Gần đây, ông Trump tuyên bố sẽ cắt giảm khoản đóng góp cho WHO vì tổ chức này có những động thái ưu ái hơn cho Trung Quốc trong quá trình hoạt động. Và WHO không phải là đối tượng duy nhất bị giày xéo bởi cuộc chiến giữa hai ông lớn. Vậy Bitcoin thì sao nhỉ, hôm nay hãy nói về cuộc chiến tài chính thú vị này nhé.
Nhiều người thắc mắc rằng khi Trung Quốc kiểm soát hơn 60% lượng Bitcoin được đào, thì Mỹ sẽ lấy gì ra để đối chọi lại với đế chế Đông Á này trong cuộc đua tiền điện tử? Câu trả lời hết sức đơn giản và giống với cách người Mỹ thường và vẫn đang làm, đó chính là sức mạnh của đồng Đô La.
Trước hết, chúng ta cần điểm qua vài con số thống kê. Chi phí đào coin trước Halving xấp xỉ 6 đến 7.000 USD. Sau đợt Halving này, chi phí dự kiến sẽ tăng gấp đôi (tức tầm khoảng 12.000 USD). Vì thế, ngưỡng giá 9k hiện tại (hoặc có đôi chút xê dịch) được coi là mức trung bình và sẽ duy trì trong một khoảng thời gian dài tới, một phần vì hầu hết các xưởng đào Trung Quốc đã có thể gồng được nhờ các đồng coin đào chỉ với giá 6, 7k đô trước Halving.
Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ khiến chi phí đào coin của các xưởng đào Trung Quốc tăng lên (kể cả họ đã hoàn thành việc đào các đồng coin này trước Halving). Nhiều người sẽ nghĩ là viển vông, nhưng hãy thử xem xét nó ở khía cạnh tỷ giá nhé. Khi các xưởng đào trả tiền điện đào coin tại Trung Quốc bằng đồng Nhân dân Tệ, và USD tăng giá trị so với đồng tiền Nhân dân Tệ, thì các thợ đào sẽ có một khoản lợi nhuận dư ra dưới dạng đồng tiền nội địa. Nhưng khi đồng USD trở nên yếu thế so với Nhân dân tệ, khi bán Bitcoin ra theo giá USD, thợ đào Trung Quốc sẽ bị thiệt hại và không thu về lượng Nhân dân Tệ tương xứng. Và điều đó dường như đang diễn ra, khi các chính sách nới lỏng định lượng (QE) của Mỹ liên tục được kích hoạt.
Thú thật mà nói, FED không quá quan tâm đến một thị trường nhỏ như Bitcoin, họ chỉ đang giảm giá trị đồng USD đơn giản chỉ vì muốn cứu nền kinh tế trong nước và hỗ trợ xuất khẩu ra nước ngoài, tuy nhiên điều này vô hình chung ảnh hưởng không nhỏ đến các quốc gia khác vì USD là một đồng tiền toàn cầu.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, một đồng USD hạ giá chưa tác động tiêu cực lên giá Bitcoin vì nhiều lý do, nhưng bản thân mình hiện tâm đắc với 2 lí do cơ bản.
Một là vì Trung Quốc cũng khôn khéo kéo tỷ giá mình xuống để đáp trả, do đó áp lực lên các thợ đào cũng là không quá cao.
Chúng ta có thể thấy, Bitcoin thường có biến động ngược chiều với giá Nhân dân Tệ. Mỗi khi Nhân dân Tệ giảm giá, Bitcoin lại có những tín hiệu tích cực.
Naeem Aslam, trưởng phòng phân tích thị trường tại Avatrade, cho biết với Business Insider rằng những biến động của đồng Nhân dân Tệ có ảnh hưởng diện rộng cho rất nhiều thị trường tiền tệ:
“Đây có thể là cuộc chiến tiền tệ giữa các ngân hàng Trung ương, khi họ nỗ lực theo đuổi các chính sách đồng tiền giá rẻ. Với việc Bắc Kinh đang liên tục có những chính sách hạ giá Nhân dân Tệ, nhiều khả năng chúng ta sẽ lại tiếp tục chứng kiến tỷ giá 1 USD đổi 7 Nhân dân Tệ trong thời gian tới.”
Thứ hai, một đồng Đô la giảm giá cũng vô hình chung giúp tỷ giá BTC/USD tăng lên. Các chính sách gần đây từ FED vô hình chung làm giới đầu tư không đánh giá cao mức giá trị nội tại của đồng Đô La, và sau khi cơn hoảng loạn từ Covid-19 đi qua, việc họ đổ tiền vào một nơi như Bitcoin cũng là hợp lý.
Như vậy, tựu trung lại, đâu là viễn cảnh xấu cho BTC. Đó là khi USD tăng giá trị trở lại sau những gợn sóng tác động hậu Covid và Nhân dân Tệ có động thái tăng mạnh so với USD (động thái kích thích các thợ đào Trung Quốc xả coin).
Tuy nhiên, cũng cần phải thừa nhận với nhau rằng, với một thị trường còn sơ khởi như Bitcoin thì cũng không hoàn toàn kết luận được yếu tố nào đang tác động lên giá, song phân tích những yếu tố nền tảng cấu tạo nên tâm lý của các nhà đầu tư trong thị trường vào thời điểm chuyển giao như thế này vẫn là hết sức quan trọng.
Sỹ Nguyên
Có thể bạn quan tâm: