logo
  • Tin tức
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
ads

Coin68 Blog: Thôi được rồi, Bitcoin không phải là điểm tựa của nhà đầu tư trong khủng hoảng kinh tế

-09/05/2020

Coin68 Blog: Thôi được rồi, Bitcoin không phải là điểm tựa của nhà đầu tư trong khủng hoảng kinh tế Coin68 Blog: Thôi được rồi, Bitcoin không phải là điểm tựa của nhà đầu tư trong khủng hoảng kinh tế

Giá dầu âm 40 USD 1 thùng, S&P 500 hay Dow Jones giảm đến hơn 20% trong quý đầu tiên của năm 2020.

Thường thì đây sẽ là điều kiện hoàn hảo để những người ủng hộ Bitcoin diễn lại bài văn “tài sản an toàn” hay “vàng kỹ thuật số” (và đúng là đã có không ít người nói như vậy thật).

Thực ra, tâm lý như vậy cũng là điều bình thường. Nhưng đừng quên đấm cực mạnh Bitcoin dành cho tất cả những ai có cái nhìn tích cực về đồng coin này vào giữa tháng 3 năm nay với mức giảm đến 38% trong vòng 24h. Đó cũng là ngày mà ý tưởng biến Bitcoin trở thành một thứ “tài sản an toàn” chính thức đi vào dĩ vãng.

*bật nhạc coffin dance*

Lưu ý: Bài viết này thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không nên được xem như một lời khuyên đầu tư dưới bất kỳ hình thức nào.

Tuy vậy, ngày 12 tháng 3 vẫn chưa phải là ngày tồi tệ nhất trong lịch sử Bitcoin. Vinh dự đó thuộc về ngày 11 tháng 4 năm 2013, khi bitcoin giảm đến gần 50% chỉ trong vòng 24h.

Thống kê những đợt giảm giá mạnh nhất trong vòng 24h của Bitcoin. Nguồn: Coindesk

Để cho các bạn dễ hình dung thời điểm đó thị trường tiền điện tử còn hoang sơ như thế nào, thì Ethereum thậm chí còn chưa được tạo ra vào năm 2013, Mt. Gox là sàn giao dịch bitcoin lớn nhất thế giới và cả thế giới vẫn đang phát cuồng với điệu nhảy Harlem Shake. Tháng 3 năm 2013, giá Bitcoin giao động trong khoảng 34 USD – 94 USD, tức là bằng 1/100 trong thời điểm hiện tại và giá trị giao dịch trung bình (theo Coin Metrics) là dưới 800 USD.

Nhu cầu của thị trường thời điểm đó chủ yếu được tạo ra bởi các trader đến từ Trung Quốc. Các dịch vụ lưu ký chuyên nghiệp thì chỉ vừa mới manh nha (BitGo, một trong những dịch vụ đầu tiên, được thành lập vào năm 2013). Coinbase mới chỉ được một tuổi, BitMEX vẫn còn rất hoang sơ.

Và thậm chí lúc đấy còn chưa có Coin68.

Vào năm 2013, bitcoin được xem là thứ tài sản của tương lai, là một đại diện phi tập trung về giá trị, là một thứ để phản đối hệ thống ngân hàng và là cách để người dùng giảm thiểu rủi ro đối với những sai lầm của ngân hàng trung ương – thứ đã tạo nên cuộc khủng hoảng tài chính 5 năm trước đó.

7 năm là một khoảng thời gian quá dài đối với tiền điện tử

Nếu bạn là một nhà đầu tư bitcoin của năm 2013 và du hành thời gian đến thời điểm hiện tại, thị trường crypto năm 2020 chắc chắn sẽ là một thứ cực kỳ xa lạ. Trung Quốc đã rời khỏi cuộc chơi với Bitcoin và tự tạo đồng coin của riêng mình – điều tương tự đối với internet. Mt. Gox là một ký ức cay đắng. Một thị trường phái sinh nhộn nhịp với khối lượng giao dịch khổng lồ, dù chưa bằng với các thị trường truyền thống nhưng vẫn là rất lớn. Các tổ chức tài chính lớn đã tham gia vào cuộc chơi với hàng chục công cụ điều hướng dòng tiền.

7 năm cũng là một khoảng thời gian quá ngắn đối với tiền điện tử

Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, từ những viên gạch hoang sơ đầu tiên, thị trường này đã tiến hóa rất nhanh với những hệ sinh thái hoạt động trơn tru, những sản phẩm chuyên biệt cho những tác vụ cụ thể, thậm chí là tạo một thị trường việc làm mới. Đúng rồi đấy, có rất nhiều quản lý quỹ đầu tư, lập trình viên hay phân tích viên đã từ bỏ công việc tài chính truyền thống để làm việc trong lĩnh vực blokchain và tiền điện tử.  Một nhà đẩu tư Bitcoin năm 2013 chắc chắn sẽ choáng váng mất vài tháng vì ngành công nghiệp này đã phát triển quá nhanh.

Thị trường tiền điện tử đã sống sót và tiến hóa. Bỏ đi tuyên ngôn gai góc về thay đổi thế giới, Bitcoin và đồng bọn đã dần bước ra ánh sáng, hòa mình vào thế giới tài chính đã tồn tại hàng thế kỷ, trở nên có trách nhiệm hơn và đón nhận những rủi ro mới.

Sự khác nhau của 2 cú “sập giá”

Để dễ hình dung được sự thay đổi của thị trường, hãy cùng xem xét bối cảnh của đợt “sập giá” năm 2013 với năm 2020.

Cách đây 7 năm, hầu hết những nhà đầu tư tham gia vào thị trường đều đánh long, tức là mua Bitcoin rồi chờ nó tăng giá. Sự vắng mặt của một thị trường phái sinh hiệu quả khiến việc short tương đối cồng kềnh và tốn kém. Giao dịch bị chi phối bởi những người đã dành thời gian để hiểu bitcoin là gì và chiến lược giao dịch thời điểm đó chỉ đơn giản là đánh giá xem Bitcoin đang bị over-priced hay under-priced. Vụ sụp đổ ngày 11 tháng 4 năm 2013 được kích hoạt bởi việc chốt lời – khi giá BTC đã tăng gấp ba lần trong hai tuần trước đó. Giảm đến 47% nghe có vẻ đáng sợ nhưng thực ra biến động của Bitcoin thời điểm đó chỉ là vài chục USD, ở năm 2020 mà biến động từng đấy thì người ta lại gọi là thị trường yên ả mất rồi.

Nhưng điều quan trọng hơn, thị trường tiền điện tử lúc đó gần như độc lập với phần còn lại của thế giới. Cùng tuần đó, S & P 500 gần như chẳng biến động gì nhiều, vàng cũng tương tự. Biến động hàng chục phần trăm chỉ đơn giản là câu chuyện của Bitcoin.

Ngày nay thị trường bị chi phối bởi các công ty giao dịch chuyên nghiệp. Những người đã quá hiểu về thị trường. Trong khi những kẻ mộng mơ đang muốn đưa Bitcoin trở thành một thứ thay thế được cho tiền pháp định, công việc của phần lớn cộng đồng tiền điện tử trong thời điểm hiện tại là trò chơi với những con số. Đối với họ, BTC, ETH, XRP hay USDT chỉ đơn giản là cái tên, sao cũng được, sự biến động mới là điều quan trọng.

Ông đã bao giờ tưởng tượng Bitcoin sẽ trở thành như thế chưa hỡi Satoshi

Đó cũng là lời giải thích cho vụ “sập giá” hồi giữa tháng 3 năm nay, giá Bitcoin lao dốc hàng chục phần trăm chủ yếu là do các tài khoản margin bị thanh lý hàng loạt, gây ra tâm lý hoảng loạn cho nhà đầu tư, những người đang gồng lại quyết định bán tháo và vòng lặp lại tiếp tục. Sự cố này đơn thuần là về dòng tiền, thanh khoản và cách ngành công nghiệp này vận hành chứ không phải do những sự cố về bản chất của Bitcoin.

Điều thú vị là, khi nhìn vào bức tranh kinh tế chung, điều tương tự cũng đã xảy ra. Chỉ số S & P 500 chịu sự sụt giảm tồi tệ nhất trong 24 giờ trong lịch sử, cách ngành truyền thống tài chính bị tàn phá trong một cuộc khủng hoảng được gây ra bởi đại dịch CoVid19, tiền điện tử cũng không phải ngoại lệ.

Bitcoin bây giờ cũng chỉ được xem lại một loại tài sản khác – thứ mà nhà đầu tư sẵn sàng vứt bỏ nếu không sinh lời.

Đó cũng là lúc chúng ta nhận ra, câu chuyện về Bitcoin trở thành một loại tài sản trú ẩn an toàn đã tan tành, kể cả trong những cái đầu mơ mộng nhất.

Nhưng bạn tin không, đó hóa ra lại là một điều tốt.

Đầu tiên, bitcoin chưa bao giờ nên được xem là một loại tài sản trú ẩn an toàn. Trong suốt hơn 10 năm tồn tại và phát triển, giá trị của đồng tiền này luôn là một thứ gì đó quá khó nắm bắt, quá mới mẻ và không hề có lý do gì để  thuyết phục những nhà đầu tư với khối tài sản hàng chục tỷ bỏ tiền vào với lý do “sẽ giúp họ bảo toàn tài sản”. Thậm chí, bất chấp sự thiếu logic trong cách nghĩ này, niềm tin trên vẫn len lỏi vào từng ngóc ngách của cộng đồng tiền điện tử bởi vì nhiều người muốn tin rằng đó là sự thật.

Ừ thì, một loại tài sản có thể tăng 10% trong một ngày rồi giảm đến 20% vào tuần sau cũng có thể xem là một “tài sản an toàn” được chứ…

Haha

Thôi bỏ chiếc mặt nạ xuống đi. Chỉ khi chấp nhận bản chất của Bitcoin nói chung và thị trường tiền điện tử nói riêng, chúng ta mới có thể hướng đến những mục tiêu thực tế hơn, và mang đến nhiều giá trị hơn, thay vì cứ bám vào cái niềm tin “vàng kỹ thuật số” như trước đây.

Điều này sẽ giúp những nhà đầu tư có cái nhìn chính xác hơn về Bitcoin và có lẽ mang lại cho đồng tiền này một vai trò chính đáng hơn trong danh mục đầu tư.

Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng năm 2020 này cũng đã cho chúng ta thấy rằng không có gì gọi là “tài sản an toàn” cả. Vàng và tín phiếu, những thứ tài sản mà nhà đầu tư đặt niềm tin trong thời kỳ hỗn loạn, cũng giảm, phần lớn là do thanh khoản bị siết chặt.

Gold Yield (NYSEARCA:GLD) | Seeking Alpha

Tuy nhiên, danh mục đầu tư cần đa dạng hóa, tôn chỉ này càng trở nên quan trọng hơn khi các giả định thị trường đảo lộn và các quốc gia đầu tàu của kinh tế thế giới cũng đang chật vật để có thể gượng dậy sau quãng thời gian khó khăn này.

Vai trò mới cho bitcoin?

Trong một thế giới lo lắng về thu nhập, các tài sản như bitcoin và vàng không phải phụ thuộc vào dòng tiền để định giá có khả năng chiếm một vai trò ngày càng quan trọng giỏ đầu tư như một thứ tài sản thay thế.

Phạm vi của các tài sản thay thế càng lớn, các nhà đầu tư càng hưởng lợi, đặc biệt là trong những thời điểm rắc rối như hiện tại.

Trong một thị trường nơi các mối quan hệ cơ bản giữa tài sản và các giả định bị phá vỡ, một tài sản thay thế – thứ có thể tồn tại độc lập với dòng tiền vật lý, mới là thứ cần thiết và đáng tin cậy hơn so với một loại “tài sản an toàn” tự phong.

Ngắn gọn mà nói, việc Bitcoin hòa nhập và trở thành một phần của hệ thống tài chính toàn cầu, thay vì cố gắng “ngược sóng” và chăm chăm làm theo lý tưởng của mình có lẽ là một điều tốt cho đồng tiền này. Cuối cùng thì, Bitcoin đã có được cơ hội mà nó xứng đáng, còn việc thay đổi thế giới, hãy để những dự án thế hệ sau tiếp bước vậy.

Coin68

Tham khảo từ Coindesk, Investopedia và các trang báo quốc tế khác

-09/05/2020
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là nơi cung cấp cái nhìn tổng quan nhanh và chính xác nhất về tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68