Top trending tuần qua trong giới crypto chắc chắn là Bitcoin. Mọi sự chú ý đều tập trung về người anh cả của thị trường khi chứng kiến tuần tăng thứ 7 liên tiếp, một dấu hiệu cực kỳ bullish. Đây là lần thứ 2 trong năm 2020 BTC đạt được cột mốc này, sau chuỗi phục hồi hậu Covid tháng 3-4. Kỷ lục trên thậm chí đã đánh bại đỉnh 2017, khi ấy chỉ duy trì đà tăng được 5 tuần. Trong lịch sử 11 năm, Bitcoin chỉ vượt trên mức hiện tại $18,700 chưa tới 2 ngày.
Vậy động lực nào đang duy trì đà tăng trưởng lần này cho Bitcoin? Giống và khác gì so với 2017? Trước khi chúng ta bắt đầu, bạn hãy chọn cho mình một chiếc ghế êm ái cùng tách trà và bánh trái, vì ta sẽ có một bài viết dài.
Bản chất
Điểm giống nhau của các cuộc Bullrun là đều được thúc đẩy bởi hiệu ứng mạng – Network Effect. Hiệu ứng mạng xảy ra khi một mạng lưới, một sản phẩm hay tài sản càng trở nên giá trị khi càng có nhiều người dùng hay tin tưởng vào nó. Ví dụ gần gũi nhất chính là hệ điều hành trên thiết bị bạn đang dùng để đọc dòng này, nếu không phải Window của Microsolf thì sẽ là macOS/IOS của Apple hoặc Android của Google.
Hiệu ứng mạng của Bitcoin bắt nguồn từ việc nhiều người coi nó là tài sản lưu trữ giá trị, do đó, khuyến khích các miner vận hành máy đào để bảo mật mạng Bitcoin. Với Ethereum, Hiệu ứng mạng là từ các dự án triển khai ứng dụng trên Ethereum. Còn với cộng đồng crypto, nói theo cách bình dân thì đấy nôm na là FOMO.
Nhắc về thời điểm FOMO nhất của thị tường crypto năm 2017 chắc chắn phải kể đến ICO, một cơn sốt đầu tư crypto khi nhà nhà “đánh coin nào thắng coin đó”. Tâm lý tham lam bao trùm toàn thị trường. Bitcoin không thể đứng ngoài vòng xoáy ấy. Có những ngày, Bitcoin nhảy giá $1,000 trong 1 giờ, thậm chí chỉ trong vài phút. Nếu Hiệu ứng mạng là lửa thì ICO chính là xăng.
Thứ gì nhanh đến rồi cũng nhanh đi.
Mọi thứ diễn ra sau đó hẳn chúng ta đều đã biết. Trở về thực tại năm 2020, hiệu ứng mạng về bản chất vẫn còn đó, nhưng chúng ta đang được chứng kiến những hình thái tăng trưởng khác so với chu kì tăng trưởng của ba năm trước.
Chất rượu cũ – Nhưng bình mới siêu to khổng lồ
Để thấy rõ sự phát triển của “chiếc bình” chứa BTC, Coin68 so sánh 3 yếu tố cơ bản tạo nên đợt sóng BTC của năm 2017 và 2020 gồm: Hashrate, Trung Quốc và Cá Voi.
Đầu tiên là Hashrate, yếu tố đánh giá sức mạnh của mạng lưới Bitcoin hay khả năng giải thuật toán của các Bitcoin miner. Hashrate càng cao chứng tỏ Bitcoin blockchain càng mạnh, hay hiểu nôm na là càng có nhiều người tin vào tiềm năng tăng giá của BTC (thì người ta mới bỏ tiền mua/vận hành máy đào BTC). Biểu đồ trên cho thấy mức hashrate hiện tại đang vượt xa thời điểm giá BTC ở đỉnh 2017.
Trung Quốc là yếu tố tiếp theo. Xu hướng dễ nhận thấy nhất chính là việc các pool đào lớn từ Trung Quốc đang tìm cách phân bổ lại nguồn lực của mình sang các quốc gia khác, trước các chính sách quản lý ngày càng siết chặt hơn từ chính quyền nước này. Như biểu đồ bên dưới, chúng ta có thể nhận ra sự tăng trưởng hashrate từ các thị trường Nga, Mỹ, Kazakhstan, Malaysia và Iran, là kết quả của tỷ trọng giảm sút từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, đây chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Các miner Trung Quốc đang rất khó khăn trong việc bán BTC họ đã đào được ra tiền mặt vì các sàn trong nước bị chính phủ kiểm sát gắt gao. Có thể nói việc Trung Quốc đang mạnh tay với các sàn giao dịch crypto trong nước (để mở đường cho CBDC?) đã làm giảm thanh khoản BTC của miner, gián tiếp giảm nguồn cung BTC ra thị trường, thúc đẩy BTC tăng giá.
Cá voi là yếu tố cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng. cá voi ở đây ám chỉ giới đầu tư tổ chức vào crypto, bao gồm các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp đại chúng, thậm chí là cá nhân các tỷ phú, triệu phú. Theo thống kê từ Glassnode, số lượng ví Bitcoin chứa trên 1,000 BTC, đại diện cho những tay to, đang ở mốc cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Thậm chí tại thời điểm BTC lập đỉnh cuối năm 2017, số ví trên 1,000 BTC khi ấy vẫn không cao như hiện tại.
Điều này giúp chúng ta có được một suy luận rằng: Có chăng bullrun 2020 có động lực từ các quỹ lớn đang ôm Bitcoin nhiều hơn. Khác với hồi 2017 khi đa phần niềm tin vào thị trường crypto còn nằm trong những cộng đồng đơn lẻ. Để củng cố cho suy luận trên, hãy cùng đánh giá yếu tố (1) Thói quen đầu tư, giao dịch của các quỹ đầu tư – Cá voi và (2) Phong cách đầu tư và chỉ số đại diện cho nhà đầu tư đơn lẻ – Cá con.
1. Cá voi:
- Không giao dịch BTC nhiều trên sàn
- Giao dịch chủ yếu là OTC (hay có thể hiểu là sang tay cá voi khác)
- Trữ BTC trong ví blockchain, hoặc thông qua bên dịch vụ lưu ký (như Coinbase Custody)
- Tham gia vào thị trường crypto theo cách truyền thống: thông qua các quỹ đầu tư được cấp phép (như Grayscale) bằng cách mua chứng chỉ quỹ của họ chứ không trực tiếp HODL Bitcoin.
- Trường phái đầu tư: dài hạn, DCA để vào từng khoảng giá phù hợp. Âm thầm, tránh gây sốc giá thị trường nếu mua bán qua sàn.
Thật vậy, dữ liệu thu thập trên chuỗi blockchain của Bitcoin cho thấy: tuy số lượng cá voi (ví trữ >1,000 BTC) đang tăng, số lượng Bitcoin trên các sàn giao dịch lại giảm. Đáng chú ý, xu hướng trên ngày càng trở nên rõ rệt sau cú sốc thị trường the Black Thursday từ Covid-19 từ trung tuần tháng 3. Điều này cùng tin tức các quỹ đầu tư lớn như Grayscale đang mua thêm nhiều Bitcoin và ra mắt thêm các quỹ crypto khác như Litecoin, Bitcoin Cash, chúng ta có thể tự tin nhận định cá voi đã và đang rất tích cực tham gia thị trường crypto trong năm nay.
2. Cá con:
- Giao dịch chủ yếu qua sàn giao dịch (crypto – crypto – fiat)
- Cũng trữ BTC trong ví blockchain, nhưng tự bảo quản, tự kiểm soát
- Tham gia thị trường thông qua các sàn giao dịch hoặc tổ chức uy tín (như PayPal, BitPay)
- Trường phái đầu tư: phần đông là trading ngắn-trung hạn, dễ ra vào thị trường mỗi khi có biến động mạnh. Như hình dưới ta sẽ thấy sự sụt giảm nghiêm trọng số lượng cá con trong cú dump ngay sau khi BTC lập đỉnh 2017.
Glassnode thống kê rằng số lượng ví BTC mới mở trong năm 2020 có tăng so với hai năm trước; Tuy nhiên vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với đỉnh BTC giai đoạn cuối 2017. Nguyên do thứ nhất đến từ việc có ít NĐT cá nhân mới tham gia thị trường crypto hơn. Từ khóa “Bitcoin” không còn là top trending như so với thời điểm FOMO 2017 nữa.
Nguyên do thứ hai là sự tham gia thị trường của các đơn vị trung gian thanh toán (như PayPal) đã giúp NĐT cá nhân dễ dàng “sở hữu” Bitcoin hơn. “Sở hữu” ở đây thực sự là Paypal sở hữu BTC thực trên chuỗi thay cho người dùng của họ, tương tự như cách giới cá voi tham gia thị trường thông qua các quỹ đầu tư.
Xâu chuỗi các quan sát và lập luận ở trên, từ Hashrate, miner Trung Quốc đến các hành vi của Cá voi, chúng ta có thể thấy rõ việc tăng giá thị trường crypto năm 2020 khác nhau như thế nào so với cú bullrun 2017. Trạng thái tăng của BTC lên gần $19k cũng rất khác so với 2017: từ từ chậm rãi chứ không còn tăng nhanh giảm mạnh. Tuy nhiên hãy nhớ rằng: mọi cuộc bullrun đều do Hiệu ứng mạng. Chung quy lại cho bullrun 2020 này:
Khi cá voi FOMO chỉ có thể là MOON.
Phân tích kỹ thuật thay lời kết
Có một thống kê chỉ ra rằng, số giờ Bitcoin trên giá $19,000 chỉ là 24 tiếng, trên giá $19,500 chỉ là 6 tiếng. Đánh giá về yếu tố phân tích kỹ thuật, thì cản 19k-19k5 không phải là một cản quá mạnh khi xét đến khối lượng giao dịch – volume D1 hiện tại đang gấp 6 lần so với thời điểm đỉnh 2017. Thậm chí nếu BTC có thể phá vỡ kháng cự tồn tại suốt 3 năm này, kháng cự sẽ trở thành một hỗ trợ cứng cho xu hướng dài hạn tính theo năm.
Vậy nên những ngày này hãy theo dõi thị trường cùng các phân tích từ Coin68 và lên kế hoạch chi tiết cho bản thân dù bull run 2020 có thành hay không bạn nhé.
Đội ngũ Coin68
Có thể bạn quan tâm: