logo
  • Tin tức
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • Kiến Thức
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • Kiến Thức
  • E-Magazine
  • Góc nhìn

E-magazine: Thức Vũ, người mơ giấc mơ về một Việt Nam của AI và Robot

-21/11/2018
Emagazine: Thức Vũ, người mơ giấc mơ về một Việt Nam của AI và Robot
Emagazine: Thức Vũ, người mơ giấc mơ về một Việt Nam của AI và Robot

Để nói về Duy Thức, sẽ tốn rất nhiều thời gian và giấy mực để kể lại những thành tựu đồ sộ của anh, nhưng Coin68 sẽ cố gắng phác lại bằng những con số.

3+3: là số công trình nghiên cứu và bài báo khoa học mà Vũ Duy Thức đã xuất bản khi chỉ mới học năm 3 Đại học Carnegie Mellon – con số ngang bằng với một Tiến sĩ.
7: số đại học đề nghị cấp học bổng toàn phần bậc tiến sĩ cho Vũ Duy Thức.
28: là khi anh nhận học vị Tiến sĩ của đại học Stanford, chuyên ngành Trí tuệ Nhân tạo.
5: là số dự án Duy Thức từng đầu tư và xây dựng tính đến năm 2018, và tất cả trong số đó đều thành công, bao gồm: Umbala, Kantago, Tappy, ELSA và mới đây nhất là Ohmni Labs.
100.000: là số tiền Ohmni thu về chỉ sau 4 ngày tiến hành gây quỹ cộng đồng.

Sinh năm 1982 tại TP HCM, Vũ Duy Thức từng học ở trường THPT Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP HCM). Tốt nghiệp cử nhân tại Đại Học Carnegie Mellon và tiến sĩ công nghệ thông tin (chuyên ngành trí tuệ nhân tạo) tại Đại học Stanford. Năm 2010, anh là người Việt trẻ nhất từng nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Stanford (Mỹ).

Anh Thức từng đoạt giải thưởng “sinh viên ưu tú nhất” của Hiệp hội Nghiên cứu tin học Mỹ (Computing Research Association – CRA).

Anh tham gia tư vấn và đầu tư vào hơn 10 công ty công nghệ tại Mỹ và Việt Nam. Công ty OhmniLabs do TS  Thức đồng sáng lập đã vượt qua hơn 1.000 startup để đoạt giải nhất cuộc thi G-Startup Worldwide tại Silicon Valley.

TS Vũ Duy Thức đã được Silicon Valley Business Journal, tạp chí kinh doanh có uy tín tại Mỹ vinh danh là một trong 40 nhân vật dưới 40 tuổi (40 under 40) có ảnh hưởng lớn nhất tại vùng Silicon Valley năm 2017.

Bắt đầu với Kantago, một công ty về lĩnh vực công nghệ, sản phẩm này tập trung vào phân tích các tương tác và mối quan hệ của người dùng. Chính ưu điểm này mà sản phẩm của Kantago nhận được nhiều sự chú ý của truyền thông và người dùng.

Điều thú vị là chỉ hai tuần sau khi Google+ được tung ra thì nhóm của Duy Thức cũng tiến hành giới thiệu sản phẩm của mình. Thời điểm này Google+ có thế mạnh về PR còn Facbook có thế mạnh về phân biệt các đối tượng người dùng. Google Plus cho phép người dùng thiết lập 1 vòng kết nối bạn bè (circle) và những đối tượng trong circle này dễ dàng chia sẻ thông tin với nhau. Tuy nhiên đây không phải là những vòng kết nối tự động. Người dùng của Google Plus phải làm thủ công gán từng người vào circle. Đối với sản phẩm của Kantago, họ có thể phân tích những mối tương tác và sự kết nối bạn bè trên mạng xã hội để từ đó đưa ra circle tự động (automatic circle). Chính ưu điểm này mà sản phẩm của Kantago nhận được nhiều sự chú ý của truyền thông và người dùng.

Đến tháng 11/2011, Google mua lại Kantago và anh về làm việc cho Google+. Cuối năm 2014, anh nghỉ việc ở Google và thành lập công ty Tappy – mạng xã hội cung cấp thông tin và địa điểm. Tappy phát triển các Google App để kết nối người tiêu dùng với các doanh nghiệp địa phương. Ví dụ khi khách hàng vào quán ăn kem, họ có thể kết nối được với chủ quán kem và chủ quán có thể cung cấp cho họ các thông tin về thực đơn, về thành phần dinh dưỡng cũng như các chương trình khuyến mại. Đến 2015, Tappy được Weeby.co ở Silicon Valley mua lại. Giữa 7/2015, anh cùng một vài người bạn sáng lập OhmniLabs. Đến thời điểm hiện tại thì OhmniLabs đã giới thiệu sản phẩm đầu tiên ra thị trường.

Nói về kỉ niệm đáng nhớ nhất trong kinh doanh của mình, anh Thức chia sẻ:

“ Khi anh và các cộng sự phát triển sản phẩm cho Kantago, cả nhóm đã mất 6 tháng mới tìm ra được sản phẩm phù hợp thị hiếu người dùng. Bài học kinh nghiệm mà anh đã rút ra đó là: bản thân mình cần phải có những quyết định dứt khoát về sản phẩm, tránh tập trung quá nhiều vào những cái đang làm mà quên đi rằng người dùng thật sự cần gì, tránh tình trạng chờ đợi sản phẩm hoàn chỉnh rồi mới đưa đến tay người tiêu dùng. Thực tế, sự chờ đợi này có thể đưa đến rủi ro đó là bản thân mình có những định hướng sai lầm về sản phẩm.

Sản phẩm của mình mất 6 tháng để hoàn chỉnh, tuy nhiên không ai muốn sử dụng nó, thay vào đó chỉ cần 2-3 tháng mình đã có thể giới thiệu đến người dùng phiên bản thử nghiệm. Mặc dù phiên bản dùng thử có thể mắc nhiều lỗi sai nhưng tối thiểu mình có thể biết được người dùng có nhu cầu sử dụng sản phẩm hay không hoặc phản ứng của họ về sản phẩm như thế nào, từ đó mình có kế hoạch cải tiến nó tốt hơn. “

Khi nói về ngành công nghiệp robot tại Việt Nam, Duy Thức cho biết:

“Ngành công nghiệp này đã có tuổi đời 20 năm, nhưng vẫn gói gọn trong đóng gói, gia công, vẫn chưa áp dụng rộng rãi trong các khía cạnh khác của xã hội.”

Theo TS Vũ Duy Thức, thị trường startup tại Hoa Kỳ và Việt Nam những năm gần đây có những tiến bộ vượt bậc ở mảng software startups (ứng dụng mềm) với nhiều xu hướng như phát triển trí tuệ nhân tạo hay thực tế ảo.

Với tầm nhìn đó, anh thành lập nên OhmniLabs, với sản phẩm là Robot Ohmni.

Có thể hình dung đơn giản Ohmni là một robot gọn nhẹ, có khả năng di chuyển linh hoạt và gắn trên đỉnh một máy tính bảng (hiển thị gương mặt người ở xa), một webcam (thu hình trực tiếp), máy thu âm ở phần giữa… Do sự linh hoạt này mà robot có thể cùng đi dạo, xem phim với người già mà cả hai bên đều không bị gián đoạn việc riêng.

Robot Ohmni được chế tạo với thao tác sử dụng đơn giản để ngay cả người không rành về công nghệ vẫn có thể sử dụng dễ dàng.

Hiện tại, sản phẩm của OhmniLabs hướng đến khách hàng mục tiêu là người cao tuổi, trong thời gian tới OhmniLabs sẽ tiếp tục phát triển platform này để phù hợp với nhiều đối tượng người dùng khác trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục.

“Tôi cũng mong muốn sớm đưa sản phẩm này về VN, nhất là robot với chức năng tích hợp khám bệnh từ xa, để bà con vùng sâu, vùng xa không còn chịu những thiệt thòi về y tế dù bác sĩ, điều kiện y tế không bằng thành thị” – Duy Thức cho biết.

Tuy nhiên, vấn đề mà nhiều startup công nghệ gặp phải, đó là ngành này đòi hỏi nhiều kĩ năng, chuyên ngành riêng, đội phát triển cần phải có kiến thức sâu rộng về nhiều mảng công nghệ, đồng thời cũng phải làm chủ quá trình sản xuất. Những điều này đòi hỏi chi phí cao và bên sản xuất có trình độ. Làm phần cứng đã khó, nhưng làm robot còn khó hơn vì phải ghép những phần cứng đó lại với nhau, và ghép làm sao để mang lại giá trị tốt nhất, phải cao hơn giá tiền khách hàng bỏ ra.

Để ứng dụng được những phát triển công nghệ đó đối với một startup chuyên về phần cứng và robotics đòi hỏi đội ngũ nhà sáng lập và team phải có kiến thức sâu rộng về nhiều mảng khác như Kỹ thuật điện (Electrical engineering), Kỹ thuật cơ khí (Mechanical engineering) và Thiết kế công nghiệp (Industrial Design).

Với tham vọng tạo nên bước đột phá về robot bằng cách tạo ra một nền tảng mở nhằm cắt giảm chi phí đầu tư và thời gian nghiên cứu, Vũ Duy Thức cùng đồng nghiệp đã xây dựng hệ thống mở Kambria (open platform) dựa trên công nghệ Blockchain. Từ nền tảng này, bất cứ kỹ sư lập trình nào cũng có thể đóng góp và phát triển thêm để có những con robot giá rẻ do không phải nghiên cứu từ đầu.

Xuất thân là dân công nghệ, TS Thức hiểu khi phát minh ra một công nghệ mới, tác giả sau đó phải thành lập doanh nghiệp, đi vay tiền để phát triển sản phầm rồi lại phải tìm cách bán sản phẩm. Đây là một quá trình dài, tiềm ẩn nhiều rủi ro và có thể thất bại bất cứ lúc nào.

“Đây là mảng công nghệ phức tạp và khó khăn, không ai có thể làm một mình”, TS Thức nói và cho biết khi lập trình viên có sản phẩm đột phá, Kambria sẽ là nơi giúp họ thương mại hóa sản phẩm để đưa ra thị trường.

“Kambria sẽ giúp họ và san sẻ quyền lợi, thay vì phải bắt đầu từ con số không, họ có thể sử dụng tài nguyên của cộng đồng để phát triển, hay nói nôm na là đứng trên vai người khổng lồ. Họ có thể cùng đầu tư vào những dự án công nghệ có tiềm năng và lợi nhuận lớn dựa trên nền tảng có sẵn”, TS Thức nói và cho biết nền tảng công nghệ này đang hợp tác phát triển xe không người lái, máy bay không người lái và robot y tế. Hiện đã có bản demo, dự kiến đến giữa năm 2019 sẽ có phiên bản hoàn thiện.

Trong bối cảnh thị trường tiền điện tử suy thoái, Vũ Duy Thức vẫn rất tự tin vào kế hoạch gây quỹ cộng đồng của Kambria, rằng:

“Với định hướng lâu dài của mình, việc Kambria bán token chỉ là bước khởi đầu, điều quan trọng là xây dựng cộng đồng để đi lâu dài.

Những người trong giông bão mà vẫn muốn sát cánh cùng Kambria chính là những người muốn gắn bó lâu dài với dự án.

Duy Thức quan niệm, thành công và hạnh phúc đối với anh chính là tạo ra giá trị cho nhiều người. Hiện anh là nhà đầu tư cho các công ty khởi nghiệp và hợp tác với các trường đại học tại Việt Nam để xây dựng những trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và phát triển robot.

Anh cũng kết nối những trung tâm này với những công ty công nghệ lớn và trường đại học hàng đầu thế giới, để tạo ra một môi trường trao đổi nghiên cứu về robot tốt nhất cho Việt Nam.

Những chương trình giáo dục đào tạo có uy tín về AI từ Silicon Valley (Mỹ) như của Đại học danh tiếng Stanford hoặc của Google cũng đang được tiến sĩ trẻ đưa về Việt Nam để đào tạo cho đội ngũ kỹ sư Việt Nam tài năng. Anh cũng có nhiều hoạt động kết nối cộng đồng AI tại Việt Nam và Silicon Valley.

Quỹ học bổng VietSeeds mà Thức là đồng sáng lập vẫn đang được duy trì suốt hơn 7 năm qua. Đến nay, mỗi năm quỹ đã trao tặng hơn 200 suất học bổng cho sinh viên, học sinh với trị giá 4.000 USD/suất.

Cùng với Kambria, TS Vũ Duy Thức đang rất nỗ lực để góp phần vào thị trường AI và Robotics đang phát triển mạnh mẽ, ngày càng được ứng dụng rộng rãi vào tất cả lĩnh vực của đời sống như công nghiệp, thương mại, y tế, giáo dục…

Phát triển Ohmni với những mục tiêu cụ thể – tập trung vào giao tiếp, làm sao giao tiếp với bạn bè, gia đình một cách dễ dàng nhất, giá tiền thấp nhất, giá trị cao nhất

-21/11/2018
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là cổng thông tin tiền mã hóa bằng tiếng Việt nhanh nhất và chính xác nhất, mang lại cho độc giả cái nhìn tổng quan về lĩnh vực tiền mã hóa và tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68