1. Segregated Witness là gì?
Segregated Witness, thường được viết tắt là SegWit, là một phần mềm cập nhật Bitcoin được đề xuất để sửa chữa một loạt các lỗi nghiêm trọng trong hệ thống.
SegWit là một bản update dành cho Bitcoin Core, nghiên cứu và phát triển bởi đội ngũ dày dạn kinh nghiệm của nó. Bitcoin Core hiện đang là client phổ biến nhất trong toàn hệ thống Bitcoin, được đại đa số các công ty trong ngành công nghiệp tiền điện tử sử dụng.
Ban đầu, cập nhật trên ra đời với mục đích cải thiện tính linh hoạt của các quá trình giao dịch, một yếu điểm của Bitcoin mà ai cũng biết. Mặc dù lỗi này ít gây thiệt hại cho người sử dụng nhưng nó đã từng bị kẻ xấu lợi dụng khai thác trong nhiều trường hợp, qua đó làm dấy lên nhu cầu phải vá triệt để vấn đề này.
Tuy nhiên, bên cạnh đó SegWit còn cung cấp nhiều lợi ích khác nữa và giờ trọng tâm của nó đã chuyển từ cải thiện tính linh hoạt của giao dịch sang giải quyết rắc rối mở rộng quy mô của Bitcoin. Như đã được đề cập trong các bài viết tương tự, Bitcoin hiện đang gặp phải một vấn đề nghiêm trọng liên quan đến quy mô của mình, và mọi chuyện dường như đang có chiều hướng ngày càng xấu đi theo thời gian.
2. Giải pháp của SegWit trong vấn đề mở rộng quy mô của Bitcoin?
SegWit gia tăng giới hạn kích thước block của Bitcoin và cho phép thêm vào tầng giải pháp thứ hai cho các đợt phát triển trong tương lai.
Vấn đề quy mô mà Bitcoin đang đối mặt hiện nay chủ yếu nổi lên từ kích thước block thiếu hiệu quả. Như mọi người đều biết, các block giao dịch kết hợp liên tục lại với nhau để tạo nên Blockchain. Blockchain đến lượt mình lại đóng vai trò như là một sổ cái ghi nhận lịch sử các thương vụ mua bán diễn ra trên toàn mạng lưới – nói cách khác, Blockchain chính là huyết mạch của toàn bộ hệ thống tiền điện tử.
Bất cập gặp phải ở đây là việc tất cả block chỉ được lập trình để có lưu lượng giới hạn là 1MB. Nhiêu đấy là không đủ để đáp ứng nhu cầu giải quyết hàng trăm giao dịch mà nhà đầu tư trên toàn thế giới thực hiện trong mỗi phút.
Hệ quả từ đó là việc rất nhiều người sử dụng buộc phải xếp hàng chờ xác nhận hoàn tất giao dịch của mình, có lúc tốn mấy tiếng đồng hồ và thậm chí là cả vài ngày. Nếu mà kích thước block vẫn được cố định ở mức cũ trong khi mạng lưới Bitcoin ngày càng được mở rộng thì sẽ chỉ có một kết cục: vấn đề tắc nghẽn giao dịch trên sẽ còn trầm trọng hơn mà thôi.
Giải pháp mà SegWit đưa ra gồm hai phần. Trước tiên, nó ngay lập tức cho phép tăng giới hạn kích cỡ block lên thành 4MB. Tuy nhiên cần lưu ý rằng 4MB là giới hạn cho phép tối đa, trong khi con số thực tế được tăng thêm phụ thuộc vào tình hình hiện tại của thị trường.
Nhiều chuyên gia ước đoán rằng ngay sau khi SegWit được kích hoạt, kích thước mỗi block sẽ đạt mức 2.1MB, tăng xấp xỉ 110% so với mức ban đầu.
Tiếp theo, thông qua việc giải quyết tính linh hoạt, SegWit sẽ không chỉ loại bỏ cái tuy chỉ là một vấn nhỏ đối với Bitcoin nhưng lại là một rào cản lớn trong việc thêm tầng giải pháp thứ hai lên trên nó. Một trong các phương án được đề xuất là Lightning Network, vốn được hy vọng là sẽ tạo ra một đợt tăng đáng kể trong lưu lượng của mạng lưới nhờ điều phối phần lớn các giao dịch ra khỏi Blockchain và nhanh chóng xử lí chúng.
3. Tại sao SegWit đến bây giờ vẫn chưa được kích hoạt?
SegWit sẽ được kích hoạt một khi 95% năng lực khai thác trong hệ thống ra hiệu ủng hộ nó.
Nếu xảy ra thiếu hụt trong tỉ lệ tán thành cho một loạt các qui định mới thì nhiều khả năng một đợt fork sẽ xảy ra, khiến một phần mạng lưới chuyển sang dùng client mới trong khi số còn lại vẫn sử dụng cái cũ. Điều này dẫn đến việc tồn tại đồng thời hai loại tiền điện tử bên trong Bitcoin với cách thức hoạt động khác nhau, đấu đá lẫn nhau để giành giật người dùng.
Kịch bản như thế có thể có những tác động không thể lường trước được, nhưng bảo đảm cả hai loại tiền trên sẽ hứng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực về mặt giá trị, đặc biệt là trong ngắn hạn. Chính vì vậy, để ngăn ngừa nguy cơ một đợt fork xảy ra thì đội ngũ phát triển SegWit đã thiết lập một quy định cụ thể lên trên phần mềm này, chỉ cho phép nó kích hoạt một khi nhận được sự ủng bộ của 95% người dùng – gần như là toàn bộ hệ thống.
Cho tới thời điểm hiện tại, tỉ lệ tán thành vẫn đang dao động trong khoảng từ 32 đến 33,8% và nó chưa bao giờ có thể vượt qua được mức này. Nguyên nhân của con số ít ỏi trên đến từ việc một lượng lớn người sử dụng đang phản đối kích hoạt SegWit với nhiều lí do khác nhau.
4. Các lập luận chống lại SegWit bao gồm những quan điểm nào?
Những luận điểm chính được khai thác để ngăn cản SegWit có thể được chia làm ba nhóm: yếu tố kĩ thuật, yếu tố chính trị và yếu tố ý thức hệ.
Vài cá nhân cho rằng ở trạng thái hiện tại thì SegWit không tài nào có thể giải quyết các vấn đề mà nó đã hứa hẹn trước đó. Lập luận này xuất phát từ việc mức tăng kích thước block được đề xuất vẫn sẽ không thể đáp ứng hết nhu cầu ngày càng cao của cộng đồng Bitcoin.
Đa số các chuyên gia đều đánh giá cao năng lực kĩ thuật của đội ngũ phát triển SegWit cũng như nền tảng vững chắc của bản cập nhật này. Tuy nhiên, gần như là không thể để cho một người không phải là lập trình viên có thể đánh giá độ xác thực của các tuyên bố đưa ra bởi cả hai bên.
Và giờ đây bên cạnh tranh cãi về kĩ thuật, sự xuất hiện của yếu tố chính trị càng làm phức tạp hóa thêm vấn đề. Hầu hết các nhà phát triển và xây dựng SegWit đang là nhân viên của một công ty có tên gọi là Blockstream, chuyên nghiên cứu các giải pháp liên quan đến sidechain.
Vài thành viên cộng đồng cho rằng ở đây xuất hiện một mối xung đột về lợi ích vì các nhà phát triển có thể đã bị yêu cầu cản trở các nỗ lực tăng kích thước block, qua đó làm gia tăng nhu cầu cho các giải pháp sidechain như là Lightning Network. Tuy vẫn chưa có bằng chứng cụ thể nào được tìm thấy nhưng phần đông người sử dụng vẫn chọn tin vào giả thuyết này và tiến hành phản đối SegWit.
Quan điểm chính về ý thức hệ chống lại bản cập nhật là SegWit không thể giải quyết vấn đề mở rộng mà vẫn có thể duy trì mức độ phân quyền của mạng lưới Bitcoin. Như đã đề cập ở phần trên của bài viết, SegWit chỉ có thể tháo gỡ các vướng mắc dài hạn của Bitcoin liên quan đến sự thiếu hiệu quả trong giao dịch thông qua việc thêm các tầng giải pháp thứ hai như là sidechain Lightning Network.
Rắc rối nhiều người thấy được ở đây là cách thức các sidechain này hoạt động. Để giảm bớt sự lệ thuộc và hệ thống Blockchain vốn đang bị ách tắc thì các sidechain chuyển tiền điện tử sang một tầng thứ hai. Tại đây, tất cả các giao dịch được được xử lí bởi một bên thứ ba, thay vì phải duy chuyển đi khắp mạng lưới, qua đó giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức.
Nhưng ‘điểm tập trung quyền lực’ này lại chính là cái Bitcoin muốn loại bỏ khỏi hệ thống tiền tệ của mình ngay từ đầu. Đối với nhiều người dùng, đó là sự thỏa hiệp không thể nào chấp nhận được, dù bên thứ ba ấy có ảnh hưởng nhỏ như thế nào đi nữa trong các giải pháp như Lightning Network.
5. Có những ai đang ủng hộ SegWit?
Một lượng lớn các cá nhân và doanh nghiệp đã thể hiện sự ủng hộ của mình cho SegWit, bao gồm cả các công ty sử dụng các phần mềm tương thích với nó.
Hiện tại, có hơn 100 công ty có triển vọng trong ngành công nghiệp tiền điện tử được biết là đang lên kế hoạch, nghiên cứu thử nghiệm hay đã ra hiệu kích hoạt SegWit.
Bên cạnh đó, nhiều cá nhân nổi tiếng trong cộng đồng Bitcoin đã thể hiện rõ ràng quan điểm tán thành SegWit của mình trên Twitter hay các phương tiện thông tin đại chúng khác. Nổi bật trong số đó là các cái tên như Andreas Antonopoulos (MC chương trình “Let’s talk Bitcoin!”), Samson Mow (Giám đốc Chiến lược của Blockstream), Charlie Lee (nhà phát minh Litecoin), …
Tất nhiên, nhân tố chủ đạo ở đây vẫn là các thợ đào. Tại thời điểm thực hiện bài viết này, có hơn 33.8% số thợ đào trên toàn cộng đồng Bitcoin ra hiệu hoàn toàn ủng hộ việc kích hoạt SegWit.