Bản quyền bài viết thuộc về Coin68 – Trang tin tức tiền điện tử mỗi ngày
Gần đây dư luận phải nói đã khá là xôn xao trước thông tin sắp tới sẽ liên tục xuất hiện nhiều đợt fork đối với mạng lưới Bitcoin, đặc biệt là gây lo lắng cho bộ phận cộng đồng người dùng mà vẫn chưa am hiểu tường tận loại công nghệ này cho lắm. Điều quan trọng bây giờ là phải làm sáng tỏ một số những hiểu nhầm vì đúng thật, trong tương lai sẽ còn có thêm các đợt fork khác nữa.
Trước tiên, chúng ta cần nhấn mạnh và hiểu rằng: sẽ chỉ tồn tại tối đa 21 triệu đồng Bitcoin thôi. Chấm hết. GGWP.
Đã và sẽ xuất hiện thêm nhiều đồng tiền mới tách ra từ Bitcoin, về bản chất là sao chép lại toàn bộ dữ liệu của mạng lưới từ sơ khởi cho đến thời điểm ấy. Tuy vậy, vẫn sẽ có một và chỉ một đồng Bitcoin mà thôi. Đơn giản là vì Bitcoin Cash, Bitcoin Gold hay các Bitcoin “blah blah” nào đó mà có thể ra đời trong tương lai – không cái nào trong số chúng có khả năng tương tác trực tiếp đến mạng lưới Bitcoin gốc.
Nhiều người từng tung tin đồn là sau khi xảy ra sự kiện hard fork Bitcoin Cash ngày 01/08 vừa qua, sẽ tồn tại đồng thời đến 42 triệu đồng Bitcoin. Và giờ đây, với nguy cơ fork Bitcoin Gold đang hiện hình rõ hơn bao giờ hết, họ lại khẳng định rốt cuộc số Bitcoin sẽ tăng lên 63 triệu. Đây toàn là những thông tin vớ vẩn và hoàn toàn sai sự thật.
Rõ ràng là ta không thể mang Bitcoin Cash và Bitcoin Gold đi giao dịch trên mạng lưới Bitcoin gốc được. Dưới ánh mắt của người dùng Bitcoin, BCH và BCG chỉ đáng đứng ngang hàng các altcoin như Litecoin hay Dash. Chúng không phải Bitcoin và cũng không thể tự chứng minh là Bitcoin. Tóm lại, sẽ chỉ có duy nhất một đồng Bitcoin, và số lượng BTC trên mạng lưới đó sẽ giới hạn tại ngưỡng 21 triệu, không hơn và cũng không kém.
Nỗi lo fork trong thời gian qua đã luôn khiến nhiều nhà đầu tư phải “mướt mồ hôi”
Sự khác biệt giữa hard fork và phân tách chain
Đa phần những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm thì sẽ cảm thấy lo lắng mỗi khi biết sắp tới lại có thêm một sự kiện fork nữa. Tuy nhiên, hãy bình tĩnh đi: các đợt fork chẳng gây ra vấn đề gì cả. Bitcoin cùng hệ thống altcoin từ trước đến nay đã fork vô số lần mà ít khi gặp sự cố nào đáng kể. Thật ra, mỗi khi cần nâng cấp giao thức thì đồng Dash lại tiến hành một đợt hard fork được chuẩn bị kĩ lưỡng (thuật ngữ trong ngành gọi là “spork” – staged hard fork). Từ trước đến nay vẫn chưa ghi nhận đợt spork khiến dẫn đến phân tách chain cả.
Có hai loại fork: soft fork và hard fork.
- Chi tiết: Giải thích: UASF vs. UAHF – Doom of Bitcoin
Soft fork là một đợt nâng cấp Bitcoin không toàn diện, nghĩa là những node đã cập nhật phần mềm sẽ nhận được nhiều tính năng mới, còn những node cũ (không chọn cập nhật) thì vẫn có thể hoạt động bình thường, chỉ có điều không sử dụng được mấy tính năng đó thôi (do đó mà người ta hay gọi soft fork là nâng cấp “tương thích ngược” – backward-compatible). Ví dụ điển hình của một đợt soft fork chính là sự kiện triển khai Segregated Witness (SegWit) cách đây chưa được 2 tháng.
SegWit không yêu cầu tất cả các node phải cập nhật phần mềm của mình. Ai mà không muốn dùng các tính năng mới mà SegWit cung cấp thì có thể chọn tiếp tục sử dụng client Bitcoin phiên bản cũ của mình. Mọi thứ vẫn vận hành ổn thoả.
Hard fork là cái trái ngược lại với soft fork: nó yêu cầu toàn bộ node trên mạng lưới phải thực hiện nâng cấp. Node nào không đáp ứng được thì đơn giản sẽ không còn hoạt động được nữa. Điều nguy hiểm thật sự ở đây là với soft fork thì ta có thể undo mọi chuyện được, vì nâng cấp này chỉ mang tính tuỳ theo lựa chọn mỗi người; còn hard fork thì không, chính vì vậy nếu có xuất hiện lỗi hệ thống (bug) hay trục trặc nào ngoài dự kiến thì nhiều khả năng mạng lưới buộc phải hard fork thêm lần nữa là để giải quyết ổn thoả mọi chuyện. Và tình thế từ đây có thể diễn biến theo chiều hướng tồi tệ hơn.
Kịch bản tệ nhất mà hard fork có thể dẫn đến là phân tách chain. Phân tách chain xuất hiện khi kết quả hard fork không được như ý muốn và khiến mạng lưới chia làm hai – một bên thì đi theo một bộ nguyên tắc mới, trong khi bên còn lại vẫn tiếp tục sử dụng giao thức cũ. Phân tách chain là rất nguy hiểm và gần như làm tê liệt mạng lưới Bitcoin cho đến khi nào quá trình chia đôi được giải quyết ổn thoả thông qua một đợt hard fork khác. Với một hệ sinh thái rộng lớn như Bitcoin, sẽ là rất khó để có thể triển khai hard fork để tránh khỏi nguy cơ phân tách chain.
Một sự kiện phân tách chain đủ tồi tệ về bản chất có thể “giết chết” Bitcoin, mà ví dụ điển hình là sự kiện hard fork Bitcoin Cash ngày 01/08 vừa rồi và sắp tới là Bitcoin Gold.
Mâu thuẫn không thể giải quyết của cộng đồng người dùng đã dẫn đến sự xuất hiện liên tiếp nhiều sự kiện fork khác nhau
Bitcoin Cash là gì?
- Chi tiết: Điều mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng nên biết về Bitcoin Cash
Khi mà cuộc tranh luận mở rộng quy mô Bitcoin đã chọn ra được giải pháp chiến thắng – nâng cấp SegWit – thì một nhóm các nhà phát triển “cay cú” đã quyết định tạo ra một phiên bản khác của đồng Bitcoin. Họ gọi nó là Bitcoin Cash, vốn sẽ giữ nguyên tất cả lịch sử, nguyên tắc và kết cấu của Bitcoin. Duy chỉ có 3 thứ sau đây là khác biệt: giới hạn kích thước block 1 MB giờ đây sẽ được kéo lên thành 8 MB, bộ mã SegWit bị gỡ bỏ hoàn toàn, cộng thêm đó là sự xuất hiện của cơ chế Điều chỉnh độ khó khẩn cấp (Emergency Difficulty Adjustment – EDA).
Vì tính chất của đợt fork nên bất cứ ai sở hữu Bitcoin sau sự kiện phân tách sẽ nhận được thêm một lượng Bitcoin Cash tương ứng. Đội ngũ phát triển Bitcoin Cash còn tích hợp thêm một tính năng gọi là “bảo vệ chống tấn công lặp lại” (replay attack protection), giúp ngăn chặn giao dịch trên chain này bị lặp lại trên chain kia.
Một nguyên nhân khác dẫn đến sự thiếu cạnh tranh giữa Bitcoin và Bitcoin Cash là do gần như toàn bộ thợ đào vẫn tập trung khai thác, lâu lâu mới nhảy qua nhảy lại giữa hai mạng lưới để kiếm lời mỗi khi EDA thay đổi mà thôi. Còn người dùng Bitcoin thì bỗng nhiên phát hiện mình có thêm cả đống BCH, và họ hoặc bán nó ngay lập tức hoặc gạt nó sang một bên hoàn toàn.
- Xem thêm: Cách cơ chế EDA đang làm thợ đào chuyển di chuyển qua lại liên tục giữa Bitcoin và Bitcoin Cash
Thật sự thì chẳng có cơ hội nào cho Bitcoin Cash để có thể lấn áp Bitcoin cả. Tuy vậy, sự ra đời của Bitcoin Cash có thể sẽ có ích trong dài hạn vì nó loại bỏ tâm lý bất mãn trong cộng đồng người dùng bằng cách cho họ altcoin để tự quản lí.
Bitcoin Cash đã liên tục rớt giá trong mấy ngày qua, minh chứng cho thấy rốt cuộc đồng tiền này cũng không đủ sức để thách thức vị thế của Bitcoin?
Bitcoin Gold là gì?
- Chi tiết: Hết ‘Cash’ rồi lại đến ‘Gold’? Thêm một đợt hard fork Bitcoin nữa sắp diễn ra ngay trong tháng 10
Bitcoin Gold là một đợt fork Bitcoin mới, dự kiến sẽ diễn ra vào khoảng ngày 25/10/2017. Giống như Bitcoin Cash, Bitcoin Gold khi kết thúc phân tách cũng sẽ cho người dùng có một lượng tiền tương ứng với số BTC họ nắm giữ. Người dùng sau đó cũng có thể làm điều mình thích: trữ chúng hoặc bán BCG ngay lập tức rồi dùng tiền đó để mua thêm Bitcoin (với điều kiện là đồng tiền mới này có chút giá trị gì đó).
Và giống như Bitcoin Cash, Bitcoin Gold cũng là một altcoin. Bitcoin Gold sẽ tích hợp replay protection luôn, và vì gần như chẳng có thợ đào nào chịu rời bỏ Bitcoin để sang chain Bitcoin Gold cả nên nhiều khả năng đợt fork này sẽ không tác động gì mấy lên mạng lưới gốc. Không đời nào Bitcoin Gold lại có thể “vượt mặt” hay “giết chết” Bitcoin chính.
Mục đích của Bitcoin Gold là để phản đối sự gia tăng quyền lực và tập quyền hoá của giới thợ đào. Các hội thợ đào ngày càng sử dụng thêm nhiều máy ASIC mạnh và hiện đại hơn để khai thác Bitcoin. Những thiết bị này cực kì đắt đỏ và có thể khiến năng lực khai thác chuyển về hết một/một nhóm người có tiềm lực kinh tế đủ lớn. Hiện tại, điều này thậm chí đã xảy ra khi cộng đồng hội thợ đào Trung Quốc hiện đang nắm trong tay đến gần 70% hashpower của toàn mạng lưới.
Bitcoin Gold hứa hẹn là sẽ đổi cơ chế đồng thuận bằng cách tích hợp một thuật toán đào tiền hoàn toàn khác, vốn sẽ không tương thích với ASIC mà chỉ cho phép khai thác BTC thông qua vi xử lí đồ hoạ GPU. Thay đổi này hy vọng là sẽ làm giảm sức ảnh hưởng của bộ phận thợ đào trong mạng lưới Bitcoin Gold.
Xin được nhắc lại một lần nữa là Bitcoin Gold sẽ không tạo nên mấy tác động lên Bitcoin. Đồng tiền mới này sẽ chỉ là một altcoin, hoạt động trên mạng lưới và nguyên tắc mới của mình.
Liệu kết cục của Bitcoin Gold rồi sẽ cũng giống như Bitcoin Cash – bị ‘người anh” Bitcoin đối xử như một altcoin và bất lực nhìn đồng tiền điện tử số 1 thế giới vươn lên những mốc cao mới?
“Fork” vs. “Airdrop”
Tuy Bitcoin Cash và Bitcoin Gold về bản chất là những nhánh tách ra từ Bitcoin, thế nhưng chúng lại không có khả năng tác động ngược trở lại Bitcoin. Chúng hoàn toàn không tạo nên bất kì đe doạ nào hết. Chúng chỉ sử dụng lại phần lớn mã nguồn của Bitcoin, sau đó phân phối đều đồng tiền mới về lại cho người dùng.
Vì thuật ngữ “fork” ban đầu thường được gắn liền với nỗ lực nâng cấp mạng lưới, vì thế việc áp dụng chúng để chỉ Bitcoin Cash và Bitcoin Gold đôi khi sẽ tạo nên nhiều hiểu nhầm cho những người mới tham gia vào lĩnh vực tiền điện tử. Từ đúng hơn phải là “airdrop”.
Airdrop nói nôm na là dùng để chỉ quá trình phân phát ban đầu của một altcoin khi mới được ra từ nền tảng Bitcoin. Ví dụ điển hình của khái niệm này là Bytecoin: người dùng chỉ cần kết nối địa chỉ Bytecoin của họ với địa chỉ Bitcoin rồi sẽ tự động nhận được lượng token Bytecoin tương ứng với số Bitcoin mình đang sở hữu. Vì Bitcoin Cash và Bitcoin Gold sử dụng nguyên tắc tương tự nên chúng giống các đợt “airdrop” hơn là “fork”.
Vì thế cho nên đừng lo sợ nữa. Sẽ chẳng có sự kiện fork nào có thể phương hại đến mạng lưới Bitcoin của chúng ta được đâu. Chúng cũng sẽ không thể gia tăng số lượng Bitcoin thêm nữa. Vì sao ư?
Vì chúng không phải là Bitcoin!!!
Theo CoinTelegraph