valley Bank là các công ty khởi nghiệp, nên đa phần các khoản tiền gửi tại đây đầu lớn hơn 250.000 USD. Vì vậy sự sụp đổ ngân hàng SVB sẽ gây ra sự ảnh hưởng rất nặng nề cho khách hàng tại đây.

Vào ngày 12/3, Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã công bố rằng họ sẽ đưa ra một ngoại lệ về rủi ro hệ thống, nghĩa là tất cả những người gửi tiền sẽ nhận lại được toàn bộ số tiền của mình, ngay những khoản tiền không được bảo hiểm.

Nhà đầu tư

SVB Financial Group, công ty mẹ của Silicon Valley Bank, được sở hữu bởi các nhà đầu tư tổ chức lớn như: 

  • The Vanguard Group, Inc.

  • SSgA Funds Management, Inc.

  • BlackRock Fund Advisors

  • Alecta Pension Insurance Mutual

  • JPMorgan Investment Management, Inc.

FDIC chỉ chi trả lại số tiền gửi của người dùng, nhưng không chịu trách nhiệm với khoản lỗ của nhà đầu và chủ nợ. Hay nói cách khác, các cá nhân và tổ chức sở hữu cổ phiếu của tập đoạn SVB mà không mua bảo hiểm sẽ “mất trắng” và không lấy lại được số tiền mà họ đã đầu tư.

Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank ảnh hưởng thế nào nền kinh tế Mỹ?

Tính đến thời điểm cuối năm 2022, Silicon Valley Bank có tổng tài sản khoảng 209 tỷ USD, con số này được xem là khá khiêm tốn nếu đem ra so sánh với những ngân hàng hàng đầu nước Mỹ như JPMorgan hoặc Bank of America với tài sản lên đến hàng nghìn tỷ USD. Ngoài ra, đối tượng khách hàng chính của SVB chỉ là những công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và sức khỏe. Từ những lý do trên ta có thể thấy được tầm ảnh hưởng từ sự sụp đổ của SVB không quá lớn đối với toàn bộ nền kinh tế Mỹ, mà chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến những công ty khởi nghiệp tại thung lũng Silicon.

Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank ảnh hưởng như thế nào đến thị trường crypto?

Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank và thị trường tiền mã hoá tưởng chừng như không ảnh hưởng gì đến nhau. Tuy nhiên, vào ngày 11/3, công ty phát hành stablecoin lớn thứ hai thế giới là Circle đã bất ngờ thông báo bị kẹt 3,3 tỷ USD mà không kịp xử lý giao dịch rút tiền khỏi SVB. Thông tin này đã khiến cho giá của USDC/USDT giảm về mức 0,9364 USD trên sàn giao dịch Coinbase, mức giá thấp nhất kể từ khi stablecoin này ra đời. Toàn bộ thị trường crypto khi đó đã phải trải qua một cơn hoảng loạn “ngắn hạn”, nhiều nhà đầu tư đã bán tháo USDC để chuyển sang nắm giữ các stablecoin khác. 


Biểu đồ giá cặp giao dịch USDC/USDT trên sàn giao dịch Coinbase vào ngày 11/3/2023 - Nguồn: Tradingview

Sau đó, giá trị của USDC đã nhanh chóng về lại 1 USD khi Cục Dự trữ Liên bang (FED) thông báo họ sẽ “giải cứu” tiền gửi của khách hàng tại Silicon Valley Bank.

Ai là người mua lại Silicon Valley Bank?

Vào ngày 13/3/2023, ngân hàng HSBC thông báo sẽ mua lại chi nhánh của SVB tại Anh (SVB UK) với mức giá 1 GBP.

Vào ngày 26/3/2023, FDIC thông báo Ngân hàng First Citizens sẽ mua lại ngân hàng Silicon Valley và đảm nhận phần lớn các khoản tiền gửi và khoản vay của ngân hàng này. Tính đến ngày 10/3, SVB báo cáo tổng tài sản đạt gần 167 tỷ USD và tiền gửi là 199 tỷ USD. Ngân hàng First Citizens sẽ mua khoảng 72 tỷ USD tài sản với lãi suất chiết khấu là 16,5 tỷ USD. 

FDIC ước tính rằng sự sụp đổ của SVB gây thiệt hại gần 20 tỷ USD.

Tổng kết

Silicon Valley Bank là một trong những ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, chuyên cung cấp dịch vụ cho các công ty khởi nghiệp tại thung lũng Silicon. Thông qua bài viết này Coin68 hy vọng các bạn đã nắm được nguyên nhân và diễn biến sự sụp đổ của ngân hàng này. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết sau.

-30/03/2023
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là nơi cung cấp cái nhìn tổng quan nhanh và chính xác nhất về tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68