Chính quyền Hoa Kỳ đã thành công trong việc bắt giữ kẻ đứng sau đường dây phân phối ma túy qua các chợ đen như "Silk Road" và thanh toán bằng Bitcoin.
Mỹ buộc tội kẻ cầm đầu đường dây buôn chất cấm bằng crypto qua chợ đen internet
Theo Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DoJ), Banmeet Singh, một cá nhân 40 tuổi đến từ Haldwani (Ấn Độ), đã nhận tội điều hành mạng lưới phân phối hàng trăm kg ma túy bất hợp pháp cũng như hàng chục ngàn loại thuốc cấm khác trị giá hàng triệu đô la.
Cơ quan Phòng chống ma túy Mỹ (DEA) cho biết sự việc có liên quan đến vụ thu giữ tài chính tiền mã hóa trị giá 150 triệu USD, được đánh giá là lớn nhất trong lịch sử DEA.
Dark Web Vendor Pleads Guilty to Distributing Narcotics and Forfeits $150Mhttps://t.co/00eoJv0RIn pic.twitter.com/jhDUjHMyWR
— Criminal Division (@DOJCrimDiv) January 26, 2024
Tài liệu của Toà án Hoa Kỳ tiết lộ doanh nghiệp bất hợp pháp của Singh hoạt động từ giữa năm 2012 đến tháng 07/2017, đã sử dụng nhiều nền tảng dark web khác nhau như Silk Road, Alpha Bay, Hansa và nhiều trang khác để tiếp thị bán hàng loạt các chất cấm bao gồm fentanyl, thuốc lắc, Xanax, Ketamine...
Khách hàng sẽ đặt mua hàng cấm thông qua các trang web được điều hành bởi Singh và thanh toán trực tuyến bằng tiền mã hóa. Sau đó, Singh sẽ chuyển thông tin đặt hàng tới cho các đơn vị phân phối phía dưới để vận chuyển các loại thuốc này.
Singh sở hữu ít nhất 8 nhà phân phối hoạt động trải rộng trên nhiều tiểu bang khác nhau tại Hoa Kỳ, bao gồm Ohio, Dakota, Florida, Maryland, New York và Washington. Các đơn vị phân phối của Singh còn chịu trách nhiệm nhận các lô hàng thuốc cấm từ nước ngoài, đóng gói rồi phân phối chúng trên tất cả 50 bang, cũng như các điểm đến quốc tế như Anh, Canada, Ireland, Scotland...
Singh bị bắt tại London (Anh Quốc) vào tháng 04/2019. Cơ quan Tội phạm Vương quốc Anh (NCA), Dịch vụ Công tố Hoàng gia (CPS) và Cơ quan Trung ương (UKCA) đã hỗ trợ đáng kể trong việc bắt giữ và dẫn độ Singh về Mỹ vào năm 2023 để chờ phán quyết.
Cho đến ngày 26/01/2024 vừa qua, Banmeet Singh đã chính thức nhận tội âm mưu phân phối các chất cấm, âm mưu rửa tiền và sẽ giao nộp lại 150 triệu USD tiền mã hóa.
Silk Road có thể coi là một trong 10 “vết nhơ” không thể xóa nhòa, đánh dấu ứng dụng đầu tiên của Bitcoin, nhưng lại bị gắn với sự "tiêu cực".
Trong suốt 30 tháng tồn tại, Silk Road đã giao dịch 9,9 triệu BTC (tương đương 500 tỷ USD) trước khi bị FBI “sờ gáy”. Vụ việc Silk Road vẫn còn ám ảnh dai dẳng đến tận ngày hôm nay, khi mà Bộ Tư pháp Mỹ tịch thu gần 1 tỷ USD tiền BTC từ ví Bitcoin lớn thứ 4 thế giới – với cáo buộc ví này thuộc quyền sở hữu của Silk Road.
Chính quyền Mỹ hiện vẫn đang nắm giữ hơn 207.000 BTC tang vật thu giữ từ các hoạt động trấn áp tội phạm, trị giá gần 9 tỷ USD. Vào tháng 03/2023, giới chức xứ cờ hoa đã tiến hành bán 9.800 BTC, thu về 261 triệu USD.
Coin68 tổng hợp
Tham gia thảo luận về những vấn đề NÓNG HỔI nhất của thị trường DeFi tại nhóm chat Fomo Sapiens cùng các admin Coin68 nhé!!!