Bản quyền bài viết thuộc về Coin68 – Trang tin tức tiền điện tử mỗi ngày
Tên hai quản lí cấp cao của sàn Bitfinex là Giancarlo Devasini và Phillip Potter đã xuất hiện trong Hồ sơ Paradise – đợt rò rỉ thông tin mới nhất về hơn 120.000 cá nhân và công ty mà đã thuê các nhà cung cấp dịch vụ offshore hoạt động tại những “thiên đường trốn thuế”. Các dữ liệu thu thập bao gồm chứng cứ chứng minh rằng chính Devasini và Potter đã lập nên công ty Tether tại Quần đảo Virgin thuộc Anh vào năm 2014.
Appleby đã giúp Devasini và Potter lập nên Tether hồi năm 2014
Giám đốc Tài chính Giancarlo Devasini của sàn giao dịch tiền điện tử Bitfinex
Giám đốc Tài chính (CFO) Giancarlo Devasini và Giám đốc Chiến lược (CSO) Phillip Potter của sàn giao dịch Bitfinex đã bị nêu tên trong Hồ sơ Paradise mới tiết lộ gần đây. Hãng tin Nouva Societa của Ý mô tả đợt rò rỉ tài liệu này cho thấy “tồn tại những công ty chuyên biệt lập nên để thực hiện nghĩa vụ thuế khác với quốc gia đăng ký hoạt động của chúng”.
Đợt rò rỉ đã tung ra khoảng 13,4 triệu hồ sơ thông qua tờ báo Đức Suddeutsche Zeitung, trước khi chuyển tiếp đến cho Liên đoàn nhà báo điều tra quốc tế (ICJC). Hồ sơ Paradise là sự kiện rò rỉ thông tin lớn thứ hai lịch sử, chỉ xếp sau vụ Hồ sơ Panama của năm 2016.
Thông tin rò rỉ chủ yếu đề cập đến các nhà cung cấp dịch vụ offshore như Appleby và Asiaciti Trust, cùng những công ty đăng ký hoạt động tại 19 “thiên đường trốn thuế”. Những cái tên xuất hiện trong Hồ sơ Paradise bao gồm Facebook, Twitter, Apple, Disney, Uber, Nike, Walmart và McDonald’s. Còn các cá nhân được nhắc đến trong các tài liệu là nhiều quan chức cấp cao đến từ Kenya, Liberia, Ukraine, Jordan, Nigeria, Lithuania, Hy Lạp, Brazil, Indonesia, Uganda, Karzakhstan và đặc biệt là cả Nữ hoàng Anh Elizabeth II.
Giám đốc Chiến lược Phillip Potter của sàn giao dịch tiền điện tử Bitfinex
Hoạt động của Tether và Bifinex trong thời gian qua đã lọt vào tâm điểm chú ý của cả cộng đồng người dùng tiền điện tử – chủ yếu là do sự gia tăng chóng mặt của nguồn cung Tether sau khi Bitfinex đánh mất đối tác ngân hàng của mình hồi đầu năm nay. Trả lời lại cho các cáo buộc rằng Bitfinex đã thổi phồng nguồn cung Tether để có thể duy trì khả năng thanh toán nợ của mình, sàn gần đây đã đăng một đoạn tweet khẳng định:
Bitfinex vẫn hoàn toàn có khả năng chi trả, hoạt động rút tiền mặt lẫn tiền điện tử đều đang hoạt động bình thường. Chúng ta đang chứng kiến sự xuất hiện của rất nhiều FUD mà theo chúng tôi thì chính là một đợt tấn công nhằm làm gián đoạn thị trường.
Hãy luôn tìm kiếm bằng chứng trước khi đi đến một kết luận nào đó. Chúng tôi rất cảm kích những ai mà đã đứng ra biện hộ cho sàn trước những cáo buộc vô căn cứ trên. Sắp có thông báo chính thức lí giải mọi chuyện.”
- Xem thêm: Bitfinex gặp vấn đề rút tiền, cộng đồng ngay lập tức hồi tưởng lại “cơn ác mộng” Mt. Gox
Ngay ngày hôm sau, Tether bất ngờ tuyên bố gần 31 triệu đô la tiền USDT đã bị “lấy cắp khỏi Ví kho bạc của công ty vào ngày 19/11/2017”, từ đó dẫn đến một đợt hard fork để cô lập nguồn quỹ mất trộm.
Devasini và Potter đã luôn cố cách biệt Tether ra khỏi Bitfinex, nhấn mạnh hai công ty là những thể chế độc lập
Chứng cứ mà Hồ sơ Paradise cung cấp khẳng định Phillip Potter chính là Giám đốc của Tether, còn Giancarlo Devasini là một trong những cổ đông chính, bên cạnh việc tiết lộ hai người đã lập nên Tether vào năm 2014 tại Quần đảo Virgin thuộc Anh. Tuy nhiên, lại xuất hiện một tài liệu khác cho rằng Devasini và CEO hiện tại của Bitfinex là Ludovicus Jan van der Velde mới chính là những người chủ thực sự của công ty Tether.
Phillip Potter, CSO của sàn giao dịch Bitfinex, từng làm cho Morgan Stanley vào những năm 1990s nhưng sau đó đã bị sa thải sau khi một bài phân tích của tờ New York Times mô tả ông là một người nông cạn và coi trọng vật chất. Còn thân thế của Devassini thì không có mấy thông tin, chỉ biết ông này từng lập một công ty phần cứng máy tính, sau đó bị phạt 100 triệu lira Italia vì bán phần mềm Microsoft lậu.
Theo news.bitcoin.com