Cộng đồng mạng Việt Nam những ngày này đang bị “bội thực” vì một đồng tiền mã hóa mới nổi mang tên Pi Network được quảng cáo tràn ngập khắp Facebook. Vậy Pi Network có lừa đảo không? Hãy cùng Coin68 điểm qua một lượt các trang báo lớn nhé.
Pi Network là gì?
Trên trang chủ, Pi tự giới thiệu là một đồng tiền điện tử chuyên dụng dành cho các thiết bị di động, có thể khai thác ngoại tuyến (offline) dễ dàng mà không tốn năng lượng do sử dụng giao thức đồng thuận Stellar.
Tuy nhiên, Pi Network không công khai mã nguồn của dự án nên không ai biết họ có sử dụng giao thức đồng thuận này hay không. Đây không phải là điều bắt buộc với một dự án Blockchain, nhưng công khai mã nguồn có thể chứng minh họ là một dự án thực sự.
Để biết thêm về Pi, bạn có thể đọc bài viết giới thiệu chi tiết của Coin68 tại đây:
Cuộc đổ bộ của Pi Network trên mạng xã hội Việt
Pi Network sẽ chỉ là một trong vô vàn những dự án blockchain đến và đi như hiện nay, nếu cái tên của nó không xuất hiện rầm rộ trên mạng xã hội với hình ảnh hết sức tiêu cực.
Cuộc đổ bộ của Pi với hàng loạt cách lôi kéo, khuyến khích, đe dọa… để thu hút người dùng mới thật sự là một thảm họa. Đi đến đâu chúng ta cũng thấy Pi thế này, Pi thế nọ, Pi cơ hội đổi đời,… dài vô hạn tuần hoàn như chữ số thập phân của π vậy.
Cảnh báo từ các trang báo lớn của Việt Nam
VnExpress: Người Việt săn lùng tiền ảo Pi
Ngày 24/2/2021, VnExpress, một trong những trang báo điện tử nhiều người đọc nhất Việt Nam, đăng bài viết với tựa đề Người Việt săn lùng tiền ảo Pi để cảnh báo hiện trạng tràn lan trên cộng đồng mạng hiện nay.
“Ứng dụng Pi Network có nhiệm vụ khai thác đồng tiền Pi từ điện thoại người dùng. Ứng dụng này trên Android yêu cầu một số quyền, như đọc danh bạ, nhận dữ liệu từ Internet… Để sử dụng, người dùng cần đăng ký tài khoản bằng số điện thoại hoặc Facebook, đồng thời có mã giới thiệu của người dùng trước. Việc khai thác Pi không yêu cầu công sức hay chi phí. Người dùng chỉ cần trong 24h vào ứng dụng một lần để “điểm danh”.
Ngay khi đăng ký thành công, tài khoản của mỗi người sẽ được 1 đồng Pi. Số đồng sẽ tăng theo thời gian. Tốc độ tăng mặc định ở giai đoạn đầu là 0,1 Pi/giờ, và sẽ tăng thêm mỗi khi người dùng mời thêm người khác cùng tham gia.
[…]
Trên các hội nhóm của người “đào Pi”, các đồng tiền điện tử như Bitcoin, Ethereum thường xuyên được đưa ra như minh chứng cho giá trị của tiền điện tử. “Khi Bitcoin vừa ra đời, người ta bảo nó là trò lừa đảo. Ngày hôm nay muốn sở hữu 1 Bitcoin thì những người đó phải trả 1,2 tỷ đồng”, tài khoản Addy Trần viết, đồng thời khuyên mọi người không nên bỏ qua “cơ hội” đào tiền miễn phí trên smartphone.
Hiện giá trị của đồng Pi trên thị trường bằng 0. Người dùng chưa thể giao dịch, mua bán bằng đồng tiền này.”
Tuy nhiên, Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ Blockchain, đồng thời là Trưởng Lab Blockchain thuộc Học viện Bưu chính Viễn thông cảnh báo:
“Các chuyên gia về tiền điện tử và bảo mật lo ngại dự án này có thể là một dạng “scam” – lừa đảo người dùng để lấy thông tin cá nhân.
Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn cho rằng Pi Network thiếu tính minh bạch của một dự án về blockchain.
“Nguyên tắc bất di bất dịch của blockchain là tính minh bạch. Pi Network có ứng dụng trên di động và các máy chủ xử lý thực tế, vậy tại sao không mở mã nguồn để cộng đồng xem xét mà phải đóng?”, ông Tuấn nghi ngờ.
Ông Tuấn cho rằng đồng tiền Pi có nhiều vấn đề vì người dùng Pi có tài khoản, nhưng không có địa chỉ ví và khóa bí mật, như vậy, sau này sẽ không thể chuyển tiền hay tiêu được. Tiền chỉ được lưu trên điện thoại hoặc server tập trung, người quản trị có thể thay đổi và tạo ra bao nhiêu tiền tùy theo ý muốn. “Khi đó, đồng tiền cũng không còn giá trị gì”, ông Tuấn nói.
Ứng dụng Pi Network được tải về và sử dụng miễn phí, nhưng theo ông Tuấn, người dùng chắc chắn sẽ “mất” thông tin cá nhân (như họ tên, số điện thoại hoặc facebook ID), thông tin xác thực eKYC. Ngoài ra, người dùng sẽ phải bỏ thời gian, công sức để lôi kéo người khác, lãng phí tài nguyên của điện thoại. Ứng dụng yêu cầu một số quyền truy cập thiết bị, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất thông tin.
Chuyên gia M. Ali từ trang TheCoinsPost đánh giá Pi Network giống một mô hình lừa đảo đa cấp. Theo Ali, người dùng không thể tự vào mạng lưới khai thác Pi, mà phải thông qua mã giới thiệu. Đây là biểu hiện của một mô hình kinh doanh theo kiểu kim tự tháp, thu hút mọi người bằng lời hứa về lợi nhuận nếu tuyển được thêm thành viên.
Giống ông Tuấn, M. Ali cũng nghi ngờ khi Pi Network không mở mã nguồn, đồng thời ứng dụng nhận hàng trăm nghìn đánh giá, nhưng phần nhiều là đánh giá “ảo”. Lời khẳng định “ứng dụng đào tiền điện tử đầu tiên trên smartphone” cũng không chính xác, khi trước đó có uPlexa và Electroneum sử dụng smartphone rồi.”
Thanh Niên: Tranh cãi xung quanh tiền điện tử Pi
Báo Thanh Niên “chơi lớn” dành hẳn một chuyên mục riêng để đăng tải các bài viết về Pi.
Một số bài viết trung lập về dự án, như ‘Cha đẻ’ của Pi Network là ai? vào ngày 30/01. Tuy nhiên, trang báo này cũng nhanh chóng cảnh báo người đọc, dẫn lời quan điểm của nhiều chuyên gia bảo mật về Pi.
“Gần đây, trang AI Multiple công bố bài viết chỉ ra một số điểm đáng ngờ trong cách vận hành Pi Network. Người viết bài là Cem Dilmegani – nhà sáng lập Al Multiple, từng làm việc cho những công ty như McKinsey, Altman Solon dưới tư cách cố vấn công nghệ.
Đầu tiên, Cem Dilmegani nhận xét ứng dụng Pi Network hoạt động chẳng khác nào “một hệ thống Tiếp thị đa cấp (Multi Level Marketing – MLM), hứa hẹn phần thưởng tương lai khi thành viên bỏ thời gian và công sức để thu hút người dùng mới”.
Nhóm sáng lập cũng đang chạy quảng cáo video để kiếm tiền từ những thành viên đang hoạt động. Mặc dù ứng dụng Pi Network không bắt người tham gia chi trả khoản phí nào, đổi lại họ phải dành thời gian và tự nguyện cấp thông tin cá nhân cho ứng dụng. Ứng dụng cũng có quy trình Know Your Customer (KYC) thu thập thông tin hộ chiếu thành viên. Đây là những thông tin có giá trị cho người đứng sau Pi Network.
Bên cạnh đó, phương pháp tiếp thị của Pi Network cố tình nhấn mạnh bằng cấp học thuật của nhóm người sáng lập. Bài viết trên trang AI Multiple cho rằng những thông tin như vậy không nói lên điều gì, vì nữ doanh nhân Ruja Ignatova – người đứng sau “đế chế lừa đảo” Onecoin ban đầu cũng giới thiệu mình có bằng Đại học Oxford và từng làm việc tại công ty McKinsey để tạo uy tín.”
Zing News: Cơn sốt ‘đào Pi’ ở Việt Nam, người chơi mong lãi lớn như Bitcoin
Zing cũng nhanh chóng vào cuộc, đưa ra những dấu hiệu bất thường của Pi như:
“Về mặt nhân sự, Pi Network giới thiệu trên Linkedin họ hiện có 70 nhân viên. Tuy vậy, những tài khoản liên kết được xem là “nhân viên của Pi” thực chất chỉ là những người tham gia ứng dụng với chức danh “nhà giao dịch tiền điện tử”. Không có chức danh marketing, kế toán, kỹ sư, lập trình viên hay giám đốc điều hành trong đội ngũ nhân viên của Pi Network như những dự án tiền điện tử khác.
Câu hỏi lớn nhất được giới đầu tư đặt ra là: nếu muốn thay thế Bitcoin, tại sao Pi vẫn chưa được sinh ra từ công nghệ blockchain – công nghệ “xương sống” của thế giới tiền mã hóa.
[…]
Cũng theo The Coins Post, phân tích Pi khác với các ứng dụng tiền điện tử thông thường khi xin hàng loạt quyền truy cập từ ID thiết bị, thông tin cuộc gọi, danh bạ, bộ nhớ, chạy khi khởi động, chặn ứng dụng khác, xem kết nối mạng.
“Chức năng chặn các ứng dụng khác rất quan trọng, nó cho phép ứng dụng đọc tin nhắn mã ngân hàng, đánh cắp mật khẩu…”, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu cảnh báo.
Bên cạnh đó, ứng dụng Pi còn bị phát hiện liên tục gửi các gói dữ liệu bất thường tới bên thứ ba là “socialchain.app” và “rayjump.com”.
Trên thực tế đã có báo cáo việc sau khi đăng ký Pi, một người dùng đã bị mất tiền trong tài khoản. Theo đó, bài viết trên Quora vào ngày 18/5/2020 từ người dùng Midas Tricone khẳng định anh đã mất tiền sau khi điền thông tin cá nhân và cấp quyền cho ứng dụng Pi.”
Zing khẳng định hiện tại, Pi chỉ là những con số ảo và không thể nào so sánh với Bitcoin hay Ethereum.
Tuy nhiên, những lời cảnh báo này nhanh chóng bị vùi dập trước cơn bão chỉ trích của cộng đồng Pi Network. Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn: Tôi bị đám đông tấn công khi khuyến cáo về Pi Network. Cộng đồng phát cuồng lấy miệt thị làm lời phản bác, tấn công cá nhân hay thậm chí… hack tài khoản Facebook của những người lên tiếng cảnh tỉnh.
Những dự án làm người Việt tiền mất tật mang: Bài học còn đó
Cộng đồng tiền điện tử Việt Nam vẫn chưa quên những vụ scam đình đám như OneCoin, BitConnect hay SkyMining. Không chỉ mất thời gian, nhiều người còn mất tiền hay thậm chí cả gia tài khi bị tham gia vào những dự án “ảo ma” như vậy.
Từ những dự án scam đình đám thế giới như Mỹ bắt giữ lãnh đạo cấp cao OneCoin, cáo buộc lừa đảo “hàng tỉ đô” tiền của nhà đầu tư hay BitConnect sắp sửa bị huỷ niêm yết khỏi sàn giao dịch cuối cùng rồi Chủ tịch BitConnect Ấn Độ bị bắt tại sân bay Delhi. Đến sự vụ công an vào cuộc điều tra vụ việc SkyMining (HTX Bầu Trời Công Nghệ) làm rung chuyển thị trường Việt Nam.
Bài học từ những lần tiền mất tật mang vẫn còn đó với cộng đồng Việt. Người dùng nên cảnh giác trước những lời dụ dỗ, kêu gọi đầu tư hết sức… màu hồng. Đừng vì đôi phút nảy sinh lòng tham nhất thời mà buông lơi cảnh giác và phải nhận trái đắng về sau.
Đội ngũ Coin68
Có thể bạn quan tâm: