Anza vừa giới thiệu Alpenglow, bản nâng cấp được mô tả là thay đổi lớn nhất trong lịch sử phát triển Solana với mục tiêu đưa độ trễ xuống 150 mili-giây.
Anza đề xuất bản nâng cấp lớn nhất lịch sử Alpenglow, "lột xác" hoàn toàn Solana
Trong whitepaper dược công bố vào ngày 20/05, nhóm nghiên cứu của Anza gồm Quentin Kniep, Kobi Sliwinski và Roger Wattenhofer khẳng định rằng:
"Chúng tôi tin rằng Alpenglow sẽ là bước ngoặt của Solana. Đây không chỉ là một giao thức đồng thuận mới, mà còn là thay đổi cốt lõi lớn nhất mà Solana từng có.”
1/ Introducing the largest Solana Protocol change ever: Alpenglow, Solana's new consensus protocol conceived by the Anza Research team. Say goodbye to Tower BFT and Proof of History. Say hello to Votor & Rotor 🧵👇 pic.twitter.com/KPNQxQ1jBg
— Anza (@anza_xyz) May 19, 2025
Alpenglow là tên gọi của bản nâng cấp giao thức cốt lõi do Anza đề xuất phát triển mạng lưới Solana. Đây được xem là thay đổi lớn nhất từ trước đến nay trong kiến trúc kỹ thuật của blockchain này với tham vọng đưa Solana đạt đến tốc độ và độ phản hồi tương đương hạ tầng Web2.
Bản nâng cấp này sẽ bao gồm hai thành phần mới là:
- Votor: Giao thức đồng thuận thay thế TowerBFT hiện tại.
- Rotor: Giao thức phân phối dữ liệu thay thế hệ thống proof-of-history.
Votor: Cơ chế đồng thuận mới
Votor là thành phần trung tâm trong Alpenglow, dùng để xử lý đồng thuận và finality block. Nếu ví mạng lưới blockchain như một cuộc họp bỏ phiếu, thì Votor chính là người điều phối, giúp mọi người đưa ra quyết định nhanh và hiệu quả hơn.
Hiện tại, Solana dùng mô hình "gossip", giống như truyền miệng qua từng người, khiến thông tin mất thời gian để lan khắp mạng lưới. Votor thay thế cách làm đó bằng giao tiếp trực tiếp giữa các node, giống như tất cả thành viên họp qua Zoom thay vì phải truyền lời qua nhau, từ đó rút ngắn thời gian ra quyết định.
Cơ chế hoạt động của Votor gồm hai nhánh bỏ phiếu chạy song song:
- Vòng 1: Nếu có ít nhất 80% tổng stake đồng thuận, block sẽ được hoàn tất ngay trong vòng đầu tiên.
- Vòng 2: Nếu có ít 60% stake phản hồi, block vẫn có thể được hoàn tẩt ở vòng thứ hai.
Để dễ hiểu hơn, trong cơ chế đồng thuận Votor, quá trình finalize một block diễn ra theo hai vòng bỏ phiếu song song. Nếu vòng 1 không đủ số phiếu cần thiết thì hệ thống sẽ tiếp tục sang vòng 2 để cố gắng hoàn tất block. Trong đó:
- Vòng 2 chỉ diễn ra nếu vòng 1 không đạt được 80% stake đồng thuận để xác nhận block.
- Vòng 2 sẽ hoàn tất block nhưng với ngưỡng thấp hơn, chỉ cần 60% stake đồng thuận.
- Hai vòng này chạy cùng lúc và hệ thống sẽ chọn nhánh nào nhanh hơn để quyết định finality.
Nhờ thiết kế này, Anza cho biết Solana có thể rút ngắn thời gian xử lý mỗi block xuống chỉ còn 100–150 mili-giây, tương đương tốc độ phản hồi của các ứng dụng Web2 như mạng xã hội hay game online, điều mà các blockchain truyền thống chưa từng đạt được.
Nhận xét về thiết kế mới, nhà sáng lập Solana. Anatoly Yakovenko viết trên X:
“Tôi từng hiểu sai gần hết về cách thiết kế đồng thuận, ngoại trừ một nguyên lý quan trọng rằng cơ chế này không được cản trở các block producer sử dụng toàn bộ băng thông và mọi lúc. Alpenglow đã giải quyết tốt cả hai điều đó bằng một thiết kế vừa đơn giản vừa dễ hiểu.”
I got nearly everything wrong about consensus, except the important parts:
— toly 🇺🇸 (@aeyakovenko) May 19, 2025
* it can’t be in the way of block producers utilizing 100% of the bandwidth 100% of the time.
* users need some deterministic finality in one round (2-delta)
Alpenglow nails both of these requirements… https://t.co/wrAEydF7yU
Rotor: Cơ chế thay thế proof-of-history
Đi cùng với Votor, Rotor là thành phần mới được thiết kế để thay thế hệ thống proof-of-history (PoH), vốn được xem là “đặc sản” công nghệ của Solana từ những ngày đầu. Mục tiêu của Rotor là giúp block được truyền đi nhanh hơn và hiệu quả hơn trong toàn mạng lưới.
Rotor vẫn giữ nguyên cách hoạt động quen thuộc của giao thức cũ Turbine là cắt nhỏ block thành nhiều mảnh dữ liệu (shred), rồi phân tán chúng đi khắp mạng. Nhờ kỹ thuật này, các node vẫn có thể khôi phục block đầy đủ dù chỉ nhận được một phần nhỏ các mảnh dữ liệu.
Tuy nhiên, điểm cải tiến lớn nhất của Rotor là đơn giản hóa cách truyền dữ liệu, thay vì qua nhiều lớp trung gian như trước, giờ đây chỉ cần một lớp truyền tiếp (relay layer) duy nhất. Ngoài ra, Rotor còn tự động điều chỉnh tốc độ gửi dữ liệu dựa trên lượng stake của mỗi node, giúp việc phân phối block trở nên nhanh, nhẹ và ít tốn tài nguyên hơn.
Alpenglow chưa giải quyết được toàn bộ vấn đề về hạ tầng
Dù mang nhiều kỳ vọng, Anza cũng thừa nhận Alpenglow không giải quyết được mọi vấn đề hạ tầng Solana đang gặp phải, đặc biệt là rủi ro đứng mạng (outage), vốn là điểm yếu từng khiến Solana bị chỉ trích suốt thời gian qua.
Nguyên nhân chính là hiện tại Solana chỉ có một validator client chính thức là Agave, cũng do chính Anza duy trì. Điều này tạo ra rủi ro tập trung: nếu Agave gặp lỗi bảo mật nghiêm trọng, cả mạng lưới có thể bị tê liệt.
Tuy nhiên, kỳ vọng đang đặt vào validator client mới Firedancer do Jump Crypto phát triển, dự kiến sẽ ra mắt trên mainnet Solana trong năm nay. Firedancer hứa hẹn đa dạng hóa validator client, từ đó tăng khả năng chống chịu lỗi hệ thống.
Coin68 tổng hợp