Mt. Gox chắc chắn sẽ luôn có một vị thế khét tiếng trong lịch sử hình thành và phát triển của Bitcoin khi từng một thời là sàn giao dịch lớn nhất thế giới nhưng sau đó lại sập đổ trong sự khó hiểu cùng phẫn nộ của người dùng.
Tháng 02/2014, chỉ cách đây hơn 4 năm chút xíu thôi, là quãng thời gian đầy lo âu khi sàn giao dịch dần chuẩn bị những bước cuối cùng để chính thức đệ đơn phá sản. Mt. Gox tuyên bố rằng gần 750.000 đồng Bitcoin của khách hàng, cũng như kho 100.000 BTC của sàn, đã “không cánh mà bay”. Lượng tiền thất thoát khi ấy chiếm đến 7% nguồn cung hiện thời của Bitcoin, trị giá khoảng 473 triệu USD theo tỉ giá mua bán lúc ấy.
Theo suốt chiều dài “Kỳ án Mt. Gox” này, đã có rất nhiều câu hỏi và thắc mắc nổi lên, và thị trường tiền điện tử đã tốn mất mấy năm trước khi có thể phục hồi hoàn toàn từ vụ việc này, nhưng mặc dù vậy, đến tận ngày này, ta vẫn có thể cảm nhận được những dư âm xuất phát tiền số tiền mà đã bị “mất cắp”.
Nguồn gốc của sàn giao dịch lớn nhất thế giới
Mt. Gox chính thức được ra mắt hồi năm 2010 bởi lập trình viên người Mỹ Jed McCaleb (người mà sau đó còn là “cha đẻ” của 2 đồng tiền điện tử nổi tiếng khác là Ripple và Stellar Lumens). Tuy nhiên, đến tháng 03/2011, sàn được mua lại bởi một nhà phát triển người Pháp tên Mark Karpeles. Cái tên Mt. Gox cụ thể là viết tắt cho “Magic The Gathering Online eXchange”.
Mark Karpeles vừa mới xuất hiện trên một chương trình phỏng vấn radio hồi ngày 06/03, trong đó anh đã tóm tắt lại con đường lập nghiệp và gặt hái thành công cũng như tai tiếng của mình và công ty.
“Cảm giác như kiểu … khi bạn rơi từ một toà cao ốc và thấy mặt đất ngày càng gần hơn, cứ như kiểu bạn sắp chết vậy. Mt. Gox đã đi từ một dự án hết sức thú vị để trở thành một cơn án mộng thường trực đối với các ngân hàng, chính quyền cùng những người mà tôi không hề hay biết là có tồn tại.”
Ở thời điểm cực thịnh, cứ mỗi 10 giao dịch Bitcoin thì 7 trong số ấy được luân chuyển qua hệ thống xử lí của Mt. Gox.
Tôi thật lòng xin lỗi vì mọi chuyện xảy ra khi tôi đang là quản lý.
Vụ hack đầu tiên
Sự kiện tấn công Mt. Gox 2014 được biết đến rộng rãi khắp cộng đồng người dùng tiền điện tử, và ảnh hưởng của nó vẫn có thể được cảm nhận ở hiện tại, nhưng ít ai biết rằng sàn đã bị hack ngay từ năm 2011. Nó nhiều khả năng diễn ra thông qua một chiếc máy tính bị xâm nhập thuộc về một đơn vị kiểm toán làm việc cho công ty.
Ở thời điểm khi ấy, bọn tin tặc truy cập vào hệ thống sàn để tự tay thay đổi giá trị danh nghĩa của 1 BTC lên thành 1 cent rồi sau đó lấy trộm khoảng 2.000 Bitcoin từ tài khoản khách hàng.
Thống trị 80% thị phần
Bất chấp sự cố ban đầu trên, Mt. Gox nhanh chóng phát triển và đến năm 2013 đã trở thành sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới, có lúc xử lí đến 80% số thương vụ mua bán Bitcoin toàn cầu.
Trong khi công ty đang thiết lập sự hiện diện vững chắc của mình trên thị trường, tình hình nội bộ của sàn bắt đầu lục đục.
Năm 2013, Coinlab, một trong những đối tác kinh doanh trước đây của sàn, kiện Mt. Gox đòi lấy 75 triệu USD, cho rằng họ đã vi phạm hợp đồng. Giao kèo giữa hai bên thống nhất là Coinlab sẽ được quyền tiếp nhận các khách hàng là công dân Mỹ của Mt. Gox, tuy nhiên chuyện này đã không bao giờ diễn ra.
Bên cạnh đó, Văn phòng Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ cho biết một công ty con của Mt. Gox hoạt động tại Mỹ mà chưa được cấp phép nên do đó, là một đơn vị chuyển tiền trái phép.
Theo sau quá trình điều tra, Bộ An ninh Nội địa đã thu giữ hơn 5 triệu đô từ tài khoản công ty.
“Vết nhơ” trong lịch sử Bitcoin
Cái mà gọi là vụ hack khiến Mt. Gox sụp đổ cho đến ngày nay vẫn bao mình trong vô vàn bí ẩn khi mà đã có quá nhiều sự kiện diễn ra trong tháng 02/2014 khi ấy.
• Ngày 14/02/2014: Mt. Gox dừng mọi hoạt động rút tiền do trục trặc giao dịch. “Một lỗi trong phần mềm Bitcoin giúp người ta có thể sử dụng mạng lưới để thay đổi chi tiết thương vụ, từ đó biến một giao dịch gửi Bitcoin giữa các ví với nhau trở nên như chưa từng diễn ra,” thông báo của sàn khi ấy viết.
• Ngày 17/02: Khả năng rút tiền vẫn chưa được khôi phục lại khi sàn bày ra các bước để giải quyết vấn đề an ninh trên.
• Ngày 23/02: Mark Karpeles từ chức khỏi Bitcoin Foundation. Cùng ngày hôm ấy, tất cả bài đăng của tố chức này trên trang Twitter bị gỡ sạch.
• Ngày 24/02: Mọi hoạt động mua bán trao đổi đều bị đình trệ và website của sàn sập hoàn toàn. Một tài liệu nội bộ rò rỉ lên mạng cho hay công ty đã không còn khả năng thanh toán sau khi đã mất tổng cộng 744.408 Bitcoin trong một vụ trộm mà đã không bị phát hiện suốt cả mấy năm trời.
• Ngày 25/02: Mt. Gox thông báo trên website là “đã có quyết định đóng tất cả giao dịch trong thời gian hiện tại”, lấy lí do “các báo cáo gần đây có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của sàn”.
• Ngày 28/02: Mt. Gox chính thức đệ đơn xin được bảo hộ phá sản lên thành phố Tokyo, sau đó vào ngày 09/03, tiếp tục xin bảo hộ phá sản tại Mỹ.
- Xem thêm: Top 10 “vết nhơ” của Bitcoin: từ đánh bạc, mánh khóe Ponzi cho đến “mẹ của tất cả trò lừa đảo” Mt. Gox
Tháng 2 năm ấy đã làm thế giới Bitcoin rung lắc thật sự vì Mt. Gox sập đổ quá nhanh, để lại hàng trăm, hàng nghìn người dùng trắng tay, bối rối chưa hiểu chuyện gì đang diễn ra và giận dữ tột độ. Từ tháng 2 đến cuối tháng 3 năm 2014, giá trị đồng tiền điện tử Bitcoin tụt thê thảm 36%.
Hậu quả
Những dư chấn từ vụ tấn công không chỉ ảnh hưởng đến Mt. Gox cùng nền tảng khách hàng của mình, mà còn đeo bám cả vị CEO Mark Karpeles.
Người đứng đầu sàn giao dịch này đã bị cảnh sát Nhật Bản bắt giữ lại vào năm 2015, chỉ ít lâu sau khi được thả ra, và bị cáo buộc lừa đảo và biển thủ công quỹ – những tội danh không có liên hệ trực tiếp với vụ hack. Anh ngồi tù đến tháng 07/2016, trước khi được xin bảo lãnh để tại ngoại.
Trước khi bị bắt giữ, Karpeles tuyên bố là đã “khôi phục” lại được 200.000 Bitcoin mà đã mất tích, đã được anh giữ an toàn trong kho lạnh của mình. Tình tiết này càng khiến nhiều người sinh nghi và danh tiếng của Karpeles ngày càng tiêu biến khi nhiều cáo buộc mới xuất hiện.
Đến giữa năm 2017, Karpeles hầu toà tại Tokyp để trả lời cho các tội danh biển thủ và thao túng dữ liệu. Cựu CEO Mt. Gox vẫn khăng khăng rằng mình vô tội.
- Chi tiết: Kỳ án Mt. Gox: Mark Karpeles cam đoan vô tội trước cáo buộc biển thủ tiền
BTC-e
Cùng với lúc Karpeles đang thanh minh cho mình trước vành móng ngựa, một mối liên kết lạ lùng khác lại xuất hiện: một điều hành viên của một sàn giao dịch tiền điện tử khác bị bắt giữ vì có liên hệ với số Bitcoin thất lạc từ Mt. Gox.
Tháng 07/2017, công dân quốc tịch Nga tên Alexander Vinnik đã bị chính quyền Hy Lạp bắt giữ và buộc tội là có vai trò quan trọng trong quá trình rửa tiền số Bitcoin mất cắp từ sàn Mt. Gox.
BTC-e sau đó đã bị FBI bố ráp, đánh sập trang web hoàn toàn và thu giữ tài sản. Đây là lần đầu tiên giới chức Mỹ tiến hành tịch thu một sàn giao dịch nước ngoài trên lãnh thổ nước ngoài.
Kết quả điều tra từ Wizsec – một công ty bảo mật mạng – cho thấy Vinnik chính là chủ sở hữu của các ví tiền mà từng chứa số Bitcoin từ Mt. Gox, và rất nhiều trong số chúng đã được tuồn lên BTC-e.
Những tình tiết hết sức kì lạ trong vụ tấn công của BTC-e vào Mt. Gox
Vẫn thường xuyên lên mặt báo
Vì quá trình điều tra chưa cho thấy dấu hiệu khép lại, chẳng mấy ngạc nhiên khi Mt. Gox và Karpeles tiếp tục là các cái tên quen thuộc ta thường hay bắt gặp trên truyền thông đại chúng.
Vào tháng 11/2017, Karpeles thậm chí còn đề xuất tiến hành ICO kêu gọi 245 triệu USD để “hồi sinh” lại Mt. Gox.
Sang đến tuần này, một cuộc điều tra không chính thức kết luận rằng có một công ty “vỏ bọc” tại Anh cũng nhúng tay vào rửa 650.000 BTC của Mt. Gox. Công ty Always Efficient LLP được biết là đã tham gia xử lí nguồn tiền bẩn kia sau khi chúng bị đánh cắp từ sàn giao dịch có trụ sở tại Tokyo.
Chưa hết, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng sự sụt giảm của giá Bitcoin xuống $6,000 hồi đầu tháng 2 vừa qua là do một đại diện uỷ thác của Mt. Gox đã “hoảng loạn” và bán tháo 400 triệu đô tiền BTC và BCH.
Nobuaki Kobayashi đã thanh lý đến hơn 35.000 BTC và 34.000 BCH để có thể chi trả cho các chủ nợ của sàn.
Ký ức không bao giờ lãng quên
Đã có rất nhiều sự kiện, biến cố từng xảy ra trong chiều dài lịch sử của Bitcoin, thế nhưng chắc sẽ chẳng thể nào sánh vai được với những thiệt hại và hệ luỵ nghiêm trọng mà Mt. Gox đã để lại cho ta. Các sàn giao dịch giờ đã được giám sát kĩ càng hơn bao giờ hết và sự phân bổ hoạt động giao dịch hiện cũng trải rộng ra khắp toàn cầu.
Tuy nhiên, những dư âm của vụ hack chưa từng có tiền lệ này chắc chắn sẽ còn ám ảnh chúng ta lâu thật lâu nữa. Đây chính là bài học dành cho cộng đồng người dùng tiền điện tử, động thời cũng là lời cảnh báo đanh thép rằng hệ sinh thái này lúc nào cũng nên có người dõi theo, giám sát.
Mark Karpeles – kẻ thắng cuộc duy nhất trong “Kỳ án Mt. Gox”
Theo CoinTelegraph