logo
  • Tin tức
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
  • Báo cáo
  • Sự kiện
  • Nổi bật
  • Coin68 TV
  • E-Magazine
  • Góc nhìn
ads

Báo Cáo Tổng Quan GameFi năm 2021 – GameMarketCap x Ancient8

-24/01/2022

Trước khi Axie Infinity bùng nổ vào mùa hè năm nay, khái niệm GameFi đã xuất hiện và tồn tại một thời gian dài trong không gian tiền mã hoá nhưng không nhận được nhiều sự chú ý từ cộng đồng. Tuy nhiên, mùa hè năm nay mới chính là lúc GameFi khẳng định vị thế của mình khi Axie Infinity hoàn tất quá trình chuyển đổi qua sidechain Ronin và hoàn thiện mô hình Play-to-Earn của mình ngay tại thời điểm đại dịch COVID-19 hoành hành. Tất cả những sự kiện trên đã trở thành những mảnh ghép đúng nơi, đúng thời điểm, tạo tiền đề cho sự bùng nổ thật sự của GameFi trong năm 2021.

Thông qua bài Báo cáo Thị Trường GameFi năm 2021, Đội ngũ GameMarketCap và Ancient8 hy vọng mang đến cho bạn đọc cái nhìn tổng quan về GameFi trong năm 2021, GameFi trên các hệ sinh thái, tình hình đầu tư và sự phát triển của các dịch vụ trọng yếu xoay quanh phân khúc thị trường này, cụ thể là mô hình Launchpad và Gaming Guild.

Báo Cáo Tổng Quan GameFi năm 2021 – GameMarketCap x Ancient8

1. Tổng quan

Trong năm 2021 và đặc biệt là quý 3, ngành thị trường GameFi đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ khi chỉ số Unique Active Wallets – UAW (ví) hoạt động trên các ứng dụng GameFi lần đầu tiên vượt qua cột mốc 1 triệu người dùng. Tính đến đầu quý 4/2021, chỉ số UAW đã có sự tăng trưởng vượt trội đạt 318% so với đầu quý 3 năm nay (theo thống kê từ DappRadar). Tuy ghi nhận mức ATH UAW đạt 1,5 triệu vào ngày 30/11, chỉ số UAW đã khép lại năm 2021 một cách khiêm tốn với khoảng 1,2 triệu người dùng hoạt động trên các ứng dụng GameFi, giảm 6% so với đầu quý.

Hình 1: Số Lượng Ví GameFi Hoạt Động Hằng Ngày

Theo dữ liệu thống kê từ DappRadar, số lượng người hoạt động trên các ứng dụng GameFi chiếm đến 49% tổng số lượng người hoạt động trên các ứng dụng phi tập trung với sự tăng trưởng đáng kể lưu lượng truy cập ở danh mục GameFi vào quý 2/2021 khi Axie Infinity thành công chuyển đổi sang sidechain Ronin và cơ chế khai thác trillium của Alien Worlds được kích hoạt. Chỉ số này thậm chí đã vượt qua cả chỉ số của ngách DeFi trong tháng 8 khi hàng loạt ứng dụng blockchain gaming ra mắt theo xu hướng, châm ngòi cho sự bùng nổ thật sự của ngách GameFi.

Hình 2: UAW Theo Danh Mục năm 2021

Axie Infinity xứng đáng nhận được sự chú ý từ cộng đồng GameFi và tiền mã hoá nói chung khi là người tiên phong tận dụng mô hình play-to-earn giúp cải thiện thu nhập cho người dùng ngay tại thời điểm tháng 5, khi thị trường tiền mã hoá bắt đầu đi vào downtrend cũng như tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở các nước Đông Nam Á. Sự kiện này được ví như một “hiệu ứng cánh bướm”, gián tiếp kích hoạt kỷ nguyên GameFi và một lần nữa trong năm 2021, khuấy động toàn bộ thị trường tiền mã hoá.

2. Axie Infinity

Không thể phủ nhận, Axie Infinity chính là ngọn hải đăng đưa con tàu GameFi đi xuyên qua màn sương mù của cơn bão DeFi và sự sụp đổ của thị trường vào tháng 5/2021. Minh chứng qua dữ liệu on-chain, Axie Infinity có cho mình vị trí thứ ba về doanh thu từ giao thức tính đến cuối năm 2021, chỉ sau Filecoin và blockchain L1 tiền thân của dự án này, Ethereum. Đáng chú ý, sự nổi lên của Axie đã đem đến một làn gió mới cho thị trường, tạo cơ sở cho sự phát triển của hàng loạt các dự án GameFi khác, thiết lập một vị thế hoàn toàn mới cho tính ứng dụng của blockchain, lần đầu tiên, đủ khả năng thách thức các lĩnh vực truyền thống.

Với hơn 1,26 tỷ USD doanh thu giao thức, gần 98,5% trong số đó được tích lũy chỉ trong 180 ngày qua, Axie Infinity xứng đáng trở thành người chiến thắng cho giải thưởng danh giá “Quả cầu vàng” của không gian tiền điện tử năm 2021. Với sự phát triển phi thường này, tựa game đi đầu mô hình play-to-earn đã khép lại một năm 2021 đáng nhớ với những thành tích vượt xa một số trò chơi phổ biến nhất mà người dùng đã từng nghe qua. Ví dụ: Fortnite hoàn thành việc tiếp cận 1 triệu người dùng đầu tiên vào tháng 8/2017, 2 năm kể từ khi ra mắt phiên bản Closed Beta (theo Statista). Kể từ đó, tựa game được ví như “gà đẻ trứng vàng” của Epic Games này đã thống trị thể loại trò chơi battle-royale với mức tăng trưởng gấp 350 lần trong 3 năm kế tiếp. Trong khi đó, Axie chỉ cần đến giai đoạn Alpha để đạt cho mình cột mốc 2 triệu người dùng đầu tiên, ngay cả khi phiên bản Free-to-play chưa được Sky Mavis ra mắt.

Hình 3: Tổng Quan Các Dự Án GameFi/Metaverse

Hiện tượng Axie đã lan tỏa một câu chuyện đầy cảm hứng cho các dự án GameFi thế hệ tiếp theo, nối gót tựa game này chinh phục những cột mốc xa hơn của vùng đất GameFi còn đang chớm nở. Trong giai đoạn tiền Axie, rất khó để bắt gặp các dự án GameFi hay thậm chí ngay cả thuật ngữ “play-to-earn” dường như chưa hề tồn tại trong thế giới Blockchain lúc bấy giờ. Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng các dự án GameFi đã vượt mốc một nghìn dự án, với sự tăng trưởng ngoạn mục cả về mặt số lượng lẫn chất lượng trên nhiều nền tảng blockchain như Ethereum, BSC, Polygon, Solana,..

Với dữ liệu từ của Google Trend, Axie Infinity chính là người khởi xướng và phổ biến thuật ngữ GameFi đến với cộng đồng kể từ đỉnh điểm vào tháng 6-7. Kể từ đó, khái niệm GameFi dần thu hút nhiều hơn sự chú ý, trước khi đạt ATH vào tháng 11.

Hình 4: Google Trend – Axie Infinity & GameFi

Tuy nhiên, mọi sự tăng trưởng đều tồn tại một vấn đề mới đi kèm: tắc nghẽn mạng blockchain. Chứng kiến ​​sự tắc nghẽn của mạng Ethereum gây ra bởi ứng dụng Crypto Kitties vào năm 2018, đội ngũ Sky Mavis đã ưu tiên Ronin như mục tiêu hàng đầu của công ty để tồn tại trong ngách thị trường GameFi. Giải pháp L2 không chỉ giúp Axie tránh được vấn đề về khả năng mở rộng của mạng Ethereum mà thậm chí còn tốt hơn, ươm mầm cho sự nở rộ của các dự án GameFi sau này. Tuy nhiên, không phải tất cả các dự án GameFi đều có khả năng phát triển blockchain của riêng họ. Nhiều dự án lựa chọn các giải pháp L2 khác hoặc phát triển trên các mạng blockchain hiệu năng cao như Solana, Avalanche, WAX, … dẫn đến sự tăng cao nhu cầu xây dựng các ứng dụng Gaming trên các mạng thay thế Ethereum.

3. GameFi trên các hệ sinh thái

Bất chấp câu chuyện thành công của Axie Infinity trên Ethereum, những vấn đề và thách thức từ việc giới hạn khả năng mở rộng, phí giao dịch cao và việc nghẽn mạng một lần nữa hiện hữu như những trở ngại chính, ngăn cản việc phát triển các ứng dụng GameFi trên blockchain này. Do đó, cộng đồng tiền mã hoá đã chứng kiến ​​sự gia tăng ấn tượng về số lượng các dự án GameFi được xây dựng trên các blockchain hiệu năng cao như một giải pháp thay thế cho Ethereum trong nửa cuối năm 2021.

Có thể nói, GameFi có vai trò không nhỏ trong việc củng cố vị thế của các blockchain hiệu năng cao trong giai đoạn Quý 3 và Quý 4/2021. Dữ liệu on-chain cho thấy, số lượng người dùng mỗi tuần trên các blockchain hàng đầu dành cho GameFi tăng vọt 482% so với tuần đầu tiên của năm 2021. Theo DappRadar, GameFi chiếm trung bình 40% trong tổng số người dùng trên mỗi blockchain trong nửa cuối năm 2021 so với các danh mục khác của DeFi, Exchanges, Gambling, v.v. Trong số đó, BSC và WAX nhận được nhiều sự quan tâm nhất từ cộng đồng, tăng từ 2,69 triệu và 2,58 triệu người dùng hàng tuần vào tháng 6/2021 lên mức ATH đạt 8,97 triệu và 3,4 triệu lần lượt trong nửa cuối năm 2021. Ronin Network, giải pháp sidechain liên kết với mạng Ethereum, sử dụng cho các ứng dụng blockchain của Sky Mavis (hiện tại là Axie Infinity) là minh chứng cụ thể về sự bùng nổ của GameFi với mức tăng từ khoảng 300 người dùng vào tháng 1 lên gần 740.000 người dùng mỗi tuần trong tháng 12/2021 (theo dữ liệu từ DappRadar).

Hình 5: Tổng Số Người Dùng Hoạt Động Mỗi Tuần Theo Blockchain Trong Năm 2021

Như một lẽ hiển nhiên, GameFi chiếm trung bình 77% tổng số giao dịch trên tất cả các nền tảng blockchain, hoàn toàn vượt trội so với DeFi (theo Dapp Radar). Dữ liệu này cũng cho thấy sự gia tăng về tổng số giao dịch tính riêng ở hạng mục GameFi so với nửa đầu năm 2021 khi chỉ số này tăng vọt 98%, đạt mức trung bình 135,8 triệu giao dịch hàng tuần trong nửa cuối năm so với mức trung bình 68,5 triệu ở nửa đầu năm 2021. Qua đó, một lần nữa chứng minh vai trò to lớn của ngách thị trường GameFi đối với các nền tảng blockchain này.

Hình 6: Tổng Số Giao Dịch Mỗi Tuần Theo Blockchain Trong Năm 2021

Với những cải thiện về mặt hiệu năng và khả năng mở rộng, các blockchain thế hệ mới cho phép các ứng dụng GameFi gỡ bỏ những giới hạn về mặt công nghệ, giúp những tựa game cải thiện gameplay cũng như tokenomic. Với lượng người dùng sẵn có, BSC đã vượt qua Ethereum trở thành nền tảng blockchain được ưa thích nhất cho các dự án và cơ sở hạ tầng GameFi phát triển với tổng số 315 trò chơi xây dựng trên nền tảng này tính đến thời điểm tháng 12/ 2021.

Hình 7: Tổng Số Lượng Game Blockchain

3.1. Binance Smart Chain

Hình 8: Tổng Quan Các Dự Án GameFi Trên Binance Smart Chain

Binance Smart Chain đã khép lại một năm 2021 một cách toàn vẹn với nhiều mốc quan trọng ghi nhận nhờ vào sự phát triển hệ sinh thái GameFi trên blockchain này, thay vì tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng DeFi như kế hoạch đã vạch ra trước đó. Theo Token Terminal, tổng doanh thu được tạo ra trên Binance Smart Chain đã vượt qua mốc kỷ lục 600 triệu đô la so với 2,2 triệu đô la vào tháng 6/2021.

Từ đó, Binance Smart Chain được cộng đồng biết đến với cái tên “vùng đất GameFi”  với những dự án nổi bật khuấy động cộng đồng tiền mã hoá như CryptoZoon, CryptoBlades và Mobox với những kỷ lục về cả người dùng và khối lượng giao dịch. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số lượng đáng kể các dự án có biến động giá tiêu cực, khiến các nhà đầu tư riêng lẻ có cái nhìn tiêu cực đối với chất lượng của các dự án GameFi trên nền tảng blockchain này.

3.2. Polygon

Hình 9: Tổng Quan Các Dự Án GameFi Trên Polygon

Là giải pháp Layer 2 tiêu biểu, Polygon nâng cao trải nghiệm của người dùng với thông lượng và khả năng mở rộng cao hơn so với mạng Ethereum. Mang cho mình một hệ sinh thái GameFi đa dạng bên cạnh các ứng dụng DeFi, Polygon đã thành công gia tăng mức tổng doanh thu từ 11 nghìn đô la lên hơn 8,9 triệu đô la trong nửa cuối năm 2021 (theo Token Terminal).

3.3. Solana

Hình 10: Tổng Quan Các Dự Án GameFi Trên Solana

Quý 3/2021 đánh dấu thời kỳ “bùng nổ” của blockchain Solana với sự tăng trưởng ngoạn mục chiếm lấy một phần đáng kể thị phần không gian blockchain trong cả hai phân khúc DeFi và GameFi. Trái với BSC, Solana được cộng đồng biết đến nhiều hơn như một vùng đất hứa cho các dự án GameFi chất lượng, nhận được sự hậu thuẫn của những tên tuổi lớn trong ngành bao gồm FTX, Solana Ventures, Alameda Research, v.v.

3.4. Avalanche

Hình 11: Tổng Quan Các Dự Án GameFi Trên Avalanche

Bên cạnh Solana, Avalanche là cái tên mang lại nhiều dấu ấn trong nửa cuối năm 2021 với sự “bùng nổ” về mặt cơ sở hạ tầng, thu hút được nguồn tiền đáng kể từ mạng Ethereum. Với khả năng tương thích EVM, tính hoàn thiện tức thì và phí giao dịch rẻ, Avalanche đã thành công nhận được sự tin tưởng của một số lượng lớn các dự án GameFi, củng cố sự đa dạng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên hệ sinh thái này.

3.5. Các blockchain chuyên dụng cho GameFi/NFT

Để giải quyết nhu cầu ngày càng lớn của các dự án GameFi và NFT, một số giải pháp blockchain đã được ra đời với cơ sở hạ tầng và các tính năng đặc biệt được thiết kế để dành riêng hỗ trợ sự phát triển các ứng dụng trong ngách thị trường này. 

Hình 12: Các Blockchain Chuyên Dụng Cho GameFi/NFT

Hive, WAX và Enjin là những cái tên nổi bật với tư cách là những người đi đầu trong phân khúc này, cung cấp các giải pháp và cơ sở hạ tầng cho một số lượng đáng kể các trò chơi blockchain nổi tiếng như Splinterlands, AlienWorlds, Agricultural World, Lost Relics, v.v. Điển hình trong đó là, Splinterlands, một trò chơi thẻ bài NFT được phát triển trên nền tảng Hive và WAX, là một trong những trò chơi blockchain phổ biến nhất với kỷ lục ghi nhận gần 750 nghìn người dùng hoạt động cùng với khối lượng giao dịch 2,5 triệu đô la trong khoảng thời gian 30 ngày qua (theo dữ liệu được cung cấp bởi DappRadar).

Việc mở rộng các giải pháp cơ sở hạ tầng này cho NFT Gaming là một tín hiệu tích cực cho sự tăng trưởng bền vững của ngách thị trường GameFi trong tương lai. Qua đó, thúc đẩy dòng tiền từ hàng loạt các quỹ lớn chảy vào ngách thị trường này khi mà đây chỉ mới là giai đoạn bắt đầu và các tổ chức đầu tư dường nhìn thấy tiềm năng ở bất kì một góc nhỏ nào trong thị trường này, đặc biệt là trong quý cuối cùng của năm nay.

4. Tổng quan về thị trường gọi vốn của GameFi

Chu kỳ tăng trưởng của GameFi được nhận định là có nhiều điểm khác biệt so với chu kỳ trước đó của DeFi. Đặc biệt, các khía cạnh cơ bản của DeFi như DEX, Lending/Borrowing, Phái sinh và Tài sản Tổng hợp vẫn là những nguồn thu hút vốn đầu tư chính của DeFi, tuy nhiên, ngách này vẫn chưa có những phát triển đáng chú ý trong một thời gian đáng kể. Trong khi đó, các khoản đầu tư của tổ chức GameFi nhắm đến việc mở rộng những giới hạn công nghệ của ngách GameFi thông qua việc chú trọng phát triển cơ sở người dùng, các giải pháp mở rộng quy mô, quyền sở hữu tài sản trong trò chơi, cơ sở lưu trữ tài sản và các dịch vụ cộng đồng. Theo Footprint Network, GameFi được định vị là “người dẫn đầu” thu hút các khoản đầu tư, chiếm gần 16% tổng số khoản đầu tư được thực hiện vào không gian blockchain vào năm 2021.

Hình 13: Các Quỹ Đầu Tư Tích Cực Trong Lĩnh Vực GameFi/Metaverse

Nhận định được tiềm năng phát triển của GameFi/Metaverse, một số nhà đầu tư mạo hiểm đã và đang tích cực dành một sự ưu ái nhất định cho ngách thị trường này, ươm mầm và dẫn dắt các dự án trong giai đoạn đầu phát triển, bao gồm những cái tên tiên phong như Kyros Ventures, Animoca Brands, Coin98 và Kyber Ventures. Không dừng lại ở đó, danh sách các quỹ đầu tư hoạt động tích cực trong ngách GameFi / Metaverse liên tục được lấp đầy với sự tham gia của các tên tuổi lớn trong ngành như DeFinance Capital, Pantera, Binance Labs, A16Z, Coinbase Ventures và Huobi Ventures. Để thể hiện tầm nhìn của mình đối với GameFi, Binance đã tổ chức MVB III, tạo bể phóng hỗ trợ các dự án GameFi, trong đó những dự án chiến thắng sẽ được nhận 10 nghìn đô la cùng với gói kiểm tra bảo mật hoàn chỉnh từ Certik và hàng loạt các chương trình hỗ trợ phát triển đi kèm.

Hình 14: Các Dự Án Gaming Tham Gia Binance Smart Chain MVB III

Năm 2021 đánh dấu một cột mốc quan trọng của hoạt động đầu tư GameFi/Metaverse nói riêng và đầu tư vào blockchain nói chung. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số tiền tài trợ được huy động/phân phối cho các dự án GameFi/Metaverse và cơ sở hạ tầng của ngách vào năm 2021 đã vượt qua mức kỷ lục với hơn 4 tỷ đô la đầu tư (theo Blockchain Gamer).

GameFi được miêu tả như cánh cổng chuyển tiếp, cho phép các VC và Game Studio truyền thống đặt cho mình những bước chân đầu tiên, tiếp cận thế giới blochain. Softbank, Atomico và Bessemer đã mở đường với các khoản đầu tư khổng lồ  của họ vào dự án Sorare, giúp khép lại năm 2021 thành công của dự án này với gần 738 triệu đô la được huy động (theo Blockchain Gamer). Vào cuối quý 3, Meta (trước đây là Facebook) đã công bố tầm nhìn dài hạn của công ty đối với lĩnh vực Metaverse và ngay sau đó ra mắt quỹ phát triển trị giá 50 triệu đô la để hỗ trợ cho nỗ lực này. Tín hiệu này đánh dấu bước ngoặt thay đổi hiện trạng đầu tư vào ngách GameFi/Metaverse khi hàng loạt các đầu tư khổng lồ khác đã được công bố sau cột mốc này, bao gồm Forte, Game7, Mythical Games, v.v. như thống kê dưới đây.

Hình 15: Tổng Quan Các Khoản Đầu Tư Dự Án GameFi & Metaverse

Bên cạnh những khoản vốn ấn tượng huy động từ các tổ chức lớn, các nhà đầu tư riêng lẻ cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự thành công của các dự án GameFi trong giai đoạn này. Để nắm bắt nhu cầu đầu tư từ các nhà đầu tư riêng lẻ, các nền tảng Launchpad đã cho ra mắt các dịch vụ như IGO/INO giúp để kết nối các nhà đầu tư và dự án GameFi. Qua đó, định vị Launchpad như một trong những chiến lược đầu tư thiết thực nhất cho các nhà đầu tư riêng lẻ đầu tư vào các dự án GameFi.

5. Launchpad

Theo thời gian, ngày càng có nhiều dự án GameFi được xây dựng với lượng vốn khổng lồ bắt đầu chảy vào lĩnh vực này từ các quỹ mạo hiểm và cả các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Điều này gián tiếp vạch ra một cơ hội phát triển đầy tiềm năng cho các nền tảng Launchpad trở thành cầu nối giữa các dự án và các nhà đầu tư riêng lẻ, những người đi tìm kiếm cơ hội mới trong phân khúc GameFi.

Sự thống trị của phân khúc GameFi đã được tái hiện một lần nữa trên các nền tảng Launchpad. Theo dữ liệu từ CryptoRank, vào năm 2021, có gần 800 đợt mở bán token trên tất cả các nền tảng Launchpad và một phần tư trong số đó đến từ các dự án GameFi. Quý 4 là cột mốc đáng chú ý của GameFi khi số đợt mở bán token của các dự án thuộc ngách thị trường này chiếm gần 50% tổng số các đợt mở bán token. Tính riêng về số đợt mở bán token thuộc hạng mục GameFi, Quý 4 chiếm gần 75%.

Hình 16: Thống Kê Launchpad Trong Quý 4 Năm 2021

GameFi không chỉ thống trị các nền tảng Launchpad về mặt số lượng dự án mà bên cạnh đó còn mang đến lợi mức lợi tức đầu tư (ROI) cao đáng kể cho các nhà đầu tư. Tính riêng trong Quý 4, ROI trung bình của các dự án GameFi trên tất cả các nền tảng Launchpad đạt mức xấp xỉ 1100%.

Thống kê ghi nhận phần lớn các đợt mở bán token đều được thực hiện trên các nền tảng phi tập trung, thường được gọi là IDO, thay vì các sàn giao dịch tập trung. Ghi nhận mức ROI cao kỷ lục, nhiều nhà đầu tư lựa chọn cách tham gia IDO như một chiến lược đầu tư thiết thực giúp  tối đa hóa lợi nhuận khi đầu tư vào các dự án GameFi. Tạo được nhu cầu nắm giữ token gốc để tham gia các đợt mở bán, các token Launchpad đã hưởng lợi trực tiếp và ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể về giá trong nửa cuối năm 2021, nổi bật trong đó là những cái tên như GAFI, XAVA và SFUND.

Hình 17: ATH ROI Của Các Token Launchpad Trong Quý 4 Năm 2021

Bên cạnh việc mở bán token vào thời điểm hiện tại, các dự án GameFi đã thành công nắm bắt nhu cầu của thị trường và ra mắt một loại hình dịch vụ mới mang tên Initial Game Offering hay Initial NFT Offering, cho phép mở bán lần đầu các NFT vật phẩm của các dự án Game ra cộng đồng, mang tên IGO hay INO. Binance là cái tên tiêu biểu nhất khi thành công hỗ trợ hàng loạt các dự án tiếp cận đến nhà đầu tư thông qua các đợt mở bán các vật phẩm NFT ngay trên nền tảng Binance của mình.

Việc mở bán các NFT đã trở thành một nguồn thu nhập chính bên cạnh việc bán token, giúp các nhà phát triển trò chơi tối ưu hoá được dòng tiền cho việc sản xuất sản phẩm của mình. Mặt khác, nhu cầu về vật phẩm NFT sẽ tỉ lệ thuận với sự phổ biến của trò chơi, gián tiếp tạo ra một rào cản đầu vào đối với những game thủ thuần túy, những người muốn được trải nghiệm và kiếm tiền nhưng không đủ khả năng chi trả cho chi phí tham gia trò chơi. Chính vì lẽ đó, khái niệm Gaming Guild ra đời, là giải pháp cho vấn đề nan giải này và mở ra cánh cửa cơ hội rộng mở cho các game thủ với một mô hình kinh tế cải tiến hoàn toàn mới.

6. Blockchain Gaming Guild

6.1. Sự khởi đầu

Vào mùa hè năm 2021, Axie Infinity, kỳ lân hàng đầu của ngách thị trường GameFi, đã hoàn thành một số cập nhật cơ sở hạ tầng quan trọng như việc chuyển đổi qua sidechain Ronin, giúp trò chơi dễ dàng tiếp cận với cộng đồng cùng với gameplay hoàn thiện, thu hút hàng nghìn người chơi tham gia vào tựa game này. Cùng lúc đó, tình hình dịch bệnh ở các nước Châu Á diễn biến phức tạp, tạo nên một điều kiện “thiên thời địa lợi nhân hòa” cho mô hình play-to-earn bắt đầu bén rễ. 

Theo thống kê từ BitPinas, ở những tháng đầu khi Axie Infinity đang là cơn sốt, lượng SLP người chơi kiếm được rơi vào khoảng gấp 3 lần thu nhập bình quân của người lao động ở một số vùng của Philippines. 

Cùng lúc đó, cơn sốt NFT Gaming đã đẩy nhu cầu sở hữu Axie tăng cao và nâng giá sàn của Axie NFT một cách chóng mặt lên mức trung bình $495.5 cho 1 NFT, tăng 76% trong vòng 2 tuần (theo CryptoSlam).

Do nhu cầu kiếm thêm thu nhập từ việc chơi game tăng cao nhưng mức giá entry của Axie lại quá cao nên từ đó, xuất hiện một số tổ chức với nguồn lực khổng lồ đứng ra thiết lập mô hình “cho thuê Axie”, dẫn đầu là các Gaming Guilds như Yield Guild Games hay hedge fund như Blackpool.

6.2. Mô hình kinh doanh mới

Sự xuất hiện và phát triển của mô hình gaming guild đã tạo ra một thay đổi lớn về mặt cấu trúc trong không gian tiền mã hoá. Mô hình độc đáo này mang đến nhiều nguồn thu nhập mới cho bản thân các Gaming Guild đến từ các Scholar chơi game, từ việc đầu tư vào các tài sản trong game hoặc thậm chí là đầu tư vào các Guild khác.

Scholarship

Axie Infinity hiện tại vẫn đang là game phổ biến nhất cho mô hình Gaming Guild, minh chứng qua số lượng người dùng cao ngất ngưỡng cùng doanh thu từ giao thức khổng lồ chỉ đứng sau Ethereum và Filecoin (theo Token Terminal). Bên cạnh đó, việc Axie là người tiên phong tạo nên xu hướng GameFi và mô hình Gaming Guild, tựa game này luôn nhận được sự chú ý từ cộng đồng với vị trí như một BTC của thế giới GameFi.

Tuy vậy mức lơi nhuận từ SLP là không ổn định do tình trạng cung quá mức và tác động từ nhiều yếu tố khác như tình hình thị trường hay số lượng scholar.

Hình 18: Thay Đổi Ròng Và Giá SLP Trong Quý 4 năm 2021

Triết lý đầu tư

Với cơn sốt GameFi trong năm vừa qua, token của những dự án liên quan đến GameFi mang lại ROI cao ngất ngưởng. Đầu tư vào Gaming Guild được cho là một chiến thuật đầu tư hiệu quả cho cả hiện tại và tương lai, nổi bật trong đó có thể kể đến YGG với mức ATH ROI lên đến hơn 44,000% từ khoảng đầu tư 20,000 USD vào Illuvium.

Hình 19: Báo Cáo Quỹ Của YGG Trong Q3 Năm 2021

Theo nhận định của GameMarketCap, việc đầu tư NFT sẽ là xu hướng tiếp theo đang hàng loạt các Guild đang dần tích lũy cho mình những NFT đến từ các tựa game nổi bật. Bởi lẽ các dự án game hàng đầu như Sipher đã bỏ ra quỹ thời gian gần nửa năm chuẩn bị chu đáo các khâu về cộng đồng và sản phẩm, bên cạnh đó còn nhận được sự hậu thuẫn từ các quỹ hàng đầu tiếng tâm trong không gian tiền mã hoá. Khi các tựa game này chính thức ra mắt, nhu cầu cho các NFT sẽ chắc chắn tăng vọt, và người hưởng lợi cũng chính là các Gaming Guild.

6.3. Sự phân bổ các Gaming Guild

Sự thành công của các Guild lớn đã và đang góp phần cho mô hình hoạt động này trở nên phổ biến hơn và mở đường cho sự xuất hiện của các Guild vừa và nhỏ ở khắp các khu vực trên thế giới.

Hình 20: Phân Bổ Gaming Guild Theo Các Khu Vực

Theo thống kê của Blockchain Space, tính đến ngày 29/12, đã có hơn 4000 Guild trên khắp thế giới và khoảng hơn 60% số này thuộc Châu Á. Nhu cầu chơi game ở Châu Á cao cũng là điều dễ hiểu khi mà các nước Châu Á có thu nhập bình quân đầu người thấp và ngoài ra, thị trường game truyền thống ở Châu Á những năm gần đây cũng có phần nhộn nhịp khi nhiều ông lớn game Châu Á như Tencent hay Konami đang dần khẳng định thị phần của mình. 

Đặc điểm nổi bật nhất của mô hình Gaming Guild chính là việc bản địa hoá và định hướng cộng đồng. Một nền văn hóa chủ nghĩa tập thể và lòng yêu nước hướng tới cộng đồng ở các nước Châu Á là hai yếu tố thiết yếu tạo nên sự thành công của các Gaming Guild ở khu vực này, đặc biệt là ở Đông Nam Á.

YGG ra mắt lần đầu ở Philippines, do đó sở hữu cho mình phần lớn số lượng scholar có xuất thân từ vùng lãnh thổ này. Tính hiệu quả của mô hình này được chứng minh một lần nữa khi Ancient8 chinh phục thành công cơ sở người chơi tại thị trường Việt Nam và tương tự như vậy đối với GuildFi tại Thái Lan. Bản địa hóa và tương đồng về văn hóa là những yếu tố kết nối thiết yếu mà hầu hết các Gaming Guild cần phải có để nắm bắt thị phần người chơi tiềm năng mà những tổ chức này hướng tới.

Hình 21: Tổng Quan Các Gaming Guild Trong Khu Vực Đông Nam Á

6.4. Dự phóng cho năm 2022

Cơ sở hạ tầng Gaming Guild

GameFi đã có đủ điều kiện để khẳng định vị thế quan trọng của mình trong không gian tiền mã hoá. Do đó, việc dự phóng cho một sự tăng trưởng đột biến về mặt số lượng người chơi khi các game AAA ra mắt trong năm tới là hoàn toàn có cơ sở. Để phục vụ cho số lượng người chơi này, việc phát triển các công cụ quản lý và hệ sinh thái xoay quanh những công cụ này là hết sức cần thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến vị thế của các Gaming Guild so với các đối thủ cạnh tranh.

Thời điểm cuối năm 2021, chúng ta đã chứng kiến sự nổi lên của các nền tảng quản lý scholar và công cụ như Axie Academy Bot của Blockchain Space, công cụ quản lý scholar của PathDAO hay là EzHub và hệ sinh thái gaming trên nền tảng web của GuildFi. 

DAO vs subDAO

Khái niệm DAO đã có từ lâu nhưng 2021 mới chính là năm mà tính phi tập trung của các dự án blockchain được đem ra bàn luận sôi nổi với nhiều bước tiến mới. Gaming Guild là một mô hình vận dụng DAO khá hiệu quả khi mà tính cộng đồng là yếu tố cốt lõi của bất kỳ tổ chức nào.

Ngoài ra việc các Guild nhỏ và vừa liên tục mọc lên, đầu tư và sáp nhập với các Guild lớn cũng tạo điều kiện cho mô hình DAO và subDAO phát huy tối đa tiềm năng của mình. Mô hình hoạt động của YGG và các subDAO như YGG Sea là một trong những ví dụ tiêu biểu.

7. Tổng kết và dự phóng

7.1. Tổng Kết

Blockchain Gaming không phải là một khái niệm hoàn toàn mới nhưng đã thu hút rất nhiều sự chú ý từ cộng đồng nhờ vào sự “bùng nổ” của Axie Infinity và mô hình Play-to-earn.

Một số lượng đáng kể các dự án GameFi được phát triển cùng với số vốn đầu tư khổng lồ chảy vào ngách thị trường tiềm năng này từ vị trí của cả các quỹ đầu tư blockchain và truyền thống đã phần nào minh chứng cho tiềm năng phát triển lâu dài ở của hạng mục GameFi đang còn sơ khai ở thời điểm hiện tại. 

Với nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng cùng các giải pháp mở rộng hiệu năng, không gian GameFi đã, đang và sẽ có đủ cơ sở để mong chờ một cuộc cách mạng thật sự, đưa GameFi phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt ở những blockchain như Avalanche, Solana, WAX, Efinity, FLOW hoặc ImmutableX. Những khái niệm và dịch vụ mới như IGO hay Gaming Guild sẽ là những cầu nối vững chắc, đưa GameFi và blockchain nói chung tiếp cận nhiều hơn với số đông người dùng.

7.2. Cơ hội và thách thức

GameFi không phải là một khái niệm hay xu hướng đơn thuần, mà hơn hết là một ứng dụng công nghệ blockchain thật sự. Nhờ đó, các game thủ lần đầu tiên được công nhận một cách thật sự quyền sở hữu các tài sản trong trò chơi của mình, tạo thành một mô hình hoàn toàn mới cho một nền kinh tế kỹ thuật số bền vững trong tương lai.

Theo Newzoo, ngành công nghiệp game được định giá lên đến 180 tỷ USD. Blockchain Gaming với những cải tiến và công nghệ hiện tại hoàn toàn có cơ hội trở thành một phần của thị trường béo bở này, nhất là khi tích hợp yếu tố kinh tế vào game thông qua mô hình play-to-earn.

Mặt khác, ngành công nghiệp Blockchain Gaming vẫn được cho là còn đang ở trong giai đoạn sơ khai Nói cách khác, thu nhập vẫn là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy người dùng dành thời gian chơi các trò chơi blockchain hơn là yếu tố trải nghiệm của chính trò chơi. Để đảm bảo được tính bền vững của trò chơi, yếu tố giải trí và cốt truyện của dự án luôn là những khía cạnh mà các nhà làm game có kinh nghiệm trong ngành hướng đến và cũng là yếu tố cốt lõi mà nền blockchain gaming hiện tại còn đang tìm kiếm.

7.3. Dự phóng

Trong ngắn hạn, các dự án GameFi ưu tiên yếu tố “kiếm tiền” vẫn sẽ thống trị không gian blockchain gaming. Yếu tố tài chính vẫn luôn là một nam châm thu hút người chơi trong không gian blockchain khi hầu hết những người đến với thị trường đều mang cho mình một mục tiêu đó là “kiếm tiền”. Với sự đầu tư chỉnh chu về mặt tài chính và cơ sở hạ tầng, 2022 được dự đoán sẽ là một năm đầy khởi sắc cho mảng Gaming Guild và hệ sinh thái xoay quanh mô hình này.

Trong trung hạn, chúng ta sẽ có cơ hội chứng kiến sự “bùng nổ” GameFi cả về mặt số lượng cũng như chất lượng dự án, khi mà những khoản đầu tư khổng lồ trước đó bắt đầu phát huy tác dụng của mình.

Về mặt số lượng các dự án GameFi trên các hệ sinh thái, đặc biệt là các blockchain chuyên dụng và hiệu suất cao dành riêng cho GameFi/NFT, được dự phóng sẽ tiếp tục mở rộng. Do đó, sẽ xuất hiện nhiều hơn các công cụ, giúp thúc đẩy việc sản xuất các game blockchain một cách tối ưu hơn mà không phải mất thời gian xây dựng lớp cơ sở hạ tầng bên dưới. Với tốc độ xử lý cao và chi phí giao dịch thấp cho phép gỡ bỏ ranh giới về mặt công nghệ, cộng đồng game thủ blockchain có thể trông chờ vào sự xuất hiện nhiều hơn các game với lối chơi đa dạng, điển hình là game MOBA, thu hút nhiều hơn các game thủ truyền thống tham gia vào không gian blockchain.

Về chất lượng, các dự án GameFi danh tiếng trong không gian game blockchain như Axie Infinity, The SandBox, Radio Caca đã trang bị cho mình những bản nâng cấp về lối chơi, sẵn sàng trình làng cộng đồng trong thời gian sắp tới. Cụ thể, Axie Infinity sẽ ra mắt hệ thống đất ảo mang tên Lunacia, hứa hẹn sẽ khuấy động thị trường GameFi một lần nữa với sự mở rộng về lối chơi và hệ sinh thái của Dapp này.

Quan trọng hơn, các trò chơi AAA sẽ vẫn là ngòi nổi cốt lõi, kích hoạt sự bùng nổ thật sự của các game blockchain để có thể chính thức chiến thắng thị trường game truyền thống. Nếu các game blockchain hiện đang thu hút người dùng chủ yếu dựa trên yếu tố “kiếm tiền”, thì các trò chơi AAA sẽ đóng vai trò là bước chuyển đổi thiết yếu, đưa các game blockchain hướng gần hơn đến yếu tố “giải trí”, trở ngại to lớn nhất mà game blockchain chưa thể so sánh với các trò chơi truyền thống ở giai đoạn hiện tại. Do đó, phân khúc này sẽ là một chiến trường mới cho cả nhà phát triển, VC và thậm chí cả các blockchain. Với số vốn khổng lồ được huy động vào năm 2021 để đầu tư vào các tựa game AAA và cơ sở hạ tầng bên dưới, không gian game blockchain hoàn toàn có thể mong chờ vào một sự bùng nổ thật sự từ vị trí của các game AAA trong tương lai.

Đội ngũ GameMarketCap

-24/01/2022
logo-footer
Kết nối với chúng tôi
    Coin68 là nơi cung cấp cái nhìn tổng quan nhanh và chính xác nhất về tiến bộ công nghệ blockchain trên toàn cầu.
      Copyright © 2016 by Coin68