logo
  • Tin tức
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
ads

Blockchain khai phá tiềm năng thực sự của User-generated Content

-14/06/2022

Blockchain khai phá tiềm năng thực sự của User-generated Content

Lịch sử của UGC

Thuật ngữ User-generated content (UGC – Nội dung do người dùng tạo ra) đã có từ rất lâu nhưng chỉ thực sự trở thành một xu hướng chủ đạo vào năm 2005 và bắt đầu phủ sóng trên nhiều phương tiện truyền thông bao gồm các trang web như YouTube, Facebook, Twitch, Wikipedia, cũng như trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử. UGC hướng đến xây dựng một không gian mở cho sự hợp tác và các thỏa thuận được cấp phép để loại bỏ các rào cản đối với việc sáng tạo và khám phá. Nội dung của UGC bao gồm đa dạng cái loại hình bao gồm hình ảnh, GIF, video, văn bản, âm nhạc, nhân vật trong trò chơi, cải tiến trong trò chơi,… Các nội dung này sau đó được người dùng đăng tải lên các nền tảng trực tuyến.

Hình 1: Loại hình UGC

Trò chơi dựa trên UGC đã có những bước phát triển vượt bậc trong nhiều năm qua. Các trò chơi này cho phép người chơi phát triển nội dung trò chơi theo cách riêng của mình và ngày càng có nhiều dự án hiện đang được xây dựng dựa trên mô hình này để thúc đẩy trí tưởng tượng, sự sáng tạo của người chơi và thậm chí một bộ phận còn có thể kiếm được tiền trong thế giới thực bằng cách tham gia vào thị trường UGC đầy tiềm năng này.

UGC trong ngành game truyền thống

Có thể nói rằng ngành công nghiệp trò chơi điện tử là một trong những lĩnh vực lớn nhất, thúc đẩy sự tăng trưởng vượt bật của UGC. Báo cáo của Nimdzi đã ước tính quy mô thị trường hiện tại để nội địa hóa UGC trong game năm 2020 là từ 100-180 triệu USD. Dự kiến sẽ tăng trưởng với tỷ lệ CAGR (Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép) là 10% vào năm 2024; trong khi tổng doanh thu toàn ngành là 134,05 tỷ USD và dự kiến tăng trưởng với tốc độ CAGR là 12% ở cùng thời điểm. Điều này cho thấy các tựa game UGC vẫn chiếm một phần rất nhỏ trong toàn ngành và còn nhiều dư địa để phát triển.

  • Loại hình đầu tiên của UGC có dạng “Mods”, là các cải tiến tùy chỉnh đối với cơ chế trong trò chơi và thiết kế của các trò chơi hiện có bằng cách sửa đổi phần mềm và thường được phân phối thông qua các diễn đàn của một bên thứ ba.
  • Ngoài Mods, UGC còn có hai loại khác là “Machinima”, sử dụng các lối chơi từ các trò chơi hiện có để tạo nội dung hoạt hình.
  • Cuối cùng là “Hệ thống tạo lập trò chơi” (Game Creation System) hoạt động như các nền tảng hoặc phần mềm được cung cấp bởi các studio game cho phép người dùng phát triển và tạo gameplay hoàn toàn mới dựa trên những nhân vật và bối cảnh sẵn có của trò chơi.

UGC đã giúp các công ty lớn gặt hái được nhiều thành công và một trong những dự án đi đầu đó là Roblox. Roblox tập trung vào việc phát triển các nền tảng và công cụ nhằm trao quyền lực và sự tự do sáng tạo cho người chơi. Được thành lập vào năm 2004, Roblox đã không ngừng phát triển và đạt được thành công to lớn như ngày nay. Chỉ tính riêng năm 2021, đã có 9,5 triệu nhà phát triển trò chơi sử dụng Roblox và 43,2 triệu người dùng hàng ngày với thời gian chơi gameplay UGC là hơn 3 tỷ giờ mỗi tháng. Hơn nữa, đã có hơn 40 triệu trò chơi được xây dựng trên Roblox. Đến tháng 10/2021, vốn hóa thị trường của Roblox là 43,02 tỷ USD, con số này đã đưa công ty lên vị trí 450 trong các công ty có giá trị nhất tính theo vốn hóa thị trường.

Hình 2: Roblox, dự án đi đầu trong ngành với mô hình UGC

Minecraft là cái tên thứ hai góp phần tạo nên cuộc cách mạng UGC vào năm 2011. Theo báo cáo của Statista, tính đến năm 2021 trò chơi đã bán được hơn 238 triệu bản trên toàn thế giới và trở thành một trong những trò chơi bán chạy nhất mọi thời đại cùng với các trò chơi huyền thoại khác như Tetris và Grand Theft Auto V. Cộng đồng Minecraft bao gồm hàng triệu người chơi tạo ra các thế giới huyền ảo và lôi cuốn của riêng mình bên trong thế giới mở của Minecraft. Nhiều người chơi Minecraft sau đó đã chia sẻ các nội dung sáng tạo của mình qua YouTube hay các kênh xã hội khác, điều này đã thu hút thêm một lượng người tương tác khổng lồ mới cho tựa game này.

Hình 3: Minecraft, một trong các tựa game bán chạy nhất mọi thời đại

Sự thành công của Roblox và Minecraft được tạo thành từ nhiều yếu tố sau:

  • Khả dụng trên nhiều nền tảng. Người chơi có thể trải nghiệm trò chơi bằng nhiều cách khác nhau như điện thoại thông minh, máy tính bảng, PC, các phiên bản Xbox, Playstation,… giúp người chơi dễ dàng giao lưu bạn bè và chia sẻ kinh nghiệm.
  • Nền tảng của sự sáng tạo. Trò chơi cung cấp cho mọi người một công cụ để xây dựng và sáng tạo thỏa trí tưởng tượng. Thật thú vị khi các nội dung mới và độc đáo liên tục được tạo ra và phát triển trong trò chơi.
  • Chế độ chơi đa dạng. Việc người chơi có thể truy cập vào rất nhiều chế độ chơi khác nhau cũng như quyết định loại trò chơi mình muốn chơi giúp trò chơi trở nên thú vị và cho phép người chơi ở mọi cấp độ kỹ năng tận hưởng các trải nghiệm của mình.
  • Cộng đồng lớn mạnh. Tương tác xã hội là một trong những khía cạnh quan trọng nhất của của các trò chơi điện tử. Roblox và Minecraft xây dựng thành công một cộng đồng người dùng lớn mạnh. Đó là cách để người chơi có thể tương tác, kết bạn, chia sẻ kinh nghiệm, và cùng nhau trải nghiệm các cuộc phiêu lưu kỹ thuật số.
  • Đối tượng người chơi đa dạng. Roblox và Minecraft thích hợp với mọi lứa tuổi. Lối chơi từ đơn giản phù hợp với trẻ em cho đến phức tạp để thách thức những người chơi lớn tuổi. Trò chơi đã tạo ra một thế giới mà cả người chơi lâu năm và người chơi mới đều có thể phát triển.

Đã 17 năm trôi qua kể từ khi UGC bắt đầu trở nên phổ biến và giờ đây chúng ta có thể bắt gặp UGC ở khắp mọi nơi. Ngoại trừ Roblox và Minecraft, rất nhiều tên tuổi lớn khác đã áp dụng mô hình chiến lược này như Fornite, Star Trek Online, Second Life, The Sims,…

Ngày nay, các trò chơi và nền tảng dựa trên UGC có thể được coi là một trong những tài sản kỹ thuật số lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, các trò chơi Web2 UGC vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng của mình và có thể trở nên lỗi thời bởi các giới hạn quy mô chỉ trong một vũ trụ của trò chơi cũng như thiếu hụt về sự khuyến khích và động lực cho cộng đồng.

Các vấn đề hiện tại của game UGC trên Web2

Hạn chế về nội dung

UGC rất hữu ích và giúp mở rộng vũ trụ trò chơi, tuy nhiên nó bị giới hạn trong chính vũ trụ đó bởi không chỉ các quy tắc của trò chơi nó sử dụng mà còn bởi công nghệ, bản quyền và các quy định pháp lý khác. Một khi trò chơi sụp đổ, tất cả nội dung được xây dựng trên đó sẽ biến mất. Ngoài ra, ngay cả những skin và mod sáng tạo, phức tạp nhất cũng sẽ bị ràng buộc với các studio game, người sáng tạo không có quyền sở hữu hoặc thậm chí là sự công nhận rộng rãi.

Xung đột Quyền Sở hữu Trí tuệ (IP)

Ngành công nghiệp trò chơi điện tử đã nhanh chóng tích hợp UGC vào các mô hình kinh doanh và các thiết kế của mình, nhưng lại thiếu sự linh hoạt trong cách tiếp cận khía cạnh pháp lý cũng như quy định của UGC. UGC là một thị trường chính thống nơi người chơi bình thường có thể sáng tạo và phân phối nội dung trò chơi của riêng họ, tuy nhiên vẫn chưa có câu trả lời cho các mối quan tâm về quyền SHTT và tình trạng pháp lý của UGC, cũng như cách người chơi sẽ được quy định và bảo vệ như thế nào trong môi trường trò chơi ảo. Ví dụ: một người chơi đã tạo một bản mod Pokemon cho Minecraft nhưng điều này không vi phạm điều khoản dịch vụ riêng của Minecraft, sau đó người sở hữu Pokemon IP là Nintendo đã khởi kiện và hủy bản mod này.

Môi trường không minh bạch

Công bằng và bình đẳng là yếu tố trọng yếu đối với những đóng góp cũng như việc kiểm duyệt nội dung của người dùng. Người sáng tạo nên được trả công xứng đáng cho các nỗ lực của họ dưới mọi hình thức hay phần thưởng. Các quy tắc phải được áp dụng một cách công bằng và tuân theo một mức độ kiểm duyệt công bằng ngang nhau. Một bộ hướng dẫn rõ ràng, ngắn gọn và dễ tiếp cận để truyền đạt cho cộng đồng và người dùng mới về cách họ tương tác với nền tảng cũng như người chơi khác hiện là khía cạnh mà nhiều dự án đang còn thiếu.

Phân bổ doanh thu không hiệu quả

Tiền và doanh thu được tạo ra từ nền kinh tế trò chơi trên Web2 là mô hình tập trung chủ yếu xoay quanh nhà phát hành trò chơi hoặc chủ sở hữu nền tảng. Có thể dễ dàng nhận thấy sự mất cân bằng khá lớn của dòng tiền khi thu nhập và doanh thu chưa được phân bổ một cách hiệu quả đến tay những người trực tiếp đóng góp và tạo ra giá trị cho trò chơi.

Không tạo động lực cho người chơi

UGC nằm ở giao điểm của nền kinh tế gig và đam mê. UGC được được tạo ra dựa trên mong muốn được thể hiện bản thân của các cá nhân, không phải vì bất kỳ một khuyến khích từ bên ngoài nào. Trò chơi trên Web2 không có một nền kinh tế mở thực sự mang lại phần thưởng cho các cộng đồng, người dùng đã sáng tạo và đóng góp giá trị cho dự án không nhận được gì hơn ngoài sự công nhận.

Blockchain đưa game UGC lên một tầm cao mới

Web3 được xây dựng dựa trên nền tảng của Web2 và tính năng chính trong mô hình của Web2 chính là sự tập trung. Tuy nhiên, Web3 được cho là bước chuyển mình tiếp theo trong sự phát triển của internet bởi nó tận dụng công nghệ blockchain để giữ cho dữ liệu của người dùng an toàn, phi tập trung và bảo mật. Nhờ việc tích hợp blockchain, các ứng dụng Web3 giờ đây trao mọi quyền sở hữu dữ liệu cho người dùng và cho phép họ kiếm được lợi nhuận từ chính những dữ liệu đó. Với Web3, không chỉ có nội dung do người dùng tạo ra mà quyền hạn và danh tính của nội dung đó cũng sẽ được phân quyền và hoàn toàn do người sáng tạo quyết định.

Lợi ích mà UGC trong Web2 mang lại là vô cùng to lớn. Tuy nhiên, các nhà phát triển và phát hành trò chơi vẫn chưa thể giải quyết được các vấn đề mà nó đang gặp phải.

Sự phi tập trung của blockchain chính là chìa khóa để giải quyết các vấn đề này và đưa UGC đến với sự hoàn thiện tối đa.

Quyền sở hữu thực sự

Các nhà phát triển có thể xem UGC như một cơ hội để tiếp cận với nguồn nhân sự chi phí thấp. Do đó, cần có một môi trường công bằng và minh bạch để người chơi và người sáng tạo được kết nối và cộng tác với các dự án. Được xây dựng trên công nghệ blockchain, Web3 trao toàn quyền sở hữu dữ liệu đến người chơi để tạo ra nhiều nội dụng có ý nghĩa và tương tác hiệu quả hơn. Người dùng có toàn quyền quyết định về cách sử dụng hay chia sẻ nội dung do mình tạo ra.

Mở rộng nội dung

Web3 sẽ làm cho trải nghiệm Thực tế mở rộng (XR) dễ tiếp cận và phổ biến hơn. Thế giới kỹ thuật số sẽ sớm phát triển vượt lên trên các trò chơi đơn giản thành một thế giới ảo với các hình đại diện cá nhân, tài sản kỹ thuật số và trải nghiệm hoàn chỉnh hơn đã được chứng minh bởi sự bùng nổ của NFT. Giờ đây, người dùng có thể tự tạo NFT và cá nhân hóa các NFT này theo ý muốn và tạo ra lợi nhuận bằng một hệ thống quản lý nội dung an toàn và trực quan hơn.

Khả năng giao dịch

NFT là một trong những loại hình dữ liệu kỹ thuật số phổ biến trong không gian Web3. Bất kỳ người sáng tạo nào cũng có thể tạo ra một NFT là video, hình ảnh, âm thanh, nhân vật, vật phẩm trong trò chơ hay bất kỳ loại tác phẩm nghệ thuật nào khác chỉ bằng một cú nhấp chuột. Tất cả NFT này đều có thể được giao dịch dưới dạng tài sản trên thị trường mở, giúp người sáng tạo kiếm được lợi nhuận dễ dàng hơn. Các chợ NFT như OpenSea, Rarible hoặc Nifty đang tạo ra các phương tiện bán hàng và phân phối cho các nhà sáng tạo, giúp họ hoàn toàn kiểm soát được dữ liệu, tài sản của mình bằng cách thiết lập bản quyền rõ ràng, quyền sở hữu minh bạch và giao dịch an toàn.

Khả năng tương tác giữa các thế giới ảo

Một khi NFT được triển khai ở quy mô lớn với tích hợp sâu trên cơ sở hạ tầng của blockchain, các vật phẩm được mã hóa như trang phục, vũ khí, phụ kiện, nhân vật trong trò chơi hoặc bất động sản, sẽ có khả năng lưu chuyển liền mạch giữa các thế giới ảo khác nhau. Điều này giúp tạo thêm doanh thu cho nội dung NFT gốc thông qua phí bản quyền và giảm rủi ro phá sản của trò chơi dẫn đến việc UGC sụp đổ như trong Web2.

Động lực kinh tế cho người chơi

Trò chơi trên Web3 chuyển hóa lại quyền lực và lợi nhuận từ các nhà phát hành game sang cộng đồng người chơi. Người dùng giờ đây hoàn toàn sở hữu tài sản của họ, tương tác trực tiếp với trò chơi và được khuyến khích hoặc trả thưởng cho những nỗ lực sáng tạo của mình bằng NFT, tiền điện tử hoặc các tài sản khác có thể được quy đổi thành giá trị thực. Điều này sẽ tạo động lực cho người dùng tham gia và đầu tư nhiều hơn vào metaverse, thúc đẩy việc xây dựng nội dung thực sự sáng tạo và độc đáo.

Mô hình doanh thu, phân phối và phát hành mới

Trò chơi trên Web3 với mô hình play-to-earn sẽ phân phối doanh thu được tạo ra trong trò chơi một cách đồng đều và cân bằng hơn. Người chơi dành nhiều thời gian, đóng góp nhiều hơn sẽ nhận được lợi nhuận nhiều hơn. Đồng thời, điều này sẽ góp phần đẩy mạnh mức độ tương tác giữa người chơi và trò chơi. Người chơi được khuyến khích trực trải nghiệm lâu dài, kiếm phần thưởng và đóng góp cho nền kinh tế của trò chơi. Ví dụ: trong Axie Infinity, NFT có thể được mua và giao dịch bên ngoài trò chơi và bằng cách chiến đấu với quái vật trong trò chơi, người chơi sẽ kiếm được token SLP, sau đó được giao dịch bằng các loại tiền điện tử khác hay quy đổi ra giá trị thực.

Ý tưởng “hoàn toàn sở hữu tài nguyên và giá trị” trên Web3 đã được tích hợp trong một số trò chơi metaverse trên blockchain, tập trung vào việc cung cấp các công cụ xây dựng cho phép người chơi của họ tạo ra các địa điểm 3D kỹ thuật số độc đáo. Mô hình này đã tạo nên thành công đối cho các trò chơi metaverse hàng đầu như The Sandbox, Decentraland và các thế giới mô phỏng khác.

Hình 4: The Sandbox, hệ sinh thái metaverse trên Ethereum dựa trên UGC lớn nhất

The Sandbox là một nền tảng trò chơi cho cộng đồng, nơi người sáng tạo có thể kiếm tiền từ tài sản voxel và các trải nghiệm trò chơi trên blockchain. The Sandbox bao gồm ba sản phẩm tích hợp, cung cấp trải nghiệm toàn diện cho quá trình sáng tạo nội dung. Các sản phẩm này mang lại nhiều lợi ích cho người dùng bằng cách trao toàn quyền sở hữu đối với nội dung do người dùng tạo ra thông qua blockchain và hợp đồng thông minh. Người chơi có thể tạo thu nhập trong metaverse của The Sandbox thông qua việc tạo nội dung voxel và bán chúng dưới dạng NFT, xây dựng và kiếm tiền từ trò chơi với Game Maker và sở hữu LAND. Đã có 88.302 Sandbox NFT được bán, số lượng người sở hữu The Sandbox là 21.136 người với tổng nguồn cung hiện tại là 142.084 token. Công ty đã tạo ra tổng cộng 7 triệu USD doanh thu vào quý 4/2021.

Mặc dù số lượng trò chơi Web3 áp dụng UGC vẫn còn hạn chế, tuy nhiên đó chỉ là vấn đề thời gian khi nhiều dự án tham gia vào thị trường này. Hiện tại, một số trò chơi blockchain đã bắt đầu đưa các yếu tố UGC vào gameplay của mình gồm Nyan Heroes, Shrapnel, OccupyWallStreet, ArchLoot, Project Enuule, Chillchat,…

UGC trong Metaverse

UGC là một mô hình quyền lực trong trò chơi điện tử và nó sẽ càng trở nên quan trọng hơn khi chúng ta bước vào kỷ nguyên metaverse. Trò chơi UGC có một tiềm năng thị trường to lớn chưa được khám phá hết. Chúng ta sẽ thấy một tương lai nơi UGC sẽ tận dụng triệt để lợi ích của blockchain và định nghĩa lại khái niệm GameFi. Sẽ luôn có thị trường cho các trò chơi AAA, nhưng cách mà thị trường này đang chuyển dịch hiện đang tập trung hướng đến UGC.

Metaverse mang thế giới lại gần nhau hơn. UGC có thể biến metaverse thành một nơi sôi động và thú vị hơn bao giờ hết bằng cách khuyến khích mọi người sáng tạo, chia sẻ sự sáng tạo đó với thế giới, cũng như kết nối với những người dùng khác theo những cách mà trước đó chưa từng có.

Về Ancient8 Research

Ancient8 Research là cổng phân tích về GameFi. Thông qua các nội dung Phân tích Game cùng Nghiên cứu Thị trường chuyên sâu, tầm nhìn của Ancient8 Research Portal là trao quyền cho thế hệ công dân Metaverse thế hệ tiếp theo với khả năng đánh giá dự án hiệu quả và mở rộng tiếp cận nhiều hơn các cơ hội đầu tư. Xem thêm về Ancient8 Research.

-14/06/2022
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là nơi cung cấp cái nhìn tổng quan nhanh và chính xác nhất về tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68