Cơ quan quản lý tài chính Nhật Bản dự kiến phân loại crypto thành sản phẩm tài chính, mở rộng luật cấm giao dịch nội gián nhằm siết chặt quản lý.
Nhật Bản chuẩn bị phân loại crypto thành sản phẩm tài chính
Không chỉ dừng ở việc cân nhắc đưa crypto vào danh mục sản phẩm tài chính vào đầu tháng 02/2025, Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản (FSA) đã chính thức tiến hành soạn thảo đề xuất sửa đổi Đạo luật Công cụ Tài chính và Giao dịch (Financial Instruments and Exchange Act) nhằm áp dụng các tiêu chuẩn quản lý nghiêm ngặt hơn đối với tài sản tiền mã hóa.
金融庁、仮想通貨にインサイダー規制 金商法改正へhttps://t.co/D9drdO2laB
— 日本経済新聞 電子版(日経電子版) (@nikkei) March 30, 2025
現在は法的に資金決済手段として扱われています。金融商品取引法を改正して金融商品として位置づけ、不公正な取引を防ぐための法律を整備します。
Dự luật này dự kiến sẽ được trình lên Quốc hội sớm nhất vào năm 2026, sau khi hoàn tất các vòng phân tích kín với giới chuyên gia. Nếu được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên luật pháp Nhật Bản chính thức xác lập vị thế đầu tư cho crypto, thay vì chỉ coi đây là phương tiện thanh toán như hiện nay.
Hiện tại, Bitcoin và các đồng tiền mã hóa khác tại Nhật vẫn được xếp loại là phương tiện thanh toán theo Luật Dịch vụ Thanh toán (Payment Services Act), khung pháp lý đã được ban hành từ năm 2016 sau vụ sụp đổ của Mt.Gox. Tuy nhiên, trước làn sóng tăng trưởng mạnh mẽ cùng số lượng tài khoản giao dịch bùng nổ, giới lập pháp cho rằng đã đến lúc cần một khung pháp lý toàn diện và bắt kịp thời cuộc hơn.
Một trong những điểm thay đổi đáng chú ý nhất nếu dự luật được thông qua là không chỉ các sàn giao dịch, mà tất cả các công ty, tổ chức kêu gọi vốn hoặc tiếp thị đầu tư crypto cũng sẽ phải đăng ký với FSA.
FSA cho biết mục tiêu chính là chống lại các hành vi lừa đảo tài chính đội lốt đầu tư crypto, đồng thời đảm bảo rằng chỉ những tổ chức có đăng ký, được kiểm soát mới được phép tiếp cận công chúng với vai trò cung cấp dịch vụ tài chính liên quan đến crypto.
Trong báo cáo, FSA nhấn mạnh rằng quy định mới sẽ được áp dụng đối với tất cả các công ty cung cấp dịch vụ cho công dân Nhật Bản, bất kể họ đặt trụ sở ở đâu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khả năng thực thi đối với các doanh nghiệp hoạt động từ nước ngoài vẫn còn là dấu hỏi lớn.
Một thách thức khác là xác định phạm vi tài sản crypto sẽ chịu điều chỉnh bởi crypto bao gồm từ những đồng coin phổ biến như Bitcoin cho đến các memecoin mang tính chất đầu cơ cao, thiếu tính ổn định và minh bạch.
Bên cạnh đó, nếu crypto được phân loại lại thành sản phẩm tài chính tại Nhật Bản, các hoạt động liên quan bao gồm cả giao dịch nội gián, kêu gọi đầu tư và tư vấn tài chính đều sẽ phải tuân theo các quy định tương tự như với cổ phiếu, trái phiếu và chứng khoán truyền thống. Nguồn tin từ Nikkei cho biết:
"Quy định mới về giao dịch nội gián sẽ tương tự như với các sản phẩm tài chính truyền thống, nhằm bảo vệ nhà đầu tư và gia tăng tính minh bạch trên thị trường crypto."
Theo số liệu từ Nikkei, tính đến tháng 01/2025, Nhật Bản đã có khoảng 7,34 triệu tài khoản giao dịch crypto đang hoạt động, gấp hơn 3 lần so với 5 năm trước. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này đến từ nhiều nền tảng giao dịch thân thiện với người dùng, đặc biệt là các ứng dụng trên smartphone, làm thay đổi thói quen tiếp cận tài sản số của người dân Nhật.
Việc phân loại crypto thành sản phẩm tài chính đầu tư cho thấy chính phủ Nhật Bản đang chuyển sang cách tiếp cận sâu sát và chuyên nghiệp hơn trong quản lý thị trường tài sản số, thay vì chỉ xem đây là công cụ thanh toán như trước. Động thái này không chỉ thể hiện quyết tâm siết chặt khung pháp lý, mà còn mở đường cho các tổ chức tài chính lớn tham gia, góp phần củng cố độ ổn định và nâng cao niềm tin vào thị trường crypto tại Nhật Bản.
Không chỉ Nhật Bản, nhiều quốc gia khác cũng đang tăng tốc hợp pháp hóa thị trường tiền mã hóa. Đầu tháng 03/2025, Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc (FSC) thông báo sẽ ban hành bộ khung đầu tư crypto dành cho tổ chức vào quý III, chính thức mở đường cho các ngân hàng và doanh nghiệp tài chính tham gia thị trường một cách hợp pháp.
Ở vùng biển Caribbean, quần đảo Cayman – thiên đường pháp lý quen thuộc với các công ty crypto – đã siết chặt quản lý khi yêu cầu toàn bộ nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) hoạt động trong mảng lưu ký và giao dịch phải đăng ký cấp phép với Cơ quan Tiền tệ Cayman (CIMA).
Tại Việt Nam, trong tháng 3, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ dự thảo khung pháp lý cho tiền số, trong đó có đề xuất thí điểm sàn giao dịch tài sản số. Động thái này diễn ra sau khi Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương về định hướng tăng trưởng kinh tế, trong đó nhấn mạnh cần triển khai cơ chế sandbox có kiểm soát cho lĩnh vực tài sản số.
Coin68 tổng hợp