logo
  • Tin tức
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • Kiến Thức
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • Kiến Thức
  • E-Magazine
  • Góc nhìn

SegWit đã được khoá mục tiêu, nhưng vẫn còn đó những thắc mắc về mức độ phân quyền của Bitcoin

-09/08/2017

 

Giờ đây, khi mà SegWit đã được khoá mục tiêu (lock-in), có vẻ như cuộc nội chiến kéo dài gần 3 năm qua trong cộng đồng người dùng Bitcoin sắp đến hồi kết thúc. Tuy chúng ta chưa phải hoàn toàn ra khỏi vùng nguy hiểm – vẫn còn đấy nguy cơ về hard fork Bitcoin nhằm mở rộng kích thước block và triển vọng dài hạn của Bitcoin Cash – nhưng nhìn chung mọi xung đột gần như đã được giải quyết ổn thoả.

Bước tiếp theo là kích hoạt SegWit, sự kiện lịch sử mà sẽ xảy ra khoảng hai tuần sau khi độ khó thuật toán đào Bitcoin tự điều chỉnh lại. Một khi SegWit được triển khai thì mỗi block 1 MB bây giờ có thể chứa trong nó thêm nhiều giao dịch hơn, giúp giảm thiểu sự tắc nghẽn trên mạng lưới.

Những cập nhật tiếp theo như tính năng Lightning Network từ đó sẽ có thể được tích hợp với tiềm năng cách mạng hoá phân khúc tiền điện tử.

Quay trở lại ban đầu

Từ điểm mà có thể sẽ đánh dấu sự kết thúc, chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại xem thử mọi sự đã khởi đầu ra sao. Bạn sẽ rất dễ bị cuốn vào “vòng xoáy chính trị” – yếu tố mà có thể ảnh hưởng rất nhiều đến quan điểm riêng của từng người – vì thế rất khó để có thể nhìn thấy bức tranh toàn cảnh một cách khách quan và xác định được đâu là nguyên nhân cốt rễ của cuộc tranh luận về kích thước block.

Hồi đầu năm 2014, sự thật hiển nhiên là bộ mã của Bitcoin cần phải được điều chỉnh để có thể giúp mạng lưới mở rộng thêm quy mô, đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng đến từ người dùng. Khi ấy hệ thống chỉ có thể xử lí tốt nhất là 4 giao dịch mỗi giây, nhưng ai cũng biết như thế là không đủ trong tương lai. Tuy vẫn chưa xuất hiện quá trình dồn ứ giao dịch nào vào thời điểm ấy, điều rõ ràng là trừ khi những thay đổi được thực hiện thì rốt cuộc mạng lưới Bitcoin sẽ lâm vào trạng thái quá tải và tắc nghẽn.

Phe ủng hộ Big block vs. nhóm Bitcoin Core

Nói một cách dễ hiểu thì cộng đồng từ thời điểm trên bắt đầu chia làm hai phe phái: một bên là những người muốn block có kích thước lớn hơn, chứa được nhiều giao dịch hơn; và bên còn lại là những người đề xuất một giải pháp mang tính kỹ thuật hơn. Dần dần, họ được biết đến với tên gọi “big blockers” (những người thích big block) và nhóm ủng hộ “SegWit”, hay còn được gọi là “Core”.

Tầm nhìn của Satoshi

Khi Satoshi Nakamoto sáng tạo ra Bitcoin thì ngay từ đầu, ông đã hình dung ra một mạng lưới mà trong đó ai cũng là người vận hành một node (đại lí). Mỗi một node đó cùng kiến thiết để tạo nên Blockchain Bitcoin, bảo đảm rằng Blockchain không thể nào bị can thiệp, chỉnh sửa và không thể bị kiểm soát bởi một chính thể đơn lẻ nào đó. Ở thời điểm sơ khai, Blockchain của Bitcoin vẫn còn khá nhỏ, và chi phí vận hành một node cũng chẳng đáng là bao.

Nhưng dần dần, khi Bitcoin ngày càng được phổ biến và trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới, kích thước mạng lưới của nó cũng tăng theo. Và khi mà Blockchain Bitcoin mở rộng thêm thì quá trình vận hành một node hoàn chỉnh yêu cầu chủ sở hữu phải trang bị một máy tính có ổ cứng lớn cùng băng thông Internet rộng. Vì chi phí cho các linh kiện lưu trữ dữ liệu cùng băng thông không hề rẻ chút nào, số lượng các node hoạt động trên mạng lưới cuối cùng đã sụt giảm nhanh chóng.

Tôi thích big block hơn…

Đối mặt với vấn đề quy mô vào năm 2014, giải pháp được phe big blocker đưa ra là rất đơn giản: gia tăng thêm kích thước cho mỗi block. Nếu một block có thể chứa trong đó thêm dữ liệu thì mạng lưới có thể xử lí nhiều giao dịch hơn nữa trong một giây. Nhược điểm của phương án này là block càng lớn thì Blockchain cũng phải lớn theo.

Và như đã đề cập ở trên, Blockchain càng lớn thì số lượng node trên mạng lưới lại càng ít (vì phí tổn chi cho quá trình lưu trữ dữ liệu và kết nối trở nên tốn kém hơn). Càng ít node thì mức độ phân quyền càng giảm. Phía big blocker cam đoan rằng không sao cả, vì lúc nào cũng sẽ có một lượng node tình nguyện vừa đủ đề đảm bào rằng Bitcoin luôn giữ được đặc tính phân quyền vốn có của mình.

Sự phản đối đến từ đội ngũ phát triển Bitcoin Core

Hầu hết các thành viên trong nhóm phát triển Bitcoin Core thì lại ủng hộ cho một giải pháp khác: Segregated Witness (SegWit). Giải pháp này giúp phân tách dữ liệu giao dịch và chữ ký đi kèm thành các phần khác nhau. Phần chữ ký có thể được “nén lại” và từ đó có thể nhét thêm nhiều giao dịch hơn nữa vào mỗi block bình thường (cái mà có kích thước 1 MB).

Quá trình đè nén như vậy có thể giúp Blockchain trở nên nhỏ hơn, tạo điều kiện để có thêm nhiều node hoạt động trên đó. Tuy nhiên, xuất hiện một số vấn đề sau. Thứ nhất, SegWit là một giải pháp kỹ thuật vô cùng phức tạp và nhiều khả năng sẽ còn tạo nên thêm nhiều thách thức cần giải quyết. Chẳng ai biết chắc rằng liệu hệ thống sẽ cần soft fork hay hard fork để triển khai nó hay không.

Vấn đề thứ hai là hầu hết các nhà phát triển trong đội ngũ Bitcoin Core đang làm việc cho một công ty tư nhân có tên Blockstream. Do đó, một bộ phận cộng đồng người dùng nghi ngờ đây là một âm mưa thâu tóm quyền lực của một công ty tư nhân đối với một dự án có bản chất cơ bản là phân quyền.

“Phân quyền” hay “phân phối”?

Bất chấp những bất cập trên nhiều khía cạnh, vấn đề cốt lõi của cuộc tranh luận giải quyết vấn đề quy mô suy cho cùng là để trả lời cho câu hỏi sau đây: “Bao nhiêu phân quyền thì mới là đủ?”

Chẳng ai biết câu trả lời chính xác cả. Khái niệm “phân quyền” dường như đã trở thành một thứ gì đó quá trừu tượng trong cộng đồng tiền thuật toán đến nỗi giờ đây không có ai hình dung được nó là gì nữa. Tuy nhiên, có thể hiểu đơn giản mạng lưới phân quyền là cái không thể được kiểm soát bởi bất kì thực thể hay nhóm thực thể nào và gần như là “miễn nhiễm” với các âm mưu tấn công chi phối như vậy.

Nói theo một cách triết lí thì một mạng lưới mà chứa trong đó hàng chục, hay hàng trăm nghìn node thì sẽ phân quyền vô cùng lí tưởng, nhưng sẽ không hợp lí. Những hệ thống như thế thì sẽ được liệt vào dạng “phân phối”, chứ không còn là “phân quyền”. Mạng lưới phân phối là cái mà được phân quyền với cấp độ cực kì lớn, nơi là tất cả các thành phần tham gia đều sở hữu một node. Nhưng xét đến những chi phí để vận hành node thì có thể nói rằng rất ít khả năng mạng lưới Bitcoin của chúng ta mang bản chất phân phối được.

Đồng thời, một dự án mà chỉ bao gồm vài chục node thì cũng không tài nào được gọi là phân quyền và có thể cưỡng lại các đợt tấn công nhằm giành quyền kiểm soát. Hiện tại trên mạng lưới Bitcoin đang tồn tại xấp xỉ 9200 node. Liệu như thế có là đủ để bảo vệ được tính phân quyền hay không? Thế còn 4000? Hay 1000?

Chính vì vậy, trước khi tiến tới thảo luận thêm về những cải tiến giúp mở rộng quy mô mạng lưới như Lightning Network, cộng đồng người dùng Bitcoin cần phải đạt được một sự đồng thuận và trả lời dứt điểm câu hỏi tuy đơn giản nhưng lại hết sức quan trọng:

Bao nhiêu phân quyền thì mới là đủ?

Theo CoinTelegraph

-09/08/2017
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là cổng thông tin tiền mã hóa bằng tiếng Việt nhanh nhất và chính xác nhất, mang lại cho độc giả cái nhìn tổng quan về lĩnh vực tiền mã hóa và tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68