Hãy tưởng tượng trong túi bạn có 100 nghìn đô la. Bạn phải đầu tư chúng hết vào mua vàng hoặc mua Bitcoin – chỉ được chọn một trong hai – và sau đó chúng sẽ được lưu trữ trong một ngân hàng mà 50 năm sau bạn mới có thể rút ra lại được.
“Vậy bạn sẽ chọn phương án nào?”
Với hai mặt hàng có mức giá hiện tại gần ngang bằng như vàng và Bitcoin, hãy gạt sang một bên những lo ngại về biến động giá và rủi ro thanh toán của Bitcoin và tiến hành so sánh chúng như những phương tiện cất giữ dài hạn.
Bạn có thể lí lẽ rằng Bitcoin mới, hiện đại hơn vàng và có những ích lợi to lớn trong thời đại công nghệ số ngày nay. Nhưng bên cạnh đó không thể phủ nhận vai trò trong lịch sử của vàng – thứ kim loại được nâng niu cất trữ suốt hàng ngàn năm nay trong những nền văn minh của nhân loại.
Tuy nhiên, những đặc tính của Bitcoin đã khiến những người ủng hộ loại tiền mã hoá này tin rằng nó có thể sẽ soán ngôi vàng trong tương lai không xa.
Spencer Bogart, một nhà phân tích cho Blockchain Capital và trước đây là Needham & Company đã trả lời phỏng vấn như sau:
Nếu chúng ta cân nhắc các đặc điểm khiến vàng được tôn vinh như là một loại tiền bạc hay một phương tiện lưu trữ giá trị thì Bitcoin thật ra ưu việt hơn trên nhiều phương diện.
LẠM PHÁT SO VỚI GIẢM GIÁ
Một lợi thế khác mà Bitcoin có chính là sản lượng cung cấp của nó có giới hạn xác định – loại bỏ đi nỗi sợ về lạm phát thường gặp phải khi số lượng quá nhiều có thể làm giảm giá trị đồng tiền.
“Một đặc điểm dễ thấy được ở Bitcoin là đường cung của nó được thiết kế để không xảy ra lạm phát. Trong khi mọi người đều nghĩ là vàng cũng có tính chất như vậy nhưng thật ra thì nó là một loại tài sản mà tỉ lệ lạm phát biến đổi một cách lặng lẽ” – trích lời Chris Burniske, người đứng đầu bộ phận sản phẩm Blockchain của Công ty Quản lí đầu tư ARK.
Burniske cho biết nguồn cung vàng toàn cầu đã bí mật tăng từ 1 đến 2% hàng năm trong suốt thế kỷ trước.
Chris nói thêm:
“Nếu bạn hỏi mọi người theo thời gian thì đường cung của vàng có dạng như thế nào, phần lớn họ sẽ không vẽ cho bạn một đường thẳng đi lên đâu. Vì vàng có tính lạm phát lặng lẽ nên nó không thể đóng vai trò lưu trữ giá trị như Bitcoin được.”
Theo lý thuyết thì những đặc tính trên sẽ làm tăng ích lợi của Bitcoin trong tương lai như là một phương tiện thanh toán, giao dịch và cất trữ.
Họ cũng cho biết thêm rằng giá trị, độ hữu ích và tầm quan trọng của Bitcoin sẽ còn tăng thêm nữa khi thương mại dần trở nên số hoá.
“Khi mà ngày càng có nhiều kết cấu cơ sở hạ tầng được xây dựng trên nền tảng Bitcoin, nhu cầu về nó căn cứ vào toán học sẽ tiếp tục giãn nở theo, thúc đẩy việc trợ giá cho nó.” – Burniske trình bày trong bản sách trắng mới công bố.
“GỪNG CÀNG GIÀ CÀNG CAY”
Lợi thế mà chắc chắn vàng hơn hẳn Bitcoin đó chính là độ tin cậy, theo những người tham gia cuộc khảo sát. Bên cạnh đó, một thay đổi trong sở thích của người tiêu dùng, hay sự gián đoạn kĩ thuật,phản ứng của Chính phủ có thể làm Bitcoin thất thế.
“Vàng có đặc điểm cực kì quan trọng mà Bitcoin thiếu: đó chính là lịch sử hơn 1000 năm được dùng làm phương tiện cất trữ. Yếu tố này rất quan trọng với niềm tin của mọi người và mong muốn lưu trữ của cải của họ.” – Bogart phát biểu.
Vàng thậm chí còn chứng minh giá trị của mình kể cả khi bị Chính phủ giới hạn sử dụng hoặc cấm hoàn toàn.
Điều này từng xảy ra vào năm 1933 khi mà Tổng thống Franklin D. Roosevelt ban hành những lệnh cấm sử dụng vàng và xem sở hữu vàng là phạm pháp.
“Trong suốt hơn 5,000 năm qua, vàng và bạc đều đã được xem là những đồng tiền thật sự. Sự hiện diện của chúng gắn liền với xã hội có tổ chức.” – Dave Kranzler từ Investment Research Dynamics chia sẻ.
Trong phân tích của mình, Kranzler đã nêu lên ‘rủi ro liên đới’ của Bitcoin.
Vàng còn hơn Bitcoin ở chỗ là nó không lệ thuộc vào hoạt động của Internet, qua đó giúp bảo vệ nó khỏi những chế độ áp bức.
“Chẳng có gì ngăn cản bất kì Chính phủ nào đóng cửa Internet ở đất nước họ với lí do bảo vệ an ninh quốc gia hay những lí lẽ khác.” – Dave nói. Anh cho biết thêm rằng:
Chúng ta đã chứng kiến nhiều nền dân chủ hưng thịnh rồi lại suy tàn nhưng chủ nghĩa toàn trị thì luôn còn đó. Và khi điều đó xảy ra thì Chính Phủ sẽ là người nắm trong tay mọi thứ.
GIÁ TRỊ NGUYÊN TỐ
Vàng cũng thể hiện khả năng miễn dịch của mình trước các gián đoạn kĩ thuật.
Theo Burniske, trong lúc Bitcoin tạo cho mình nhiều uy tín, nó vẫn còn đó nhiều khiếm khuyết và vẫn có thể dễ dàng bị soán ngôi.
“Vị thế của Bitcoin sẽ không còn được duy trì một khi nó không thể thu hút thêm người dùng mới và thoả mãn những nhu cầu sử dụng của họ.” – Burniske khẳng định.
Thế mà trong khi những loại tài sản như hoa tulip Hà Lan, thị trường địa ốc Nhật Bản, các công ty kinh doanh trên mạng và thị trường nhà ở tại Mỹ bùng nố và đổ vỡ thì vàng vẫn kiên cường tiến lên, bất chấp thử thách của thời gian.
“Tôi không nghĩ có ai có thể chắc chắn được rằng bất kì hệ thống nhân tạo nào có thể còn giá trị 50 năm sau tính từ bây giờ.” – Josh Crumb, đồng sáng lập GoldMoney và từng là một nhà phân tích chiến lược hàng hoá tại Goldman Sachs, nhận định.
Anh cho biết thêm là:
Mọi người thường hay quên rằng vàng không phải chỉ là vài cục đá hay là một loại tài sản đầu cơ, nó còn là một nguyên tố. Vàng là phương tiện cất trữ ít rủi ro vì 50 năm sau giá trị của nó vẫn cứ sẽ y như bây giờ.
Trong khi các nhà đầu tư như Cameron và Tyler Winklevoss đã cho rằng những tiến bộ kĩ thuật xa vời như khai thác vàng trong thiên thạch có thể tạo ra những áp lực lên nguồn cung vàng (và làm giảm độ quý hiếm của nó), Crump lại có suy nghĩ là những sáng tạo công nghệ mang tính huỷ diệt sẽ là mối đe doạ lớn hơn đối với Bitcoin.
“Con người đã cố tạo ra vàng trong suốt 600 năm qua mà vẫn chưa được. Vì thế tôi nghĩ sẽ khả thi hơn nếu chúng ta chế tạo được các máy tính lượng tử có khả năng thay đổi kí tự mã hoá so với bỏ công đến các tiểu hành tinh để khai thác vàng.” – Crump nói.
BỔ TRỢ HAY THAY THẾ?
Có lẽ chuyện thắc mắc liệu Bitcoin có bao giờ thế chỗ vàng để trở thành phương tiện lưu trữ chung hay không hơi không thích hợp vì cả hai có thể và sẽ tồn tại song song như là các loại tài sản bổ sung lẫn nhau.
“Tôi thích đầu tư Bitcoin, đặc biệt là trong ngắn hạn, nó cũng tương tự như việc hỏi rằng ‘Bạn thích đầu tư vàng hay vào Facebook trong năm 2011?’” – Crumb chia sẻ. “Đối với tôi, hai việc đó chả có gì liên quan đến nhau.”
Như là một qui luật tồn tại trong các lĩnh vực đầu tư khác, câu trả lời chính xác cho so sánh giữa vàng và Bitcoin rốt cuộc sẽ được sáng tỏ bởi khả năng mạo hiểm của từng nhà đầu tư.
“Về khoản xây dựng danh mục đầu tư thích hợp thì có lẽ bạn muốn đa dạng hóa đối tượng. Bạn muốn có nhiều loại tài sản khác nhau mà giá trị không nhất thiết phải lên xuống cùng nhau.” – Burniske nhận định.
Anh kết luận:
Lúc nào cũng sẽ có chỗ cho việc hợp tác. Thật vớ vẩn khi so sánh Bitcoin với vàng theo kiểu một mất một còn.
Theo CoinDesk