Các ngân hàng trung ương đang trong cuộc đua xây dựng khung pháp lý nhằm tận dụng tối đa tiềm năng của tiền điện tử cũng như blockchain trong tương lai gần, và trong cuộc đua đó, những quốc gia châu Á đang dẫn trước một khoảng các đáng kể. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục vào năm 2020 khi các quốc gia phương Tây bị sa lầy bởi sự quan liêu của chính mình.
Ngành công nghiệp tiền điện tử mới chỉ có tuổi đời một thập kỷ nhưng đã đi được một chặng đường dài kể từ khi những đồng Bitcoin đầu tiên được tạo nên bằng dàn máy cũ kĩ trong tầng hầm của một lập trình viên tò mò nào đó. Ngày nay, các quốc gia phương Đông đang cạnh tranh để trở thành trung tâm tiền điện tử và blockchain trong khi Hoa Kỳ cùng những quốc gia ở lục địa già có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.
Gió thổi từ phương Đông
Một số nhân vật hàng đầu trong ngành công nghiệp blockchain đã phát biểu quan điểm của họ về bối cảnh hiện tại của ngành công nghiệp này ở châu Á. Các quốc gia với nền tảng tài chính – dịch vụ tốt như Singapore đã nổi lên như một lựa chọn hàng đầu cho các công ty fintech trong việc tiếp cận thị trường Đông Nam Á với khoảng 600 triệu dân.
Đạo luật Dịch vụ thanh toán, được mô tả là khung pháp lý toàn diện nhất để quản lý các doanh nghiệp tiền điện tử và blockchain cho đến nay, sẽ có hiệu lực vào ngày 28 tháng 1. Đạo luật này sẽ củng cố vị trí của Singapore như một trung tâm tài chính thực sự đồng thời mở toang cánh cửa đầu tư vào một lĩnh vực hoàn toàn mới.
Giám đốc điều hành Xifts Liu Tianwei tuyên bố rằng năm 2020 đánh dấu sự khởi đầu của tiền điện tử có thể hoạt động như một loại tài sản. Các khung pháp lý rõ ràng trong khu vực ASEAN sẽ tiếp tục thu hút sự đổi mới và phát triển blockchain.
Đồng thời, việc chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh sự phát triển về blockchain ở tất cả các cấp cũng sẽ thúc đẩy tiến bộ công nghệ trên khắp châu Á, đồng sáng lập CoinGecko, Bobby Ong, phát biểu.
Người sáng lập Etherscan Matthew Tan nhìn thấy một tương lai xán lạn cho thị trường tài chính phi tập trung trong khu vực, nhấn mạnh:
Xu hướng DeFi sẽ tiếp tục phát triển trong năm nay, các nền tảng đa chuỗi sẽ hoạt động thậm chí còn mạnh mẽ hơn cộng với việc Bitcoin halving trong năm nay sẽ mang đến nhiều biến động cũng như cơ hội cho các nhà đầu tư.
CTO BitGo, Ben Chan, cho rằng bóng đêm của một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đang đẩy các chính phủ lại gần hơn với những đồng tiền số được phát hành bởi ngân hàng trung ương (CBDCs).
Và các ngân hàng trung ương ở châu Á cũng đang đi trước
Trung Quốc đã dẫn đầu cuộc đua này và với năm năm nghiên cứu và phát triển, họ đã đẩy công nghệ này lên một tầm cao mới, đây có thể là quốc gia đầu tiên ra mắt CBDC.
PBoC: Đồng tiền kỹ thuật số của Trung Quốc đang được phát triển một cách “suôn sẻ”
Vào ngày 1 tháng 1, một đạo luật mới điều chỉnh việc quản lý mật khẩu mã hóa đã ra đời nhằm mục đích giảm các lỗ hổng trong hệ thống mạng của Trung Quốc trên phạm vi toàn quốc.
Các báo cáo cho thấy bộ luật mới đang mở đường cho việc ra mắt đồng nhân dân tệ điện tử của quốc gia này. Một thông cáo báo chí chính thức vào tuần trước phát biểu rằng việc nghiên cứu đồng tiền số quốc gia được hậu thuẫn bởi Chính phủ và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang có tiến độ rất tốt.
Nhưng Trung Quốc dĩ nhiên chẳng phải quốc gia duy nhất nhận thấy được những tiềm năng của tiền điện tử, các ngân hàng trung ương ở Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã công bố nghiên cứu sơ bộ về CBDC của riêng họ.
Trong khi đó, ở phương Tây, mọi thứ đang tiến triển với tốc độ như rùa bò khi các nhà quản lý Hoa Kỳ tiếp tục trì hoãn việc phân loại các tài sản mã hóa. Đồng thời, bối cảnh chính trị nội bộ rối ren cũng những xung đột bên ngoài biên giới quốc gia cũng không cho phép các quốc gia phương Tây dành quá nhiều sự quan tâm đến một công nghệ còn mới mẻ và chưa chứng minh được quá nhiều như blockchain. Dẫu vậy, nếu chờ đến khi những tiềm năng của Blockchain nở rộ, có thể là đã quá muộn cho những kẻ đi sau.
Xem thêm: Coin68 Blog: Liệu một Trung Quốc thân thiện với Blockchain có phải là điều tốt?
Theo BeInCrypto