Private Banking là một loại sản phẩm dịch vụ được phát triển cho tầng lớp giàu có trong xã hội. Vậy Private Banking có những điểm gì đặc biệt, các bạn hãy cùng Coin68 tìm hiểu thông qua bài viết này nhé!
Private Banking là gì? Việt Nam có Private Banking không?
Private Banking là gì?
Private Banking là các sản phẩm và dịch vụ tài chính được cá nhân hóa được cung cấp bởi các ngân hàng và tổ chức tài chính chủ yếu phục vụ cho các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao (HNWI - High Net Worth Individual). Dịch vụ này thường được cung cấp thông qua các bộ phận đặc biệt của ngân hàng như: Private Banker hoặc Relationship Manager (Quản lý quan hệ khách hàng).
Khác với các dịch vụ ngân hàng khác, Private Banking được cung cấp dựa trên cơ sở cá nhân hoá cho từng khách hàng khác nhau.
Các dịch vụ mà khách hàng nhận được từ Private Banking
Private Banking sẽ cung cấp cho khách hàng các dịch vụ:
-
Lãi suất ưu đãi và định giá trên tài khoản tiền gửi: Các khách hàng của Private Banking có thể đủ điều kiện hưởng lãi suất cao hơn trên tài khoản tiết kiệm, tài khoản séc có lãi suất và tài khoản thị trường tiền tệ.
-
Lập kế hoạch tài chính chung: Private Banker có thể hướng dẫn khách hàng thông qua các quyết định tài chính quan trọng, chẳng hạn như quyết định chi bao nhiêu cho một ngôi nhà hoặc khi nào bắt đầu tiết kiệm cho việc học của con cái.
-
Tư vấn đầu tư và quản lý tài sản: Private Banker thường đóng vai trò là nhà hoạch định tài chính và cố vấn bằng cách tư vấn cho khách hàng của họ về các khoản đầu tư.
-
Lập kế hoạch di sản: Khách hàng có thể trao đổi với Private Banker về cách thiết lập di chúc.
-
Cho vay: Khi khách hàng có nhu cầu muốn mua bất động sản đầu tư hoặc bất động sản thương mại họ có thể liên hệ với Private Banker của mình để được tư vấn về các khoản vay ưu đãi.
-
Lập kế hoạch thuế: Private Banker cũng có thể thay mặt khách hàng để xử lý các vấn đề về thuế nhằm làm giảm gánh nặng thuế.
-
Quản lý tín dụng và dòng tiền: Các tổ chức thường cung cấp cho các khách hàng các hạn mức tín dụng với lãi suất thấp. Private Banker có thể giúp tạo ra dòng tiền từ các tài sản kém thanh khoản để quản lý chi phí kinh doanh và tránh thua lỗ.
Lịch sử phát triển của Private Banking
Dịch vụ tài chính cho các khách hàng giàu có
Ngành ngân hàng bắt nguồn từ việc cung cấp một số dịch vụ mà ngày nay được coi là Private Banking. Các ngân hàng tư nhân đầu tiên ở Venice cung cấp các dịch vụ tài chính cá nhân cho các gia đình giàu có.
Theo truyền thống, các ngân hàng tư nhân được liên kết với các gia đình trong nhiều thế hệ. Họ thường tư vấn và thực hiện mọi dịch vụ tài chính, ngân hàng cho các gia đình này. Trong lịch sử, ngân hàng tư nhân đã phát triển ở Châu Âu. Một số ngân hàng ở châu Âu được biết đến với việc quản lý tài sản của một số gia đình hoàng gia. Ví dụ: Tài sản của Hoàng gia Anh được quản lý bởi Coutts Bank (ngân hàng này được thành lập năm 1692).
Thuỵ Sĩ - Cái nôi của dịch vụ Private Banking
Trong lịch sử, Private Banking được coi là một phân khúc thích hợp chỉ phục vụ cho tầng lớp giàu có, cụ thể là những người có tài sản trên 2 triệu USD. Bộ phận Private Banking của một tổ chức cung cấp các dịch vụ như quản lý tài sản, tiết kiệm, thừa kế và lập kế hoạch thuế cho khách hàng của họ. Đối với các dịch vụ Private Banking, số tiền mà khách hàng cần thanh toán cho ngân hàng dựa trên số lượng giao dịch, hiệu suất danh mục đầu tư hàng năm hoặc "phí cố định", thường được tính theo tỷ lệ lợi nhuận phần trăm hàng năm trên tổng số tiền đầu tư.
Kể từ Đại hội Vienna năm 1815 ,Thụy Sĩ vẫn luôn giữ chính sách trung lập xuyên suốt 2 cuộc chiến tranh thế giới. Sau Chiến tranh thế giới thứ I, các cựu quý tộc của Đế quốc Áo-Hung đã chuyển tài sản của họ sang Thụy Sĩ vì sợ bị các chính phủ mới tịch thu. Trong Thế chiến II, nhiều người giàu có, bao gồm cả các gia đình và tổ chức Do Thái, đã chuyển tài sản của họ vào Thụy Sĩ để bảo vệ họ khỏi Đức Quốc xã. Tuy nhiên, sau chiến tranh, những cá nhân thụ hưởng tài sản đã gặp những khó khăn nhất định trong việc lấy lại tài sản của họ. Sau Thế chiến II, ở Đông Âu, tài sản lại được chuyển vào Thụy Sĩ vì sợ bị chính quyền Cộng sản tịch thu.
Ngày nay, Thụy Sĩ vẫn là nơi lưu trữ tài sản nước ngoài lớn nhất, với khoảng 27% (2 nghìn tỷ USD) tài sản hải ngoại toàn cầu trong năm 2009, theo Boston Consulting Group.
Private Banking hoạt động như thế nào?
Một nhân viên ngân hàng với chức danh “Private Banker” sẽ được chỉ định cho mỗi khách hàng để xử lý mọi vấn đề. Private Banker sẽ xử lý mọi thứ, từ các nhiệm vụ liên quan, như sắp xếp một khoản thế chấp, cho đến thanh toán hóa đơn. Các dịch vụ chuyên biệt bao gồm chiến lược đầu tư và tư vấn lập kế hoạch tài chính, quản lý danh mục đầu tư, các lựa chọn tài chính tùy chỉnh, lập kế hoạch nghỉ hưu và chuyển giao tài sản cho các thế hệ tương lai.
Ưu điểm và nhược điểm của Private Banking
Ưu điểm
Sự riêng tư
Quyền riêng tư là lợi ích chính của Private Banking. Các ngân hàng thường cung cấp cho những khách hàng giàu có của mình các giải pháp độc quyền phù hợp, đồng thời thông tin cá nhân của khách hàng cũng sẽ được bảo mật cẩn thận.
Giá ưu đãi
Các khách hàng của dịch vụ Private Banking sẽ nhận được mức giá chiết khấu hoặc ưu đãi đối với các sản phẩm và dịch vụ. Ví dụ: họ có thể nhận được các điều khoản đặc biệt hoặc lãi suất cơ bản đối với các khoản thế chấp, khoản vay đặc biệt hoặc hạn mức tín dụng (LOC). Tài khoản tiết kiệm của họ có thể tạo ra lãi suất cao hơn và không bị tính phí. Ngoài ra, những khách hàng điều hành các liên doanh xuất nhập khẩu hoặc kinh doanh ở nước ngoài có thể nhận được tỷ giá hối đoái thuận lợi hơn cho các giao dịch của họ.
Được tiếp cận với nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn
Các ngân hàng tư nhân thường cung cấp cho khách hàng nhiều cơ hội mà nhà đầu tư nhỏ lẻ bình thường không có được. Ví dụ: một HNWI có thể được cấp quyền tiếp cận với một quỹ phòng hộ độc quyền hoặc một công ty cổ phần tư nhân.
One-Stop-Shop
Khách hàng của dịch vụ Private Banking sẽ chỉ cần liên hệ với một nhân viên duy nhất để có thể sử dụng tất cả các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng.
Mang lại doanh thu đáng kể cho ngân hàng cung cấp dịch vụ
Ngân hàng hoặc công ty môi giới được hưởng lợi từ việc bổ sung tiền của khách hàng vào tổng tài sản được quản lý (AUM) của họ. Ngoài ra, ngân hàng cũng sẽ nhận được một khoản phí khá đáng kể đến từ quản lý việc danh mục đầu tư, lãi suất của các khoản vay từ khách hàng sử dụng dịch vụ Private Banking.
Nhược điểm
Số lượng sản phẩm, dịch vụ bị hạn chế
Các ngân hàng có thể cung cấp dịch vụ pháp lý, thuế và đầu tư khác nhau nhưng chúng có thể không sáng tạo hoặc chuyên nghiệp như những dịch vụ được cung cấp bởi các chuyên gia về các loại hình đầu tư khác nhau.
Ràng buộc pháp lý đối với ngân hàng
Private Banking có thể mang lại lợi nhuận cao nhưng nó cũng có thể đặt ra những thách thức cho tổ chức. Các ngân hàng tư nhân đã phải đối phó với một môi trường pháp lý hạn chế kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Đạo luật Bảo vệ Người tiêu dùng và Cải cách Phố Wall Dodd-Frank, cùng với các luật khác được thông qua ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới, đã dẫn đến mức độ minh bạch cao hơn và trách nhiệm giải trình. Có nhiều yêu cầu cấp phép nghiêm ngặt hơn đối với các Private Banker giúp đảm bảo khách hàng được tư vấn phù hợp về tài chính của họ.
Dịch vụ Private Banking tại Việt Nam
Tại Việt Nam, đã có nhiều ngân hàng cung cấp dịch vụ Private Banking như Vietcombank, MB Bank, BIDV, ... Theo báo cáo từ Knight Frank năm 2022, tập đoàn tư vấn bất động sản hàng đầu thế giới, dân số siêu giàu tại Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng mạnh lên đến 26% cho đến năm 2026. Số liệu này cho thấy lĩnh vực Private Banking còn rất nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.
Tổng Kết
Tóm lại, Private Banking là dịch vụ ngân hàng được cá nhân hoá cho tầng lớp giàu có trong xã hội. Thông qua bài viết này, Coin68 hy vọng rằng các bạn đã phần nào nắm được những khái niệm cơ bản về Private Banking. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết sau.